1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Bí quyết làm giàu của tỷ phú giàu nhất châu Á

(Dân trí) - Sở hữu khối tài sản lên tới 31 tỷ USD, “ông trùm” địa ốc Lý Gia Thành là người giàu nhất châu Á và giàu thứ 8 thế giới. Để có được khối tài sản “khủng” này, bí quyết của ông đơn giản là mua khi giá xuống và bán khi giá lên.

Ông Lý Gia Thành là tỷ phú giàu nhất châu Á
Ông Lý Gia Thành là tỷ phú giàu nhất châu Á

Tài sản của ông Lý đã tăng mạnh nhờ giá cổ phiếu của các công ty mà ông sở hữu, chủ yếu ở các tập đoàn Hutchison Whampoa, Cheung Kong Holdings và Huskf, tăng tới gần 20%. Ngoài ra còn phải kể đến khoản cổ tức lên tới hơn 850 triệu USD.

Theo tờ First Financial Daily có trụ sở tại Thượng Hải, thành công của ông có được là nhờ sự nhạy cảm kinh doanh trong việc bán các bất động sản, chủ yếu tập trung ở Hong Kong, ở mức giá đỉnh và mua lại các công ty ở mức giá thấp. 

Mới đây nhất, hôm 18/2 vừa qua, tức là chỉ 4 ngày trước khi chính quyền Hong Kong tăng thuế trước bạ đánh vào các tòa nhà thương mại và nhà ở, ông Lý đã bán một trong bốn khách sạn của mình. Toàn bộ 360 phòng trong khách sạn được bán sạch chỉ vòng 2 ngày, mang về 1,4 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 180,47 triệu đô la Mỹ). 

Tương tự, vào cuối năm 1997, tập đoàn của ông Lý đã bán được một loạt nhà hạng sạng ở mức giá cao chưa từng có, ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra. Hiện giá của những ngôi nhà này vẫn còn thấp hơn so với  giá năm 1997, First Financial Daily cho biết.

Ngoài ra, “ông trùm” kinh doanh này còn tung tiền mua hàng loạt công ty châu Âu. Chính nhờ việc tích cực tham gia các thương vụ thâu tóm ở Anh, tập đoàn của ông Lý được cho rằng đang kiểm soát gần 30% thị trường khí đốt tự nhiên, 1/4 thị phần ngành công nghiệp bán lẻ điện và một nửa số doanh nghiệp cung cấp nước của “đảo quốc sương mù”.

Trong đó, tiêu biểu nhất là thương vụ Orange, một công ty viễn thông do tập đoàn Hutchison Whampoa của ông Lý thành lập tại Anh năm 1994. Orange đã được bán cho “gã khổng lồ” của ngành viễn thông Đức là Mannesmann vào năm 2000 và giúp ông Lý bỏ túi khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ đô la Hong Kong. 

Đến năm 2012, tập đoàn của ông Lý đã mua lại cổ phần tại Orange lần nữa, với giá thấp hơn nhiều so với giá ông đã bán năm 2000. "Tôi đã mua lại Orange khi kinh tế châu Âu rơi vào khủng hoảng bởi tôi tin rằng hoạt động kinh doanh của công ty sẽ phục hồi trong 5 năm tới", ông Lý cho biết tại một cuộc họp báo vào tháng 8 năm ngoái.

Khai sinh tại Hong Kong, tập đoàn của ông Lý đến nay đang hoạt động tại 53 quốc gia trên khắp thế giới. Tài sản ở nước ngoài của họ chiếm 80% tổng tài sản và số lượng lao động nước ngoài lên tới hơn 200.000 người, so với số lượng 40.000 nhân viên tại Hồng Kông.

Kim Phụng
Theo Want China Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm