1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

BĐS chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp

(Dân trí) - "Nếu làm một phép tính, cả tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng thì giá nhà tối đa chỉ là 12 triệu đồng/m2, trong đó nhà đầu tư bất động sản (BĐS) đã lãi được 50%" - Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết.

Khống chế cho vay vào các lĩnh vực "nhạy cảm"

Chống lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Và một trong các giải pháp mà Chính phủ đưa ra là siết chặt kiểm soát tiền tệ. Hay nói cách khác là kiểm soát dòng tiền, để đảm bảo được cán cân thanh toán cũng như đảm bảo được tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn tiền tệ.

Siết chặt tiền tệ cũng có nghĩa là khống chế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và các mức cho vay vào các lĩnh vực đặc biệt "nhạy cảm" như chứng khoán, BĐS… Chúng ta đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng từ 8,5% xuống còn 7%.

Bởi vậy, thị trường BĐS không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Một mặt, nó có tác dụng tốt là kiềm chế bớt lại được sự tăng trưởng quá nóng của BĐS, loại trừ được những nhà đầu cơ bằng tiền vay của ngân hàng. Như vậy thị trường sẽ an toàn hơn.

Tuy nhiên mặt trái của nó là nhiều dự án bị chậm lại do khó khăn về nguồn vốn, từ đó làm giảm nguồn cung đưa ra thị trường trong bối cảnh cung đang thấp hơn cầu.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS buộc phải tự có những giải pháp của mình. Họ không thể chỉ trông chờ từ nguồn vốn của ngân hàng, mà phải có sự tự điều chỉnh, tập trung vào các dự án hiệu quả có thể quay vòng vốn được nhanh hơn, tự liên doanh, liên kết với nhau, kêu gọi đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn khác.

Về phía Chính phủ, cũng cần nghiên cứu để ban hành khung pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn. Ví dụ như huy động vốn từ khách hàng hay quỹ tiết kiệm nhà ở, phát hành trái phiếu quỹ đầu tư BĐS...

Giá nhà vẫn đang rất mênh mông

Trong thời điểm hiện nay, khi giá nhà có xu hướng giảm thì những người có nhu cầu mua nhà lại càng quan tâm hơn đến thị trường nhà ở. Vấn đề mà họ quan tâm chính là giá nhà liệu có thể xuống nữa hay không?

Thực tế cho thấy thị trường BĐS TPHCM trong thời gian qua xuống giá nhanh hơn, bởi vừa qua ở đây nhà đất lên giá nhanh. Hà Nội xuống chậm hơn, vì Hà Nội lên chậm, không sốt nóng bằng TPHCM.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói: Tôi rất tâm đắc với câu nói của Bộ Trưởng Bộ Nhà ở và Đô thị Trung Quốc: “Nhiệm vụ quản lý BĐS của nhà nước cố gắng tránh để nó phát triển tăng giá quá nhanh và tụt giá quá nhanh, không lên nhanh thì không tụt được giá nhanh".

Hiện giá BĐS đang xuống và sẽ vẫn còn xuống nữa. Đó không phải là do cung cầu, vì cầu hiện vẫn còn cao hơn cung rất nhiều, mà là do trong thời gian qua đã lên quá nhanh và không phải ánh đúng nhu cầu và giá trị thực của thị trường.

Hiện nay do chính sách kiềm chế lạm phát, chúng ta đã loại bớt được một số tay chơi nghiệp dư ra khỏi thị trường này. Đây là sân chơi chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Những tay chơi nghiệp dư và mỏng vốn thì chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi này.

Còn giá xuống đến bao nhiêu nữa, thì vẫn có thể dự báo được. Nếu làm một phép tính, cả tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng thì giá nhà tối đa chỉ là 12 triệu đồng/m2, trong đó nhà đầu tư đã lãi được 50%.

BĐS phụ thuộc rất lớn vào địa điểm, khu vực, thiết kế, chất lượng... nhưng quan trọng nhất vẫn là địa điểm. Đấu giá đất ở Hàng Bông đã có giá 500 triệu đồng/m2. Chung cư The Manor ở Hà Nội hiện giá vẫn ở mức trên 30 triệu đồng/m2. "Nếu giá BĐS chưa xuống đến dưới 20 triệu đồng/m2, thì tôi cho rằng đó chưa phải là giá trị thực." - Thứ trưởng cho biết.

Kinh tế của chúng ta sẽ còn tăng trưởng. thị trường BĐS sẽ được khôi phục trở lại cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, thì nền kinh tế Việt Nam thì đến giữa năm 2009 sẽ trở lại được mức bình thường.

Lan Hương (ghi)