Bất thường: Trung Quốc dồn dập mua gạo Việt Nam
Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều đang gặp vấn đề ở mậu biên lẫn chính ngạch, ngoại trừ gạo.
Gom gạo quyết liệt
Những ngày này, tại các tỉnh ĐBSCL, nhất là khu vực cảng Cần Thơ, thường xuyên có hơn 30 tàu vào bốc gạo vận chuyển ra biên giới bán sang Trung Quốc. Giá gạo nội địa ngay lập tức tăng liền 200 đồng, lên trung bình 8.300 đồng/kg đối với loại 5% tấm. Cố vấn VFA đánh giá đây là hiện tượng rất khó hiểu.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Còn cộng đồng doanh nghiệp thì đồn đoán “thương nhân Trung Quốc tranh thủ mua gạo dự trữ vì sợ tình hình căng thẳng trên biển Đông có thể ảnh hưởng đến việc mua bán gạo thời gian tới”.
Nguyên nhân vì sao chưa rõ, chỉ biết con số thống kê từ VFA cho thấy 5 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch lên đến 600.000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.
“Vài ngày gần đây giá lúa gạo nội địa vọt lên rất nhanh và có khả năng tăng nữa do các tàu đang vào lấy gạo cấp tập”, ông Phong thông tin thêm.
Nếu nhìn vào xuất khẩu gạo Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay sụt giảm cả về lượng lẫn giá trị tính trên mỗi chỉ số gần 20%, thì việc thị trường Trung Quốc gia tăng nhập gạo là tín hiệu đáng mừng. Nếu gạo vẫn được chuyển qua biên giới đều đặn, vụ hè thu tới đây nông dân sẽ không phải lo đầu ra như các năm trước. Tuy nhiên, chưa ai dự báo được những rủi ro rất lớn nếu thị trường này đột ngột dừng mua gạo Việt Nam.
Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cách nay 1 năm. Năm 2013, Việt Nam bán xấp xỉ 2,2 triệu tấn gạo chính ngạch, chiếm tới 33% trong tổng số 6,6 triệu tấn sang nước láng giềng có dân số 1,4 tỉ miệng ăn này.
Nếu cộng thêm khoảng 1,4 triệu tấn đi qua đường biên giới thì Trung Quốc trở thành thị trường nhập gạo số 1 của Việt Nam, với gần 50% sản lượng.
Còn 4 tháng đầu 2014, hợp đồng ký với Trung Quốc tăng 10%, trong đó đã giao 50% sản lượng với khoảng 1,2 triệu tấn (750.000 tấn chính ngạch, 450.000 tấn tiểu ngạch), chiếm 60% lượng gạo xuất khẩu.
VFA dự báo nếu không bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng trên biển Đông, xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc năm nay dự kiến còn vượt xa con số 1,4 triệu tấn năm ngoái, tức khoảng 1,7-1,8 triệu tấn. Còn xuất khẩu chính ngạch cũng tăng cao hơn con số 2,2 triệu tấn năm 2013 do nhu cầu năm nay của Trung Quốc lớn hơn.
Mất gần hết thị trường tập trung
Sự sụt giảm xuất khẩu gạo đã không nằm ngoài dự đoán mà các chuyên gia đưa ra từ đầu năm, bởi lý do nhiều thị trường xuất khẩu tập trung và châu Phi của chúng ta rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Thị trường tập trung những năm gần đây, nhất là năm 2013 biến động dữ dội, xuất phát từ sau khủng hoảng 2008, các nước phụ thuộc đầu tư tăng sản xuất tại chỗ, giảm nhập khẩu, có nước giảm hẳn nhập như Indonesia. Năm 2012-2013, từ chỗ luôn nhập ổn định mỗi năm trên dưới 1,2-1,4 triệu tấn gạo của Việt Nam, Indonesia đã chính thức công bố không mua nữa.
Bên cạnh đó, Philippines mỗi năm nhập 2 triệu tấn gạo, nhưng năm nay cũng chỉ công bố mua tối đa 500.000 đến 1,2 triệu tấn, trong đó nhiều hợp đồng đã dành cho Thái Lan.
Trường hợp của Malaysia lại đặc biệt hơn. Dù 2 nước chưa thiết lập quan hệ cấp Chính phủ về mua bán gạo, nhưng những năm trước, nước này vẫn dành riêng một khoản quota nhập gạo với sản lượng 400.000-650.000 tấn dành cho Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2014 do nội bộ chính trị thay đổi, nên Malaysia thay đổi phương thức mua bán gạo, chuyển từ hợp đồng tập trung sang mua thương mại và Thái Lan trúng thầu gần hết lượng gạo mà nước này cần nhập khẩu.
Như vậy, hầu hết các thị trường tập trung ở châu Á, kể cả thị trường châu Phi vốn là truyền thống của Việt Nam đã bị mất hoặc rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, do gạo Việt Nam mất dần lợi thế về giá lẫn chất lượng.
Thậm chí còn do doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực đàm phán. Nên nay, doanh nghiệp chỉ còn trông chờ vào thị trường Trung Quốc như là “bà đỡ” để bán gạo cũng là điều dễ hiểu.
Theo Minh Khoa