1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bi hài “hợp tác xã cắt tóc” Hà Thành

Cắt tóc thời bao cấp cũng nhiều chuyện khôi hài. Ngày làm 8 tiếng, trung bình một thợ một ngày cắt 30 đầu khách.

Không ai có thể biết được câu trả lời chính xác: nghề cắt tóc có từ bao giờ? Người ta đồ rằng, nó xuất hiện từ khi những nhà cách tân đầu tiên của Việt Nam sang nước ngoài, ảnh hưởng theo lối sống phương Tây, bỏ búi tó củ hành để tóc ngắn.

 

Thuở  ban đầu sơ khai của cái nghề "đè đầu thiên hạ" ấy, nó cũng chỉ dành cho... nam giới. Nó là một cõi giang san bất khả xâm phạm của giới đàn ông, đàn bà con gái tịnh không được "bén mảng" đến.

 

Khi những "cao thủ" của làng nghề cắt tóc Kim Liên lần lượt về với tiên tổ. Trong cái tao đoạn ấy, tay kéo Duy Hào, được dân trong nghề thừa nhận như là người cắt tóc cuối cùng của đất Hà thành này...

 

Một thế kỷ... "vít đầu thiên hạ"!

 

Tiệm cắt tóc nhỏ xíu bị che khuất bởi những lô hàng quần áo cũ, hàng chợ, hàng "si-đa" Kim Liên. Tấm biển hiệu nhỏ bé đặt trên lan can tầng 2 của ngôi nhà cũ kỹ: "Cắt tóc Duy Hào".

 

Trong khi những tiệm cắt tóc nam nữ, nhuộm tóc, hấp tóc, duỗi tóc, là tóc... mọc lên như nấm ở đất Hà thành này, với đủ loại hình: cắt tóc máy lạnh, cắt tóc... wifi, cắt tóc massage, cắt tóc thư giãn, rồi bình dân nhất là những anh cắt tóc dạo, treo cái gương lên gốc cây bên vỉa hè, với bộ dao kéo, tông đơ..., thế là cũng đủ để hành nghề.

 

Khi thảy ai cũng coi cái nghề "đè đầu thiên hạ" này là nghề phụ, mưu sinh trong những lúc sa cơ thất vận, chẳng cần học hành gì cả, thấy cái gì thừa ra là lấy dao, lấy kéo phay cho cụt, thế là... thành thợ cắt tóc.

 

Những người thợ cạo Kim Liên chính gốc, với họ, nghề cắt tóc là nghề của sự tài hoa, nghề "hành" bằng đôi tay, đôi mắt!
 
Bi hài “hợp tác xã cắt tóc” Hà Thành
Tay kéo Phạm Duy Hào

 

Theo lời tâm sự của "anh thợ cạo" đất Kim Liên tên Hào, thì cả gia đình anh đã làm nghề cắt tóc, từ cha truyền con nối đến giờ cũng ngót một thế kỷ.

 

Người mang dao kéo đầu tiên, chính là cụ Phạm Duy Hiền (tức Đảng) - ông nội anh Hào - đã mở nghiệp cắt tóc cho làng Kim Liên. Đến đời anh Hào, dòng họ Phạm đã có ba đời sống bằng nghề cắt tóc.

 

Xưa, cụ Hiền theo nghề cũng rất tình cờ. Thời gian đầu, cụ chỉ là cậu bé học nghề, lo khoản nhóm lò, quạt bếp..., rảnh rỗi thì học lỏm những người thợ cả... Thế mà thành nghề. Theo yêu cầu của khách, cụ cắp tráp đến cắt tóc tận nhà. Quãng năm 1920-21, lúc đó cụ Hiền chừng 18, 19 tuổi, cụ đã mở được cửa hàng cắt tóc ở phố Hàng Bông. Khách đông không xuể, phải xếp hàng đợi đến lượt mình.

 

Một lần, vua Bảo Đại đi vi hành, đến tiệm cắt tóc của cụ Đảng. Nhà vua để mắt tới bởi phục cái tài hoa, khéo léo, đôi mắt thẩm mỹ của người thợ cạo, chỉ nhìn liếc một cái đã biết, kiểu tóc nào hợp với đầu nào.

 

Cụ Đảng trở thành thợ cắt tóc riêng cho vua Bảo Đại, được vời vào Huế, chuyên "phụ trách" mảng "tóc tai" cho các hoàng tử con vua. Có đận, anh thợ cạo đất Bắc được theo chân ông vua ăn chơi này sang tận Angieri để chăm sóc "góc con người" của vua.

 

Bấy giờ, cụ Đảng đã mua được một ngôi nhà nằm trên phố Bà Triệu, chỗ Viện mắt Trung ương bây giờ. Ngôi nhà bị cháy trong một lần hoả hoạn. Cụ bèn mua ngôi nhà mới trên phố Đào Duy Anh cho vợ con ở, để yên tâm công việc cắt tóc trong Huế.

 

Hàng tháng, cụ đánh dây thép gửi tiền về cho vợ nuôi con. Mức lương vua Bảo Đại trả cho người thợ cắt tóc riêng của mình, nếu quy đổi ra mệnh giá tiền tệ bây giờ, tương đương... 20 triệu đồng!

 

Sau này, khi những biến cố xảy ra, cụ Đảng quay lại Hà Nội, tiếp tục làm nghề cắt tóc của mình. Số tiền dành dụm được trong những năm cắt tóc cho vua Bảo Đại ở cung đình Huế, người thợ cạo "chịu chơi" này mua hẳn một con xe Solec "mù" của Pháp. Cụ trở thành một trong bốn người sở hữu bốn chiếc xe duy nhất do Pháp mang sang.

 

Năm 1985, cụ Đảng mất. Khi ấy, cụ hành nghề cắt tóc được ngót 70 năm, thọ 84 tuổi. Toàn bộ di vật của cụ theo thời gian bị rơi vãi dần. Thế nhưng, đó là những món đồ "có một không hai": kéo tỉa của Pháp, kéo cắt của Tây Đức, tông đơ loại 3.0, con dao cạo sắc mát lịm, bôi dưới màu thép trắng, bôi trên mạ vàng, giữa là dòng chữ Frances khắc chìm.

 

Cuộc đời dâu bể dâu. Những cái tên "nức danh" đất kéo Hà thành một thời như cụ Hai Hiền, cụ Phạm Văn Cam, cụ Phạm Đình Vân, cụ Trinh Hữu Kỳ, cụ Nguyễn Văn Nhị, cụ Nguyễn Văn Mùng ... lần lượt phải "rửa tay gác kiếm" vì lý do tuổi tác "tay chậm, mắt mờ", cũng là khi các cụ có trong tay xấp xỉ năm sáu chục năm tuổi nghề.

 

Lớp trẻ hậu sinh chẳng thiết tha với cái nghề tay dao tay kéo nữa. Làng cắt tóc Kim Liên ngày càng trong cảnh suy vi, thất truyền đối lập với sự bung ra của những dịch vụ tóc tai một cách... không thể cưỡng lại được.

 

Cái tao đoạn chung của hầu hết những nghề truyền thống, giữa cảnh giao thời này, không riêng gì làng cắt tóc Kim Liên. Và, chính hoàn cảnh ấy dường như đã "chọn" người họ Phạm đời thứ ba của dòng họ Phạm Duy làm người kế cận, giữ nghề!
 
Bi hài “hợp tác xã cắt tóc” Hà Thành
Đình làng Kim Liên - một trong tứ trấn Hà thành, địa danh gắn với làng nghề độc đáo nổi danh và nổi nênh suốt thế kỷ quả.

 

Người thợ cuối cùng của 'hợp tác xã cắt tóc'

 

Bước qua tuổi 50, thế nhưng anh thợ kéo Phạm Duy Hào vẫn giữ nét trẻ trung của một anh... trai tân!

 

Giọng khàn khàn rất riêng. Sự nhanh nhẹn và khéo léo của anh sống động hơn bao giờ hết trong mỗi lần cắt tóc cho khách. Cái cửa hàng nhỏ xíu của anh, vốn đã bị "nuốt chửng" bởi những lô hàng quần áo siđa trên phố Kim Liên, lại bị khuất lấp thêm bởi khóm tre ngà đứng chơ vơ và đầy lạc lõng giữa phố phường ngập ngụa bụi và nắng này.

 

Thế nhưng, hữu xạ tự nhiên hương. Không cần phải trưng biển như đập vào mắt thiên hạ. Không cần phải cửa kính, máy lạnh, phòng kính sang trọng như những tiệm cắt tóc máy lạnh, hay cắt tóc massege mọc lên ầm ầm khắp các hang cùng ngõ hẻm. Tấm biển nhỏ nằm khiêm tốn trên gác hai, ngay trên hàng lan can của một ngôi nhà xây kiểu cũ không còn phù hợp với kiến trúc bây giờ.

 

Khách quen muốn đến cắt tóc, phải gọi điện trước, một là để... "xếp lốt", thứ hai là đề phòng ông chủ ngẫu hứng bỏ đi chơi, để cửa tiệm lại cho mấy cậu bé học nghề trông coi!

 

Tuổi thơ của Phạm Duy Hào gắn liền với những ngày tháng làm phụ việc cho ông nội, cho bố..., những người "thợ cả" của làng nghề cắt tóc Kim Liên. Khi ấy, cậu chỉ làm "chân chạy" sai vặt.

 

Hoà bình lập lại, mô hình hợp tác xã được mở rộng. Những cửa hiệu cắt tóc tư nhân do người làng Kim Liên mở ra dọc các phố Quang Trung, Hàng Cót, Hàng Bông... được quy tụ lại trong một hợp tác xã. Hợp tác xã này do chính người cha của Phạm Duy Hào làm chủ nhiệm.

 

Khi ấy, thợ cắt tóc muốn hành nghề phải trải qua lớp đào tạo, phải được cấp bằng "hành nghề" do ngành Quản lý ăn uống và phục vụ Hà Nội cấp. Hàng tháng, hợp tác xã tổ chức các cuộc thi sát hạch, nâng cao tay nghề để xếp cấp bậc (theo kiểu xếp bậc của công nhân).

 

Những thợ nào không vượt qua được kỳ sát hạch sẽ bị xuống bậc. Cùng với sự xuống ấy là mức lương cũng bị hạ theo. Phạm Duy Hào đỗ thủ khoa của khoá học đầu tiên, vào nghề được "vượt bậc" lên bậc hai, bỏ qua thời gian thử việc. Cái "gien" di truyền của dòng họ đã ngấm sâu vào trong máu anh từ lúc nào không biết.

 

Cắt tóc thời bao cấp cũng nhiều chuyện khôi hài. Ngày làm 8 tiếng, trung bình một thợ một ngày cắt 30 đầu khách.

 

Sáng mở cửa, khách lần lượt kéo vào lấy số thứ tự, xếp hàng đợi. Tất thảy mọi người đều để một kiểu tóc như nhau, kiểu tóc mai xanh trắng gáy. Anh thợ nào "ngẫu hứng" tạo kiểu đầu mới, sẽ bị tổ trưởng trừ thi đua, lấy đó làm căn cứ để... hạ bậc tay nghề. Bằng không, ông khách để kiểu "mốt mới" sẽ được đội trật tự thanh niên cờ đỏ gặp ngoài đường yêu cầu dừng lại, lấy tông đơ "xoẹt" dọc ngang hai đường, bắt phải quay lại hợp tác xã để sửa lại kiểu đầu cũ.

 

Một cái đầu cắt theo kiểu "bình dân" như thế, mất ba hào, tương đương với một bát phở. Chỉ sau một thời gian ngắn, do tay nghề cao, anh thợ cạo Duy Hào được "đặc cách" lên thợ bậc 7, hưởng mức lương cao nhất là 70 đồng/1 tháng. Anh cũng là người thợ cắt tóc duy nhất trong hợp tác xã thường xuyên được mời đến các đại sứ quán cắt tóc cho các chuyên gia nước ngoài!

 

Năm 1981, Phạm Duy Hào nghỉ chế độ 176, rồi đi thanh niên xung phong trong Lâm Đồng. Năm 1983, Phạm Duy Hào về thành đoàn Hà Nội, được cử đi học tập tại Liên Xô.

 

Một lần, đi cắt tóc ở Nga, thấy anh thợ cạo của Nga cứ lóng nga lóng ngóng, anh giành lấy tong-đơ, kéo... cắt cho hết cả những ông khách của nước bạn.

 

Thấy anh múa kéo đẹp quá, cắt vừa nhanh, vừa chuẩn, kiểu dáng lại phù hợp với kiểu đầu, sau đận ấy, anh được "tín nhiệm" mời đến làm thợ cắt tóc vào những ngày cuối tuần. Cũng là vừa đỡ nhớ nghề, vừa có thu nhập thêm trong những năm tháng sống bên nước bạn.

 

Cứ ngỡ duyên nợ với nghề dao kéo đã cạn, khi Phạm Duy Hào rẽ ngang nghề cắt tóc khi "nhảy" sang địa hạt mới làm công tác thanh niên, thế nhưng, cái số của anh như bị cái nghề chiếu tướng. Về Việt Nam, anh lại quay trở lại với cái quán cắt tóc gia truyền ba đời của dòng họ Phạm, và đứng với nó đến tận bây giờ!

 

Khách đến quán của Phạm Duy Hào, mong muốn lớn nhất, ấy là được anh trực tiếp nắn nót, sửa sang cho cái "góc con người" của mình.

 

Vị trí "Kim Liên đệ nhất kéo" của Phạm Duy Hào cho đến bây giờ vẫn chưa có ai có đủ bản lĩnh để có thể... soán vị, bởi một lẽ, trong những hội làng của làng Kim Liên, phường tổ chứ cuộc so tài giữa những tay "anh hùng kéo". Lần nào Phạm Duy Hào cũng được phong tặng danh hiệu "tay kéo vàng" của làng.

 

Cái sáng kiến tổ chức cuộc thi cắt tóc trong các kỳ lễ hội của ông chủ tịch phường Kim Liên, cũng là để nhắc dân làng Kim Liên không quên mất, rằng tự cổ chí kim, biết bao đời người làng Kim Liên sống bằng nghề dao kéo, rằng cắt tóc cũng là một nghề truyền thống của làng.

 

Theo Di Linh

VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm