Livedoor - Vực thẳm chứng khoán:
Bí mật của Horiemon
Tháng 4-2000, Livedoor lần đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo. Đó là bước khởi đầu lên đỉnh vinh quang và cũng là té xuống vực của Takafumi Horie.
Mạnh nhờ chứng khoán
Đầu năm 2004, công ty của Horie vẫn còn mang tên cũ là Livin’ on the Edge. Horie quyết định đổi tên tập đoàn thành Livedoor sau khi lần lượt mua lại cả hai chi nhánh của Livedoor - một công ty đang lỗ lã đến mức phá sản. Vụ mua bán này đánh dấu thời điểm số cổ phiếu của Livedoor tăng 30.000 lần, nghĩa là một cổ phiếu Livedoor mua năm 2001 sẽ nhân 30.000 cái vào năm 2004.
Báo Yomiuri, một trong bốn tờ báo chính tại Nhật, dẫn lời nhận xét của một đối thủ của Livedoor nói: “Livedoor là một cây rậm rạp có những quả ngọt rất hấp dẫn”. Các nhà đầu tư do đó rất hi vọng vào những “quả ngọt hấp dẫn” đang ngày càng xuất hiện nhiều trên “cây cổ thụ” Livedoor khi hầu hết các thành viên của Livedoor đều là những công ty hàng đầu, trong đó có những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo.
Với nguồn vốn dồi dào, Livedoor dốc toàn lực vào việc thu mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác. Đến đầu năm 2006, Tập đoàn Livedoor có 44 công ty thành viên. So với các công ty Internet khác thì Livedoor có nhiều đơn vị chi nhánh hơn hẳn. Rakuten (công ty thương mại điện tử lớn tại Nhật) chỉ có 31 chi nhánh, còn Yahoo Nhật Bản có 20 chi nhánh. Gần một nửa trong 44 thành viên đó được Livedoor mua lại trong năm 2004.
Đáng kể nhất là lĩnh vực tài chính. Livedoor có đến 12 công ty con thuộc lĩnh vực này, điển hình là Hãng chứng khoán Livedoor Securities hay hệ thống thanh toán trực tuyến BitCash. Cứ 10 đồng Livedoor kiếm được thì có đến 6 đồng là từ dịch vụ tài chính. Nếu phải liệt kê các “món ăn chơi” thì Livedoor cũng chẳng thiếu: từ dịch vụ đặt phòng trực tuyến BestReserve, trang web hẹn hò trực tuyến Cueznet đến dịch vụ thuê DVD trực tuyến Posren. Tháng 9-2005, Livedoor còn “ôm” thêm Công ty Jac Holdings sau khi mua 51% cổ phần của hãng buôn xe hơi cũ này và biến nó thành chi nhánh Livedoor Auto.
Mỗi lần sáp nhập là mỗi lần cổ phiếu của Livedoor tăng giá. Tính đến đầu năm 2006, giá trị thị trường của Livedoor lên tới hơn 8,5 tỉ USD. Khởi đầu là Hãng tư vấn thiết kế web Livin’ on the Edge, Livedoor vươn mình thành một “cánh cửa cuộc đời” cho những ai muốn bước vào thế giới chứng khoán để đầu tư ít có lời nhanh.
Mờ mắt vì sự hào nhoáng
Vào thời điểm ban giám đốc Livedoor bị bắt, Hãng tin AP dẫn lời một nhà đầu tư tên Yoshikazu Tsugiyama nói “tất cả giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu đã trở thành mớ giấy lộn”. Tsugiyama nói: “Tôi đã rất hi vọng vào Horie vì nghĩ anh ta có thể làm mọi việc, giờ đây tôi thấy đó là một sai lầm quá lớn”. Thật ra rất nhiều người không nhớ Công ty Livedoor buôn bán những gì. Trước năm 2001, mọi người có lẽ còn nhớ đó là công ty chuyên tư vấn và thiết kế web rất triển vọng, nhưng sau khi Livedoor được niêm yết cổ phiếu trên khu vực các công ty công nghệ trẻ đầy tiềm năng của sàn chứng khoán Tokyo thì không ai có thể biết triển vọng đó là gì. Đơn giản là Livedoor đã bung ra khỏi lĩnh vực chuyên môn của mình để tiến vào nhiều ngành khác, từ địa ốc, chứng khoán, tài chính đến ôtô, truyền thông, giải trí...
Cũng đã có nhiều dấu hiệu báo trước cho thấy Livedoor không quá tốt đẹp như mọi người nghĩ, nhưng hầu như mọi người bị sự hào nhoáng bên ngoài của Horie làm mờ mắt. Trong mỗi bản tin báo chí Nhật viết về Horie đều mang hình ảnh một chàng trai trẻ đầu đinh, mặc áo phông hay cặp với những cô gái đẹp, lái xe hiệu Ferrari, đi ăn nhà hàng sang và luôn miệng chỉ trích văn hóa kinh doanh Nhật. Thời Livedoor phát triển bùng nổ cũng trùng với thời thủ tướng Junichiro Koizumi nắm quyền. Người ta nhớ đến ông Koizumi đi thăm đền chiến tranh Yasukuni, xuất bản tuyển tập những bài hát Elvis Presley, tâm tình với tài tử Tom Cruise mà ông ta hâm mộ. Ông Koizumi cũng đã tiến hành nhiều biện pháp táo bạo để phục hưng nền kinh tế mỏng manh của Nhật. Giới trẻ Nhật không muốn làm việc cực khổ và gắn mình suốt đời vào một công ty như cha anh. Trong bối cảnh đó, Horie xuất hiện với tất cả những gì người dân Nhật mong muốn. Ai cũng có thể đầu tư ít nhưng kiếm lời nhanh và nhiều, lại không cực khổ. Horie xuất hiện nhiều và liên tục trên truyền hình. Horie chỉ trích những giá trị truyền thống là lạc hậu và lặp đi lặp lại mong muốn trở thành người giàu nhất trên hành tinh và để làm được chuyện đó, anh ta dành ưu tiên hàng đầu cho lợi ích của các nhà đầu tư vào Livedoor. Ai cũng có thể dễ dàng thấy cuộc đời Horie hết sức thành công. Người ta xem blog của anh ta viết về những lần đi ăn tại những nhà hàng, có cả ảnh chụp những món ăn đó trông hấp dẫn và đắt tiền ra sao. Người ta xem truyền hình thấy Horie rất thoải mái với những minh tinh mà anh ta hẹn hò. Họ có thể đến tận tòa nhà Roppongi Hills, nơi các công ty nổi tiếng đặt trụ sở, để xem căn hộ của Horie trong đó.
Cuộc đời của Horie đơn giản là kiếm tiền tỉ và ung dung hưởng thụ. Người ta xem Horie là Horiemon với khả năng thành công thần kỳ. Như thế không còn ai chú ý đến nội tình của Livedoor. Horie đồng nghĩa với Livedoor và ngược lại. Dĩ nhiên, có nhiều người không ưa tính cách khoa trương đó, đặc biệt là những người bảo thủ. Họ biết tiền không dễ dàng tự sinh ra nhưng lại ra đi nhanh hơn bất kỳ những giá trị khác. Với những ai chỉ trích, Horie thường nhìn thẳng vào họ và nói: “Kiếm tiền có gì sai? Anh không muốn giàu có à?”. Lúc đó, ít ai phản bác được luận điệu của Horie. Nhưng tuần này, Tòa án Tokyo đã làm được bằng một câu nói đơn giản: “Hai năm, sáu tháng”. Giờ thì Horie có nhiều thời gian để suy nghĩ lại những việc mình làm, không chỉ là tiền bạc mà còn là niềm tin anh ta làm mất của nhà đầu tư.
Theo Minh Huy
Tuổi trẻ/ The Economist, Yomiuri