Bị truy thu thuế, doanh nghiệp nước ngoài "than" do thay đổi chính sách

(Dân trí) - Thêm một doanh nghiệp nước ngoài phản ánh gặp vướng mắc về truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp khi chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam bất ngờ thay đổi trong giai đoạn năm 2009-2013.

Bị truy thu thuế, doanh nghiệp nước ngoài than do thay đổi chính sách - 1

Zamil bị truy thu 9,7 tỷ đồng tiền thuế liên quan tới dự án mở rộng trong giai đoạn 2009-2013.

Mới đây, Công ty TNHH Nhà thép Tiền chế Zamil Việt Nam (Công ty Zamil) đã có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cơ quan thuế không tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với việc kê khai và chậm nộp thuế.

Công ty Zamil có trụ sở và nhà máy thứ nhất tại KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và nhà máy thứ 2 tại KCN Amata, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Zamil cho biết, liên quan đến dự án mở rộng tại KCN Amata, tỉnh Đồng Nai, trên cơ sở chấp thuận của Bộ Tài chính, thuế suất ưu đãi đã áp dụng cho dự án mở rộng là 15%, đồng thời áp dụng miễn thuế TNDN 03 năm và giảm 50% cho 05 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, tại công văn hướng dẫn của Cục Thuế Hà Nội ngày 3/10/2017 của Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn áp dụng thuế ưu đãi miễn giảm cho dự án mở rộng của Công ty Zamil có nêu: “Dự án đầu tư mở rộng trong khu công nghiệp miễn thuế TNDN trong 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 5 năm tiếp theo, không áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi”.

Tiếp đó, tại kỳ quyết toán thuế 2012-2015 của Công ty Zamil, Đoàn thanh tra thuộc Cục Thuế Hà Nội đã xác định Công ty Zamil phải nộp thêm số tiền là gần 9,7 tỷ đồng cho dự án mở rộng của công ty tại KCN Amata, tỉnh Đồng Nai, trong đó số thuế chênh lệch là hơn 6,5 tỷ đồng và tiền phạt một lần và lãi trả chậm gần 3,2 tỷ đồng.

Zamil cho rằng: "Việc không nhất quán trong các văn bản hướng dẫn liên quan đến chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế và nội dung đề cập trong Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án mở rộng nằm ngoài khả năng và kiểm soát của doanh nghiệp".

"Công ty Zamil rất băn khoăn không biết xử lý công văn hướng dẫn của Cục Thuế Hà Nội như thế nào trong bối cảnh Công văn 4589/TC-TCDN ngày 19/4/2005 của Bộ Tài chính vẫn còn hiệu lực, song Công ty Zamil hiểu rằng nghĩa vụ thuế là trách nhiệm của nhà đầu tư, do vậy doanh nghiệp chúng tôi đã nộp khoản thuế chênh lệch 6,5 tỷ đồng do xác định lại thuế ưu đãi miễn giảm", Zamil cho hay.

Ngoài khoản tiền thuế chênh lệch, Công ty này kiến nghị Thủ tướng không tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với việc kê khai và chậm nộp với lý do "công ty thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và đã nộp đủ số tiền thuế TNDN còn thiếu vào NSNN".

Trước đó, một số doanh nghiệp nước ngoài cũng từng gặp vướng mắc với vấn đề tương tự như Zamil khi chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam bất ngờ thay đổi vào năm 2009.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trước năm 2009, các dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng trong những năm 2009 - 2013, chính sách này không được áp dụng và chỉ được “phục hồi” từ năm 2014, khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục được sửa đổi.

Ví dụ có thể kể tới như trường hợp Unilever bị cơ quan kiểm toán kiến nghị truy thu gần 575 tỷ đồng tiền thuế liên quan tới dự án mở rộng của công ty này.

Giải thích từ phía cơ quan thuế và kiểm toán cho hay, theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi.

Phía Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị truy thu Unilever nhưng đơn vị này chưa đồng ý với số tiền truy thu trên. Thậm chí sau khi bị cơ quan thuế "doạ" cưỡng chế truy thu thuế, phía Unilever đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng xin không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của Chính phủ.

Cách đây ít năm, một nhà đầu tư nước ngoài là Pepsico cũng đã liên tiếp gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị cho dự án ở Cần Thơ được hưởng ưu đãi đầu tư theo như giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.

Năm 2008, Suntory PepsiCo (có trụ sở tại TP.HCM) quyết định đầu tư một nhà máy sản xuất ở Cần Thơ, nhưng lại dưới hình thức chi nhánh. Dự án được cơ quan quản lý đầu tư xác định là dự án mới, nên được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15% trong 12 năm, miễn 3 năm và giảm 50% trong 7 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2012, khi Tổng cục Thuế thanh tra tại doanh nghiệp lại cho rằng, chi nhánh Cần Thơ của Suntory PepsiCo không được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư này. Cơ quan thuế xác định đó chỉ là dự án đầu tư mở rộng, nên cũng không được ưu đãi về thuế suất, giống như trường hợp của Zamil. Sau nhiều lần kiến nghị, tháng 5/2017, cơ quan thuế nhất quyết không chấp thuận cho Suntory PepsiCo được hưởng ưu đãi như dự án đầu tư mới.

Phương Dung