Bị Mỹ, Trung trừng phạt, Triều Tiên quay sang “làm ăn” với ai?
(Dân trí) - Triều Tiên đang phải đối mặt với một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế, đặc biệt từ Mỹ và đồng minh lâu năm Trung Quốc, nhưng nước này vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác để có thể "làm ăn".
Mặc dù có những điều kiện hạn chế, nền kinh tế tổng thể của Bình Nhưỡng đã tăng 3,9% trong năm ngoái, nhiều nhất kể từ năm 1999. Đáng nói, nước này đã kinh doanh với ít nhất 80 quốc gia trong thời gian qua, theo các số liệu của Chính phủ Hàn Quốc.
Theo CNBC, chưa có điều gì khẳng định nền kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ ở mức nào trong năm nay, nhưng tình hình ngày càng khó khăn hơn khi Hoa Kỳ mới đây đã công bố thêm các lệnh trừng phạt sau khi Tổng thống Donald Trump đưa nước này trở lại danh sách các nhà tài trợ khủng bố.
Quan hệ với Trung Quốc nhạt dần
Khi thế giới gây khó khăn với Bình Nhưỡng, thì từ lâu, các nhà lãnh đạo nước này đã bí mật làm ăn với các đồng minh ở Bắc Kinh để giảm bớt những rắc rối. Nhưng mối quan hệ đó đang có dấu hiệu phai mờ.
Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc chiếm hơn 80% thương mại của Bắc Triều Tiên, nhưng các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn trong năm nay về việc thực hiện áp lực lên Bình Nhưỡng.
Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul và là một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên nhận định rằng: Có sự thay đổi liên tục trong chính sách của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên.
Theo đó, ông lấy ví dụ về sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhất là về vấn đề Triều Tiên. Ông cho rằng đây là một hành động gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát, trong đó có ông.
Vị giáo sư này cũng cho biết thêm rằng, các nhà hoạch định chính sách và học giả Trung Quốc đang nói rằng “Trung Quốc đã có đủ những thứ mình muốn và nên chuyển sang một chính sách nghiêm khắc hơn”.
Trong tuần qua, Trung Quốc đã điều một phái đoàn đặc biệt tới Triều Tiên lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm ngoái. Các nhà quan sát Trung Quốc rất coi trọng chuyến đi này, nhưng hậu quả của nó không rõ ràng ngay lập tức, CNBC đưa tin.
Về phía mình, Triều Tiên có thể sẽ cảm nhận được những ảnh hưởng từ cách tiếp cận mới của đồng minh lâu năm Trung Quốc.
Cụ thể, Trung Quốc đã công bố số liệu tháng trước cho thấy xuất khẩu nhiên liệu của nước này sang Bắc Triều Tiên đã giảm mạnh trong tháng 9. Nhập khẩu than của Triều Tiên cũng giảm 71,6% so với năm ngoái, trong khi xuất khẩu xăng dầu giảm tới 99,6%.
Triều Tiên nối lại nhịp cầu với Nga
Với sự lạnh nhạt rõ ràng từ phía Bắc Kinh, không có gì ngạc nhiên khi Bắc Triều Tiên đang tìm kiếm đồng minh lớn mạnh khác.
Theo đó, hồi tháng 5, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi lời chúc Tết tới Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi ông liên lạc với bất kỳ nhà lãnh đạo nước nào khác.
Đáng nói, CNBC cho biết, Moscow có một mối quan hệ lâu dài với Bắc Triều Tiên khi Liên Xô cũ chiếm gần một nửa tỷ lệ thương mại quốc tế của Triều Tiên trong gần 30 năm cho đến khi Liên Xô sụp đổ.
Hiện tại, Nga dường như đang tăng cường sự hợp tác của mình với Triều Tiên. Tháng trước, một công ty viễn thông lớn của Nga cũng đã cung cấp internet cho Bắc Triều Tiên.
Việc kết nối internet này đến đúng vào thời điểm Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đang tiến hành các cuộc tấn công chống lại tin tặc Bắc Triều Tiên, The Washington Post đưa tin.
Bên cạnh đó, một dịch vụ mới cũng được ra mắt hồi tháng 5 để vận chuyển hàng hóa giữa Bắc Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga. Thêm nữa, nhiều hãng tin của Nga cũng cho biết sắp có kế hoạch mở rộng đường sắt kết nối giữa hai nước.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thương mại chính thức năm ngoái giữa 2 nước chỉ đạt 77 triệu USD, giảm đáng kể so với con số 113 triệu USD của năm 2013.
Đó là một con số đáng buồn khi Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông của Nga tuyên bố vào năm 2015 rằng Moscow muốn tăng khối lượng giao dịch thương mại với Bắc Triều Tiên lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng việc cung cấp dầu khí của Nga tới Bắc Triều Tiên không xuất hiện trên số liệu hải quan chính thức, cho nên ước tính rằng khối lượng thương mại thực tế ít nhất gấp 3 lần so với số liệu được ghi nhận, CNBC cho hay.
Theo báo cáo, dữ liệu quý I năm 2017 cho thấy thương mại của Nga với Bắc Triều Tiên đã tăng gấp đôi lên 31,4 triệu USD.
Về phía các nhà khoa học, họ cho rằng sự hậu thuẫn của Nga đối với Bắc Triều Tiên nhằm phục vụ một số mục tiêu chiến lược như xây dựng hình ảnh của Nga như một nhà môi giới quốc tế và củng cố hình ảnh nước Nga là một cường quốc.
Tuy nhiên, Benjamin Katzeff Silberstein, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, người theo dõi nền kinh tế của Bắc Triều Tiên, nhận định rằng: “Tựu chung lại, rất khó để nói chắc chắn chính xác rằng Triều Tiên đang tiến hành giao dịch thương mại với ai”.
Ông nói thêm: “Thương mại của Bắc Triều Tiên với các nước khác dưới nhiều hình thức khác nhau có lẽ còn lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta nhìn thấy. Với Nga, giao dịch thương mại có thể sẽ đặc biệt tăng lên trong vài năm tới tùy thuộc vào tình hình môi trường quốc tế”.
Hồng Vân (Tổng hợp)