Bầu Ðức: “Nuôi” chuyên cơ mất 300 triệu/tháng, bóng đá 70 tỷ/năm
Được mệnh danh là “ông bầu Phố Núi”, nhưng tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức trong kinh doanh rất lớn, không chỉ ở Việt Nam.
Nhiều Doanh nghiệp hiện vẫn còn niêm yết mức giá trên trời vì cho rằng thị trường sẽ nóng trở lại. Tôi biết, đừng trông mong điều đó nữa. Tôi dám khẳng định, doanh nghiệp nào còn ở lại mặt đất còn làm được bất động sản, ở trên mây hoài sẽ lãnh hậu quả. |
Kể vậy cũng đã là quen, nhưng vẫn rất khó để hẹn với bầu Đức, bởi lịch đi đứng của ông không thể nào "kiểm soát", đặc biệt kể từ ngày ông tậu chiếc Beechcraft King Air 350 trị giá 7 triệu USD hồi năm 2008.
Bầu Đức với Beechcraft King Air 350 và trái banh tròn
Không chỉ nổi bật giữa đám đông với phong cách thời trang: quần jeans, áo sơ mi, đi giày thể thao, bầu Đức còn nổi tiếng với những phát ngôn "gây sốc". Song, điều đáng nói hơn hết là ông nói và làm thật! Hồi bầu Đức tuyên bố mua phi cơ riêng, thành lập Học viện bóng đá nhiều người còn bảo ông "sao làm nổi". Nhưng, thực tế ông đã có được cả hai.
Anh Đức, từ khi có máy bay riêng, lại càng khó gặp anh…
Tôi đi suốt, mới đi Myanmar về, chắc là thời gian tới sẽ đầu tư sang đây.
Tò mò chút: mỗi tháng anh dành bao nhiêu tiền "nuôi" chiếc Beechcraft King Air 350?
300 triệu đồng. Giao cho Vasco lo trọn gói.
Tính ra, chi phí có cao hơn so với trước đây anh đi máy bay thương mại?
Tương đương thôi, nhưng lợi được nhiều mặt. Chuyện tôi "đáp" máy bay riêng xuống sân bay của Myanmar, Campuchia hay Lào với tư cách nhà đầu tư phải khác người đi máy bay thương mại chứ!
Một thứ khác - trái banh tròn - có khi còn tiêu tốn tiền của anh nhiều hơn nhỉ. Một năm anh bỏ ra bao nhiêu để "nuôi" bóng đá?
70 tỷ đồng.
Và thu lại ra sao?
Cái lợi thu về từ bóng đá không đáng kể, thay vì bỏ tiền ra làm PR, doanh nghiệp đi làm bóng đá để quảng bá thương hiệu. Việc đào tạo và chuyển nhượng cầu thủ từ Học viện thì phải 3-5 năm nữa mới có nguồn thu. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho bóng đá đều phải bù lỗ 50%/năm, tôi dám chắc chưa doanh nghiệp nào có lợi nhuận do bóng đá mang lại.
Sau những "sự cố" liên quan đến trọng tài và ban tổ chức giải bóng đá V-League 2010 khiến anh, bầu Kiên, bầu Thắng… phải lên tiếng (điển hình là cuộc họp "Hội nghị thượng đỉnh" ngày 15/9 tại TP.HCM và căng thẳng nhất là vào ngày 29/9 tại Hà Nội), anh còn mặn mà với bóng đá không?
Còn chứ. Còn "mặn" thì mới lên tiếng để tìm cách cải tổ, làm cho chất lượng giải tốt hơn. Chúng tôi cũng đã thống nhất thành lập một Công ty cổ phần điều hành V-League (thay vì lập Ban tổ chức, Trưởng ban tổ chức…) và chọn giám đốc để quản lý công ty đó. HAGL là đơn vị đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá, với Học viện bóng đá Arsenal, nếu không mặn mà thì không ai bỏ tiền vào đây. Nhưng đúng là riêng với việc "làm bóng đá" tại HAGL, do việc kinh doanh hiện nay khá bận rộn nên tôi không thể dành nhiều thời gian cho bóng đá như trước.
Vậy anh còn nuôi ý định mua 20% cổ phần của Câu lạc bộ Arsenal (1 trong 3 câu lạc bộ hàng đầu của Giải bóng đá ngoại hạng Anh - PV) không?
Nếu năm 2007, Bộ Tài chính cho phép chúng tôi đã mua, nhưng bây giờ phải tập trung vốn cho những đầu tư khác mà HAGL đã xác định là chiến lược.
Bầu Đức và những dự án lớn
Ở giai đoạn này, chiến lược đầu tư của HAGL là gì? Có vẻ như đó là đầu tư ra nước ngoài?
Dĩ nhiên, đây là điều mà chúng tôi đã nghĩ cách đây 4-5 năm. Hiện tại, danh mục đầu tư của HAGL sang Campuchia và Lào đang rất ổn định. Một doanh nghiệp lớn như HAGL nếu không vươn ra nước ngoài mà chỉ quanh quẩn với đầu tư trong nước thì khó đảm bảo được mức tăng trưởng bình quân 70%/năm. Hơn nữa, ở một số ngành, thị trường nội địa đã tỏ ra bão hòa, chẳng hạn như bất động sản tại TP.HCM hiện có quá nhiều sự cạnh tranh.
Trước đây, qua nói chuyện với anh Lê Hùng (Giám đốc Công ty Phát triển nhà HAGL), tôi được biết, dù HAGL đầu tư sang Thái Lan sớm nhất, nhưng có vẻ kết quả thu được cũng chưa được ấn tượng cho lắm?
Chuyện đầu tư bất động sản ở Thái Lan xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tôi muốn thực hiện lời hứa với Kiatisak, Thonglao, Dusit (những tên tuổi của bóng đá Thái Lan đã từng gắn bó dưới màu áo Câu lạc bộ HAGL) là tạo điều kiện cho các cầu thủ này khi họ giải nghệ. Lợi nhuận từ đầu tư ở Thái Lan không nhiều, thị trường bất động sản ở Thái đã khá ổn định: từ quy hoạch, chính sách cho đến giá cả nên không có nhiều bước phát triển đột biến như ở Việt Nam. Do đó, giá trị đầu tư của HAGL vào Thái vẫn còn ở mức thăm dò (10 triệu USD).
HAGL vừa ký với Chính phủ Lào 4 dự án lớn. Anh có thể cho biết những dự án của HAGL đầu tư ở nước ngoài hiện như thế nào?
Chúng tôi đầu tư vào Lào từ năm 2008. Nay đa phần các dự án ở Lào đều đã được khởi công hoặc đang trong quá trình xúc tiến thủ tục chuẩn bị đất đai để triển khai. Nguồn vốn thì chúng tôi đã chuẩn bị từ trước. Cụ thể là việc phát hành trái phiếu quốc tế với giá trị 90 triệu USD cho Ngân hàng Credit Suisse, 110 triệu USD cho Temasek và Deutsche Bank Trust Company Americas 60 triệu USD… Nguồn này chủ yếu phục vụ cho các dự án đầu tư ở nước ngoài của tập đoàn. Hiện nay, các dự án trồng cao su của chúng tôi đã được 4 năm, đến năm 2013 là có nguồn thu. Tính ra, giá trị đầu tư của HAGL ở Lào đến nay là trên 1 tỷ USD và Campuchia là 200 triệu USD.
Lĩnh vực ưu tiên đầu tư hàng đầu của HAGL hiện nay là gì?
Cao su và thủy điện.
Còn bất động sản thì sao, thưa anh?
Thị trường bất động sản đang bị tắc đầu ra. Đầu tư mạnh vào đây để tìm kiếm lợi nhuận là điều không tưởng.
Minh bạch, sòng phẳng thì chẳng sợ gì điều tiếng!
Việc tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) vừa hạ định mức tín nhiệm của HAGL năm 2011 xuống hạng B có làm anh lo lắng?
Nguyên nhân bị hạ mức tín nhiệm tôi đã giải thích rất nhiều. Tính đến nay, HAGL là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam duy nhất được đánh giá chỉ số tín nhiệm. Tôi muốn minh bạch nên tất cả thông tin của doanh nghiệp đều công bố. Người khác không làm, không tham gia thì không có đánh giá (năm 2010, HAGL thuê tổ chức S&P đánh giá chỉ số tín nhiệm hàng năm cho doanh nghiệp mình). Trong bối cảnh này, ngay cả năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn bị tụt hạng huống hồ là doanh nghiệp. Nhìn vào một công ty phải nhìn tổng thể, như ngắm một bức tranh, có mảng sáng, có mảng tối, cũng như có tốt - có xấu vậy. Trong bối cảnh này, ai mà nói toàn tốt là nói dóc! Duy trì hoạt động kinh doanh được đã là quá tốt!
Nhìn lại quá trình kinh doanh những năm gần đây, anh thấy HAGL gặp khó khăn nhất khi nào?
Năm 2008 là thời điểm chúng tôi gặp khó khăn nhất do thị trường chung đi xuống, đặc biệt là bất động sản-ngành tạo ra lợi nhuận chủ yếu cho HAGL trong giai đoạn đó-trong khi chúng tôi lại phải tập trung vốn để đầu tư vào các lĩnh vực dài hạn. Tôi cho rằng, lúc ấy HAGL đã làm một cuộc "đại cách mạng" về giá nhà đất để vực dậy thị trường là hạ mức giá căn hộ Hoàng Anh Riverview (quận 2, TP.HCM) từ 2.500 USD/m2 xuống còn 1.100 USD/m2. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đạt được lợi nhuận 50%. Vì sao? Mức giá trước đó là không có thật. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn niêm yết mức giá trên trời vì cho rằng thị trường sẽ nóng trở lại. Tôi biết, đừng trông mong điều đó nữa. Tôi dám khẳng định, doanh nghiệp nào còn ở lại mặt đất còn làm được bất động sản, ở trên mây hoài sẽ lãnh hậu quả.
Liệu trong thời gian tới, HAGL có tạo ra thêm một "cơn sốc" về giá căn hộ nữa không, thưa anh?
Chưa biết được. Điều này còn tùy thuộc vào thị trường.
Nhìn vào báo cáo tài chính giữa niên độ, thấy nợ dài hạn của HAGL cũng khá nhiều?
Trong bối cảnh này, ai mà nói toàn tốt là nói dóc! Duy trì hoạt động kinh doanh được đã là quá tốt! |
Khi nào chúng tôi có 10 đồng mà đi vay 20 đồng mới đáng lo. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản của HAGL là không lớn (tổng tài sản của HAGL hiện nay được ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,25 tỷ USD - PV).
Các doanh nghiệp hiện nay đều được khuyến khích sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhiều người cũng "bàn ra, tán vào" khá nhiều về các dự án trồng - khai thác rừng của HAGL cũng như nguồn gốc gỗ, anh có ngại không?
Nên nhớ là tỷ suất lợi nhuận của lĩnh vực sản xuất đồ gỗ của HAGL hiện chỉ chiếm 5%. Và 100% gỗ nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất này đều nhập từ Malaysia. Chúng tôi bán hàng có chứng chỉ xuất xứ về gỗ rất rõ ràng, làm sao có thể gọi là phá môi trường! Thật ra, đầu tư bây giờ cũng không đơn giản, làm dự án ở đâu thì điều đầu tiên là phải làm bản đánh giá tác động môi trường.
Anh làm kinh doanh rất nhiều và đi liên tục. Vậy khi nào anh dành thời gian cho gia đình?
Tôi nhắc lại điều đã nói nhiều lần là tôi không có thời gian dành cho gia đình.
Xin cảm ơn anh!
Theo Đỗ Hải
Doanh Nhân