1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Bẫy” kích thích kinh tế

(Dân trí) - Có nguy cơ chính phủ Mỹ vướng phải một cái bẫy kinh tế chính trị, sự yếu kém của nền kinh tế lại làm xói mòn khả năng phản ứng hiệu quả của chính quyền.

“Bẫy” kích thích kinh tế - 1
Người dân Mỹ đặt câu hỏi về hiệu quả gói kích thích kinh tế của chính quyền Obama.
 
Ngay khi chính quyền Obama công bố kế hoạch kích thích kinh tế trước ngày nhậm chức, một số người lo ngại rằng kế hoạch này là chưa đủ. Họ cũng lo các chính trị gia khó mà thông qua thêm một gói kích thích nữa.

Không may, lo ngại này đã trở thành hiện thực. Báo cáo việc làm tháng 6 tồi tệ cho thấy rõ rằng gói kích thích quá nhỏ. Nhưng nó cũng làm tổn hại đến uy tín của chính quyền trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Giờ thực sự có nguy cơ Tổng thống Obama sẽ mắc phải một cái bẫy kinh tế-chính trị.

Hãy bàn đến cái bẫy và cách thoát khỏi nó sau. Tuy vậy, trước hết hãy hỏi xem dân chúng nên phản ứng thế nào trước những thông tin kinh tế đáng thất vọng.

Liệu có nên kiên nhẫn và cho kế hoạch của Tổng thống thêm thời gian? Nên kêu gọi những hành động to lớn hơn, táo bạo hơn? Nên tuyên bố kế hoạch đã thất bại và đòi chính quyền đình hoãn tất cả lại?

Khi có một cuộc suy thoái nhẹ, việc chống suy thoái được giao cho FED. FED phản ứng bằng cách cắt giảm lãi suất mỗi lần một chút và tiếp tục cắt giảm cho đến khi kinh tế đảo chiều. Khi họ ngừng lại để đánh giá tác động của lãi suất, nếu nền kinh tế vẫn yếu, họ lại cắt giảm tiếp.

Trong cuộc suy thoái trước, FED liên tục cắt giảm lãi suất khi suy thoái trầm trọng thêm, 11 lần trong năm 2001. Sau đó, khi có những dấu hiệu phục hồi đầu tiên, họ dừng lại và để cho việc cắt giảm lãi suất phát huy tác dụng.

Bình thường, người ta kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách phản ứng lại số liệu việc làm tồi tệ bằng lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm. Họ nên cho những chính sách hiện có thêm thời gian nhưng họ cũng nên cân nhắc đẩy mạnh thêm những chính sách này.

Và đó đúng là những gì hiện giờ chính quyền Obama nên làm với gói kích thích kinh tế (cần nhớ rằng gói kích thích là cần thiết vì FED đã cắt giảm lãi suất tới gần mức 0, họ gần như không còn công cụ gì để đối phó với suy thoái nữa).

Do đó, các nhà hoạch định chính sách nên bình tĩnh trước những kết quả tiêu cực trước mắt và thừa nhận rằng cần phải cho kế hoạch này thêm thời gian. Nhưng họ cũng nên chuẩn bị thêm một gói kích thích nữa vì rõ ràng, gói thứ nhất chưa đủ.

Không may, về mặt chính trị, chính sách tài khóa không đơn giản như chính sách tiền tệ. 30 năm qua, chúng ta đã được dạy rằng chi tiêu của chính phủ không tốt và sự chống đối của những người bảo thủ với gói kích thích kinh tế (điều có thể khiến nhiều người có suy nghĩ tích cực về chính phủ) không hề suy chuyển ngay cả khi đang đối mặt với thời kỳ tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

Có thể đoán được phe Cộng hòa và cả một số người Dân chủ nữa, coi bất kỳ tin xấu nào cũng như bằng chứng của sự thất bại, thay vì là lý do để đưa ra các chính sách mạnh mẽ hơn.

Thật đáng lo ngại nếu điều đó xảy ra, nhưng nó chắc chắn sẽ đến. Câu hỏi hiện nay là Tổng thống và đội ngũ kinh tế của ông giờ nên làm gì?

Chính quyền hoàn toàn có thể bảo vệ những thành quả đã đạt được. Phó Tổng thống Joseph Biden có thể đi vòng quanh đất nước, diễn thuyết về những điểm tích cực có được nhờ gói kích thích kinh tế.

Các nhà kinh tế của chính quyền có lý khi kêu gọi kiên nhẫn và chỉ ra một cách chính xác rằng chưa bao giờ gói kích thích được kỳ vọng sẽ phát huy toàn bộ tác dụng của nó trong mùa hè này, hay thậm chí là năm nay.

Nhưng bảo vệ những gì đã đạt được và giữ thế phòng thủ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Thật đáng lo ngại khi Tổng thống Obama chữa lại lời thú nhận của Phó Tổng thống Biden rằng chính quyền đã “hiểu sai” nền kinh tế và tuyên bố rằng “chúng ta không thể làm gì khác”.

Câu bình luận này có cái gì đó giống với tính “không thể sai” của chính quyền Bush. Không dám thừa nhận sai lầm là một thái độ mà cả ngài Obama lẫn nước Mỹ đều không thể gánh đỡ nổi.

Minh Tuấn (theo FT)