(Dân trí) - Làm thế nào, nhờ chiến lược nhân sự, triết lý đãi ngộ gì mà bao nhiêu năm nay, gã khổng lồ Samsung vẫn có thể tuyển và giữ chân được nhân tài để phục vụ cho tham vọng "phủ sóng" toàn cầu?
Bí mật về cuộc chiến săn người tài của "gã khổng lồ" Samsung
Làm thế nào, nhờ chiến lược nhân sự, triết lý đãi ngộ gì mà bao nhiêu năm nay, gã khổng lồ Samsung vẫn có thể tuyển và giữ chân được nhân tài để phục vụ cho khát vọng "phủ sóng" toàn cầu?
Cuộc chiến tuyển dụng nhân tài
"Tôi cảm nhận sâu sắc rằng tôi không còn được tôn trọng và không tin tưởng" là lời đồng giám đốc điều hành SMIC Liang Mengsong viết trong thư từ chức vào tháng 12/2020.
Đối với thế giới bên ngoài, Liang Mengsong có thể không phải là một nhân vật nổi tiếng. Nhưng trong SMIC và ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu nói chung, cái tên này có sức ảnh hưởng lớn.
Liang Mengsong gia nhập SMIC vào năm 2017. Ông nói trong đơn từ chức của mình rằng trong hơn 3 năm, ông đã làm việc chăm chỉ để hoàn thành 5 thế hệ chip từ 28 nanomet đến 7 nanomet.
Trước khi gia nhập SMIC, ông Liang Mengsong từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại TSMC và Samsung. Ông đóng một vai trò quan trọng trong mỗi công ty và thậm chí đôi khi ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Sự kiện Liang Mengsong từ chức đã gây rúng động thị trường vốn khi đó. Cổ phiếu của SMIC giảm gần 10% khi mở cửa, giá trị thị trường bốc hơi hơn 30 tỷ nhân dân tệ, chứng khoán Hồng Kông tạm ngừng giao dịch.
Lý do khiến thị trường chứng khoán phản ứng gay gắt dựa trên nhận định rằng những nhân tài kỹ thuật chủ chốt rất quan trọng trong ngành bán dẫn và thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của công ty.
Ngành công nghiệp bán dẫn có mật độ nhân tài cao nhất. Một người, một nhóm thường có thể ảnh hưởng đến toàn bộ ngành. Một số kinh nghiệm tự tích lũy diễn ra từ từ và còn lâu mới có thể bắt kịp những người khác.
Có được một tài năng hàng đầu ít nhất có thể giúp công ty không phải đi nhiều đường vòng và chi phí cho mỗi đường vòng có thể lên đến hàng tỷ USD
"Trong quá khứ, hàng trăm nghìn người nuôi một quân vương; ngày nay, một thiên tài có thể nuôi sống 200.000 người", cố chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee đã nói trong một bài phát biểu nội bộ vào năm 2002.
Các nhà sản xuất chip toàn cầu, bao gồm Micron Technology và TSMC của Đài Loan, đang tham gia vào việc tuyển dụng tích cực để thu hút các kỹ sư kỳ cựu nhằm đáp ứng nhu cầu về chip, đặc biệt là đối với những người được sử dụng trong việc phát triển các thiết bị điện tử tiên tiến.
Sự bùng nổ của xưởng đúc là do đơn đặt hàng chip tăng mạnh khi nhu cầu tiêu dùng đối với tivi, điện thoại thông minh, máy tính xách tay và ô tô đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19 sớm hơn dự kiến.
Vào năm 2020, tầm quan trọng của chip trong nền kinh tế quốc dân một lần nữa sẽ được đề cao, điều này càng làm tăng thêm sự cạnh tranh khốc liệt về tài năng chip.
Ngành công nghiệp chip cũng trở thành một trong số ít ngành tuyển dụng điên rồ trong năm nay. Một chuyên gia săn đầu người đã đề cập rằng mức tăng lương cho các nhân tài trong ngành chip đã tăng với tốc độ có thể nhìn thấy bằng mắt thường, từ 20% lên 30% và sau đó là 40%.
Năm 2020, thị trường bán dẫn toàn cầu có giá trị 415,5 tỷ USD. Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Omdia, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng lên 489 tỷ USD do nhu cầu tăng cao.
Cuộc chiến chip đang phát huy tác dụng mạnh mẽ khi những "gã khổng lồ" công nghệ từ khắp nơi trên thế giới đua nhau khẳng định vị thế thống trị của họ trong một thị trường đang rộng mở. Nhu cầu tăng mạnh đối với chip - một vật nhỏ xíu được sử dụng hầu như trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến máy tính, card đồ họa, ô tô đến tủ lạnh - đang khiến các nhà sản xuất chip căng thẳng. Đổi lại, các công ty đang sử dụng lợi nhuận béo bở mà họ đã tích lũy được trong đại dịch Covid-19 để giữ chân những nhân tài hàng đầu.
Micron, nhà sản xuất DRAM số 3 thế giới và là nhà sản xuất NAND lớn thứ năm, đang trong quá trình thuê nhân công cho các nhà máy của hãng ở châu Á, bao gồm Singapore và Ấn Độ.
TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, cũng bắt đầu tuyển dụng các kỹ sư cho kế hoạch phát triển tại Mỹ. Công ty Đài Loan cho biết họ sẽ đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng một nhà máy đúc quy trình 5 nanomet ở Phoenix, Arizona vào năm 2024.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta có trụ sở tại Hàn Quốc, tổng chi tiêu vốn của năm nhà sản xuất chip hàng đầu như Samsung, Intel, TSMC, Micron và SK Hynix dự kiến tăng lên mức kỷ lục 95,2 tỷ USD trong năm nay, tăng 28% so với mức 74,3 tỷ USD trong năm 2020.
Samsung tham gia vào cuộc chiến
Công ty bán dẫn khổng lồ Samsung Electronics đang tìm kiếm tài năng hàng đầu trong bối cảnh toàn ngành thúc đẩy tuyển dụng công nhân có kỹ năng cao để tận dụng sự bùng nổ chất bán dẫn dự kiến cùng với sự phục hồi kinh tế.
Samsung, nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, mới đây đã đăng một thông báo tuyển dụng toàn cầu để thuê những công nhân có kinh nghiệm trong hàng chục lĩnh vực liên quan đến bộ phận sản xuất chip của mình.
Phần lớn việc làm mới sẽ chuyển sang các công việc liên quan đến chip thế hệ tiếp theo như Z-NAND, một biến thể bộ nhớ flash hiệu suất cao chuyên dụng mà Samsung đang sản xuất để cạnh tranh với các sản phẩm đối thủ như ổ cứng thể rắn Optane của Intel Corp.
Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này cũng đang mở rộng lực lượng lao động trong bộ phận chip ô tô để đảm bảo các chuyên gia về DRAM ô tô, hệ thống thông tin giải trí, hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến và cảm biến hình ảnh.
Việc tuyển dụng tích cực của Samsung diễn ra khi ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được cho là đang bước vào một "siêu vòng quay".
Samsung và các công ty sản xuất chip toàn cầu khác đang vận hành hết công suất khi những nhà sản xuất ô tô và thiết bị điện tử cạnh tranh nhau để giành chip trong bối cảnh nguồn cung cạn kiệt.
Nikkei đưa tin, Samsung đã trích ra 11 tháng lương như một khoản thưởng cho việc giữ lại lực lượng kỹ sư có trình độ. Tổng 11 tháng bao gồm 2 tháng tiền thưởng được thanh toán vào tháng 12/2021 và 3 tháng "tiền thưởng dịch vụ" bổ sung vào tháng 1/2022. Thêm vào nguồn tài chính dồi dào cho nhân viên Samsung là một khoản tiền thưởng tương đương nửa năm lương, liên kết để chia sẻ lợi nhuận.
Theo Korea Exchange, tính đến ngày 31/12/2020, Samsung đã sử dụng gần 110.000 nhân viên tại Hàn Quốc, với mức lương trung bình hàng năm là 127 triệu won (tương đương 106.000 USD), theo báo cáo hàng năm của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Con số này tăng 26% so với 5 năm trước và mức trung bình có thể sẽ cao hơn, do thu nhập cao vào các năm tới.
Con số đó không nói lên toàn bộ câu chuyện, vì nhà sản xuất chip còn cung cấp những lợi ích hào phóng khác. Nhân viên có thể thưởng thức bữa sáng, bữa trưa và bữa tối miễn phí tại nhiều căng tin khác nhau trong công ty và phần lớn học phí cho con cái họ do Samsung chi trả.
Những chính sách này bắt nguồn từ triết lý đãi ngộ của cố lãnh đạo Lee Kun-hee, lãnh đạo lâu năm của Samsung, đưa ra vào năm 2001: Hiệu quả công việc phải được đền đáp xứng đáng. Samsung là một trong những công ty Hàn Quốc đầu tiên giới thiệu hệ thống chia sẻ lợi nhuận cho nhân viên.
Với sự gia tăng ổn định của nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn, các nhà sản xuất chip đang cạnh tranh để tìm kiếm những tài năng có thể phát triển công nghệ mới hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất.
Chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng tình trạng thiếu chất bán dẫn là một nguy cơ nghiêm trọng trong ngành công nghiệp cốt lõi và đã thực hiện các biện pháp để đào tạo thêm nhân tài. Cụ thể như khuyến khích các trường đại học hàng đầu thành lập các khóa học bán dẫn. Tuy nhiên, những nỗ lực đào tạo thêm nhiều công nhân có trình độ vẫn không theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường chip.
Samsung đưa ra các ưu đãi đặc biệt để thu hút các kỹ sư giỏi và tăng lương để giữ chân nhân viên khi các đối thủ không ngừng "rình rập".
Quá khứ săn người tài của Samsung
Trong suốt quá khứ, Samsung từng đưa ra nhiều chính sách để săn nhân tài. Do đó, nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của những nhân viên chủ chốt.
Để nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển chip, Samsung bắt đầu săn người khắp nơi. Vào thời điểm đó, có rất nhiều người Hàn Quốc trong các công ty bán dẫn của Mỹ. Để thu hút những người này, Samsung đã mở một Viện nghiên cứu Bắc Mỹ tại Thung lũng Silicon, nơi tập trung các công ty bán dẫn, và tuyển dụng với mức lương cao gấp 2-3 lần. Cố chủ tịch Lee Kun-hee cũng đã hơn 50 lần đến Thung lũng Silicon để giới thiệu công nghệ và tài năng.
Mục tiêu tuyển dụng nhân sự chính của Samsung là các công ty Nhật Bản với công nghệ hàng đầu. Năm 1985, nhóm của Takeshi Chuanxi, người phụ trách bộ phận bán dẫn của Tập đoàn Toshiba Nhật Bản, đã phát triển và sản xuất thành công bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động 1MB. Và Samsung nhắm vào Takeshi Chuanxi.
Năm 1986, Takeshi được mời đến thăm nhà máy bán dẫn mới xây dựng của Samsung. Sau đó, Samsung đã tổ chức một phái đoàn đến thăm lại Toshiba và nhân cơ hội này để thăm dò Takeshi.
Tuy nhiên, thời điểm đó, ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản đang ở thời kỳ hoàng kim, nên việc săn người là vô cùng khó khăn. Samsung đã cố gắng hết sức để tận dụng nguồn chất xám này, chẳng hạn như mời các kỹ sư Nhật Bản sang làm tư vấn cho Samsung. Họ thường không làm công việc cụ thể, nhưng họ nhận được đồ ăn, thức uống và nhiều "niềm vui" khác vào cuối tuần.
Năm 1987, Toshiba của Nhật Bản đã bán cho đơn vị tư nhân 4 máy công cụ điều khiển kỹ thuật số 9 trục hiệu suất cao cần thiết để sản xuất tàu ngầm hạt nhân, và Mỹ đã bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản. Mỹ đã ký "Hiệp định bán dẫn" với Nhật Bản, yêu cầu Nhật Bản dừng bán phá giá tại thị trường Mỹ. Hàng hóa Nhật Bản vào thị trường Mỹ chỉ có thể bằng hoặc cao hơn giá hợp lý, và các công ty Mỹ sẽ chiếm được 20% thị trường Nhật Bản.
Động thái này đã khiến các nhà sản xuất chất bán dẫn Nhật Bản, vốn ban đầu chiếm 80% thị trường chất bán dẫn toàn cầu, gặp rắc rối. Tuy nhiên, điều này đã tạo cơ hội tốt cho Samsung Semiconductor săn tìm người. Họ bắt đầu săn lùng các kỹ sư Toshiba với mức lương cao gấp 3 lần.
Với sự hỗ trợ của những tài năng kỹ thuật này, Samsung đã nhanh chóng hoàn thành bước nhảy vọt của chip 256-bit và 486-bit, đồng thời vượt qua các tiêu chuẩn kỹ thuật của các công ty Nhật Bản. Thị phần của hãng trên thị trường toàn cầu ngày càng tăng.
Samsung đã phát triển chip 256-bit và chính thức tham gia vào cuộc cạnh tranh thị trường chip toàn cầu; chỉ sau 10 năm, thị phần chip sản xuất hàng loạt của Samsung đang tiến gần đến Nhật Bản.
Samsung tuân theo một triết lý kinh doanh đơn giản - đó là cống hiến tài năng về mặt con người và công nghệ của mình để tạo ra các sản phẩm và các dịch vụ cao cấp, giúp đóng góp cho xã hội toàn cầu. Triết lý kinh doanh của Samsung gắn liền với "tài năng của con người".
Theo đó, công ty tập trung vào việc phát triển và bồi dưỡng nhân viên ngay từ những ngày đầu tiên thành lập công ty, đồng thời luôn khuyến khích mọi người phát huy hết tiềm năng bằng cách cung cấp một môi trường tự điều chỉnh và sáng tạo.
Samsung cũng tôn trọng sự đa dạng của nhân viên và đặt ưu tiên vào việc bảo vệ các quyền của nhân viên và nghiêm cấm phân biệt đối xử. Đặc biệt, công ty cam kết tuân thủ các luật và quy định có liên quan ở các quốc gia mà Samsung thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tôn trọng tất cả các quyền của người lao động.
Với chiến lược nhân sự và triết lý đãi ngộ như vậy, không khó để hiểu tại sao cả trong quá khứ và hiện tại - trong hoàn cảnh cạnh tranh nhân tài gay gắt, Samsung vẫn có thể tuyển dụng được nhân tài phục vụ cho tham vọng phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu của mình.
Nội dung: Cẩm Hà
Theo Metal, Kedglobal, Inf, Samsung