"Bầu" Kiên bị bắt: Câu chuyện điển hình về sở hữu chéo và lợi ích cục bộ

(Dân trí) - Lãnh đạo NHNN cho biết đang thanh tra, đánh giá hơn 30 trong số 39 ngân hàng thương mại về thực trạng tài chính và sở hữu. Câu chuyện của "bầu" Kiên cũng được nhắc tới như một ví dụ điển hình.

Ngày 20/11, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGS) phối hợp cùng một số bộ, ngành liên quan tổ chức họp báo trước thềm Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khuôn khổ ổn định tài chính và vai trò của giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về chủ đề này.
 
Thanh tra, đánh giá hơn 30 ngân hàng về tài chính và sở hữu chéo
Câu chuyện của "bầu" Kiên, dù không liên quan trực tiếp tới ACB, là ví dụ của tình trạng sở hữu chéo và lợi ích cục bộ


Tại Hội nghị này, các chuyên gia sẽ bàn về hoạt động tăng cường nề tảng tài chính, ổn định hệ thống cũng như việc giám sát hiệu quả các rủi ro cũng chéo và bất ổn mang tính hệ thống, hệ thống thông tin cảnh báo sớm và các chính sách an toàn vĩ mô để ngăn ngừa kịp thời.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình, sở hữu chéo là vấn đề mang tính lịch sử, và không có quy định nào cấm các ngân hàng nắm giữ cổ phiếu của các ngân hàng khác cũng như không cấm việc các cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác nhau.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, trong quá trình phát triển, xuất hiện tình trạng việc vay mượn, đầu tư chồng chéo lẫn nhau giữa các cổ đông của ngân hàng, các công ty con của ngân hàng vào những ngân hàng khác và tạo ra chuỗi sở hữu phức tạp. Điều này, theo NHNN là không tạo nên tính lành mạnh và minh bạch và có nguy cơ khiến các ngân hàng gặp phải rủi ro.

Phó Thống đốc cho biết, hiện tại NHNN đang thực hiện hai bước để xử lý vấn đề. Trước hết là phải làm rõ được vấn đề sở hữu ngân hàng.

Theo thông tin từ Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, hiện tại có hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần đang được thanh tra, đánh giá về thực trạng tài chính và sở hữu. Trong khi đó, toàn hệ thống ngân hàng hiện nay, ngoài 2 ngân hàng chính sách, 14 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, 6 liên doanh thì còn có 39 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước.

Bước tiếp theo đó là ban hành những quy định mới để xử lý dứt điểm các bất cập trong sở hữu thuộc hệ thống ngân hàng. Sang năm tới - 2013, các quy định pháp luật liên quan tới vấn đề sở hữu chéo sẽ được ban hành và có hiệu lực.

Liên quan đến hiện tượng "bầu Kiên" và các vấn đề tại ACB trong thời gian vừa qua, lãnh đạo NHNN cho rằng, "câu chuyện của ông Kiên và ACB liên quan đến vấn đề sở hữu chéo và lợi ích cục bộ". Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh rằng, ông Nguyễn Đức Kiên không liên quan trực tiếp tới ACB.

Hiện NHNN đang triển khai đánh giá tình hình cổ đông - cổ phần của ACB và thực trạng tài chính ngân hàng này. Trên cơ sở đó, sẽ làm rõ một số nội dung liên quan đến một số công ty có liên quan đến các cổ đông lớn của ngân hàng. Sau khi có kết luận thanh tra, NHNN sẽ tiến hành xử lý theo đúng pháp luật nếu có vi phạm.

Trước đó, tại Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế phát hành, tác giả Đinh Tuấn Minh nhận định, vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng và ngân hàng trở thành sân sau của các tập đoàn kinh tế, kể cả Nhà nước lẫn tư nhân đã ở mức báo động.

Theo TS Đinh Tuấn Minh, không phải tất cả các dạng sở hữu chéo đều tiêu cực, tuy nhiên trong trường hợp các NHTM có cổ đông lớn là các doanh nghiệp thì rất có thể các NHTM trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình.

Tương tự, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia. Những trường hợp này có nguy cơ dẫn đến việc các NHTM sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Nếu điều này xảy ra, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao.

Bích Diệp