Bí mật xây dựng đế chế bán hàng trực tuyến Amazon (P2)
(Dân trí) - Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, Amazon từ một công ty nhỏ bé đã vươn lên tầm của những “gã khổng lồ” khi có giá trị vốn hóa 140 tỷ USD và tuyển dụng 97.000 nhân viên. Nhưng thứ văn hóa doanh nghiệp mà CEO Bezos tạo ra không phải ai cũng chịu được.
Bezos - CEO thông minh và “tàn nhẫn”
Nhiều CEO các công ty công nghệ nổi tiếng có cá tính khác thường và Bezos có lẽ là một trong số đó. Steve Jobs “khét tiếng” khó lường với nhân viên và từng sa thải không ít người khi trong thang máy hay quát mắng những lãnh đạo có kết quả làm việc kém.
Bill Gates thường nổi cơn thịnh nộ tại Microsoft còn người kế nhiệm ông, Steve Ballmer, lại có thiên hướng ném ghế khi cáu giận. Cựu CEO Andy Grove của Intel khiến một thuộc cấp ngất xỉu trong một buổi đánh giá kết quả kinh doanh.
Bezos cũng vậy. Trước công chúng, ông có thể là người khéo léo, hài hước, nhưng trong Amazon ông có thể bùng nổ thành một người mà các nhân viên gọi là “kẻ khùng”. Những khi đó nhân viên của Bezos sẽ phải nghe những câu không mấy dễ chịu như:
“Cậu lười biếng hay đơn giản là không có năng lực?”, “Tôi xin lỗi, nhưng hôm nay tôi đã uống thuốc ngớ ngẩn chưa nhỉ?”, “Có cần tôi xuống kia và lấy giấy chứng nhận rằng tôi là CEO của công ty để các người ngừng tranh cãi với tôi về điều này hay không?” Hay như sau khi nghe bài thuyết trình của một kỹ sư, Bezos đùng đùng tuyên bố: “Vì sao cậu lại lãng phí cuộc đời tôi?”
Một số nhân viên Amazon cho rằng Bezos, cũng giống Steve Jobs hay Bill Gates thiếu sự cảm thông. Kết quả là ông đối xử với nhân viên đơn giản như tay sai mà không tính tới sự đóng góp của họ. Nhưng cũng vì thế mà nó giúp ông có thể phân bổ vốn và nhân lực một cách lạnh lùng và đưa ra những quyết định kinh doanh “siêu khó chịu”, mà các lãnh đạo khác có thể để cảm xúc và các mối quan hệ cá nhân chi phối.
Kim Rachmeler, một lãnh đạo từng làm việc cho Amazon hơn 10 năm cho biết: “Jeff không tha thứ cho sự ngu ngốc, thậm chí cả một sự ngu ngốc vô ý”. Điều quan trọng hơn đó là, Bezos khiến các nhân viên ngạc nhiên và khó chịu bởi hầu như mọi chỉ trích của ông đều đúng đắn.
Bruce Jones, cựu phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng của Amazon cho biết dù vị CEO của mình không được đào tạo về lí thuyết điều khiển, không có kiến thức về các hệ điều hành, nhưng khi đọc bản nghiên cứu cách thức di chuyển của công nhân trong các kho cất trữ hàng của Amazon sao cho hiệu quả, vốn được 5 kỹ sư nghiên cứu trong suốt 9 tháng, ông tuyên bố “tất cả các cậu sai rồi”.
Sau đó Bezos đưa ra các quan điểm của mình. “Mọi điều ông ấy nêu ra đều chính xác và đúng đắn”, Jones thừa nhận. “Sẽ dễ chịu hơn nếu chúng tôi có thể chứng minh ông ấy sai, nhưng chúng tôi không thể. Đó là một trong những đặc trưng khi giao tiếp với Jeff. Ông ta có một khả năng khó tin đó là cực kỳ thông minh về những thứ ông ta chẳng dính dáng đến”.
Văn hóa đối đầu và triệt để tiết kiệm
Những người thành công tại Amazon thường là những ai biết cách tồn tại trong bầu không khí đối đầu với những va chạm hầu như liên tục. Bezos tỏ ra ghê tởm cái ông gọi là “sự gắn kết xã hội” khi mọi người có thiên hướng tìm đến sự thỏa hiệp.
Thay vào đó ông thích những tranh luận được minh họa bằng con số và sự nhiệt huyết. Điều này được mã hóa thành một trong 14 nguyên tắc lãnh đạo của Amazon. Đây cũng là những giá trị được đánh giá cao của công ty và thường được thuyết giảng cho các nhân viên mới.
Các lãnh đạo bị buộc phải chất vấn các quyết định một cách tôn trọng, ngay cả khi việc này không dễ chịu hay tốn công sức. Lãnh đạo công ty phải có sức thuyết phục và bền bỉ. Họ không thỏa hiệp chỉ vì mục đích gắn kết xã hội. Một khi một quyết định được đưa ra, họ phải theo đuổi đến cùng.
Một số nhân viên thích văn hóa đối đầu này và không thể làm việc hiệu quả ở những nơi khác. Nhưng những người khác lại cho rằng “văn hóa đấu sỹ” tại Amazon quá hà khắc. Nhiều người không trụ nổi 2 năm.
Jenny Dibble, một cựu giám đốc tiếp thị từng làm việc 5 tháng trong năm 2011 cho Amazon khẳng định: “Amazon là một sự pha trộn kỳ lạ của một công ty mới thành lập cố gắng là một siêu công ty và một tập đoàn cố gắng để vẫn là một công ty mới thành lập”. Bà cho rằng các sếp của mình quá thiếu tiếp thu về ý tưởng của mình trong việc sử dụng mạng xã hội, còn thời gian làm việc dài không phù hợp cho việc chăm sóc gia đình.
Lãnh đạo tại các phòng ban từ 50 người trở lên thường được yêu cầu nâng cao trình độ nhân viên và phải sa thải những người có thành tích tệ nhất. Do vậy nhiều nhân viên Amazon luôn sống chung với nỗi sợ, còn những người được đánh giá tích cực mỗi lần rà soát thường cảm thấy bất ngờ.
Đến nay dù công ty đã hào phóng hơn giai đoạn những năm 1990, khi Bezos từ chối tặng thẻ xe buýt thành phố cho nhân viên, bởi ông không muốn họ có lí do để vội vã ra về đón chuyến xe cuối, nhưng công ty cũng không hề trợ cấp cho đồ ăn thức uống trong căng tin. Nhân viên mới được trao cho một ba lô có sạc pin, bàn laptop và tài liệu học việc. Nhưng khi họ nghỉ việc, họ sẽ phải nộp lại toàn bộ. Vé gửi xe trong bãi đậu xe của công ty là 220 USD/tháng và công ty chỉ hỗ trợ 180 USD.
Đây là một trong những nội dung trong quy tắc lãnh đạo của công ty: Tiết kiệm. “Chúng ta không chi tiền cho những thứ không quan trọng với khách hàng. Sự tiết kiệm làm nảy nở tài xoay xở, hiệu suất cao và những sáng kiến”.
Thanh Tùng
Theo Bloomberg, Businessweek