Bát nháo thị trường thuốc chữa bệnh

Theo thông tin trên trang web của Cục Quản lý dược, năm 2005 Viện kiểm nghiệm kiểm tra chất lượng của 29 nghìn mặt hàng thuốc, đã phát hiện thấy gần 867 loại không đạt chất lượng, trong số đó có 769 loại là thuốc nội, 98 loại là thuốc ngoại nhập.

Tân dược chất lượng kém...

 

Từ đầu năm đến ngày 21/4/2006 đã có khoảng 10 công văn đề nghị đình chỉ lưu hành thuốc kém phẩm chất. Trong số này có cả thuốc đông dược, tân dược không đạt chất lượng phải thu hồi. Thuốc bị thu hồi không cho lưu hành trên thị trường có xuất xứ từ nhiều nguồn.

 

Các dạng thu hồi gồm không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu gian lận về nhãn phụ đối với thuốc lưu hành tại Việt Nam... Chẳng hạn, thuốc Colcine 0,5mg bị Cục Quản lý dược Việt Nam có công văn thu hồi vào ngày 9/3 vì không rõ nguồn gốc.

 

Gần đây nhất là công văn ngày 21/4/2006 đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc loại thuốc có chứa hoạt chất Astemizol có tác dụng phụ gây loạn nhịp tim (đây cũng là thuốc mà nhiều nước trên thế giới đã rút số đăng ký không cho lưu hành).

 

Ông Nguyễn Đức Anh, thanh tra Sở Y tế TPHCM xác nhận: "Thuốc đông dược nhập lậu không có sổ đăng ý, không có kiểm nghiệm, thì không thể biết được thật-giả. Thuốc đông dược nhập vào Việt Nam cả ngàn mặt hàng không ai dám nói là quản lý nổi".  

 

Đông dược nhiễm khuẩn

 

Mấy tháng đầu năm 2006, Sở Y tế TPHCM đã có nhiều công văn đình chỉ lưu hành nhiều loại thuốc. Chỉ trong ngày 14/3/2006 Sở Y tế phát hai công văn đình chỉ lưu hành thuốc Nhức khớp hoàn và Truy phong thấu cốt hoàn, do không đạt tiêu chuẩn cơ sở về độ nhiễm khuẩn của thuốc.

 

Theo tin từ Cục Quản lý dược Việt Nam, số lượng thuốc đông dược, dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chủ yếu về độ nhiễm khuẩn) còn rất cao, trên 10%.

 

Thuốc giả

 

Anh Nguyễn Đăng Anh cư ngụ tại Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM nói về thuốc giả: "Tôi sang Trung Quốc điều trị và mua thuốc viêm gan.

 

Hộp thuốc tôi mua tại chính hãng giá 4 triệu đồng, vậy mà khi về Việt Nam với cùng mẫu mã giá chào hàng chỉ từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Làm gì có thuốc thật? Giả là cái chắc, theo tôi được biết thuốc này tại Hồng Kông đã có 50% là thuốc giả".

 

Đó là đông dược, còn tân dược thì bọn sản xuất thuốc giả lại "đánh" vào những thuốc đặc biệt. Giả sử uống thuốc không hiệu quả, người tiêu dùng chỉ âm thầm chịu đựng... vì nhiều nguyên nhân có thể tại cơ địa, sức khoẻ. Thuốc ngừa thai khẩn cấp Postinor giả nhìn không khác thuốc thật từ bao bì, vỉ thuốc, đến viên thuốc!

 

Nói về việc phát hiện thuốc giả, ông Tamasritter - đại diện công ty Gedeon Richter, công ty sản xuất thuốc ngừa thai này cho biết: "Chúng tôi gửi mẫu về công ty mẹ để xác minh.

 

Sau khi có kết quả là thuốc giả, chúng tôi theo dõi bằng đội ngũ nhân viên và nhà phân phối, khi biết thuốc giả chỉ xuất hiện phía Bắc, chúng tôi đã thông báo đến Bộ Công an". Ngày 17/1/2006, công an kinh tế thuộc Bộ Công an đã đến những điểm nghi ngờ khám xét.

 

Tại hiện trường, thuốc giả đang được cho vào vỉ, đã có 1.500 vỉ vừa làm xong, chuẩn bị tung ra thị trường. Số thành phẩm và phần bao bì còn lại có thể làm được 20.000 hộp nữa. Ngoài ra công an còn phát hiện một số loại thuốc khác được làm giả bằng cách thay tem, nhãn.

 

Ví dụ như thuốc Cefuroxime của Ấn Độ được thay tem nhãn, và sản xuất tại Đức! Nước cất do Công ty dược phẩm Vĩnh Phúc sản xuất "biến" thành Acetaphen của Thái Lan hoặc Neotil của Hàn Quốc.

 

Thuốc Levitra 20mg do Công ty Bayern HealthCare (Đức) sản xuất là thuốc được cấp số đăng ký đặc biệt. Thuốc này chỉ được sử dụng trong phạm vi cơ sở điều trị tuyến trung ương, các bệnh viện đa khoa tỉnh và phải được kê đơn, lưu đơn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

 

Tuy nhiên, theo phản ánh của Công ty Bayern HealthCare, việc mua bán thuốc Levitra 20mg đã xuất hiện tại nhiều nhà thuốc với số lô sản xuất in trên vỏ thuốc và hộp thuốc là khác nhau, và có hạn sử dụng đến tháng 5/2008.

 

Trong khi đó, Công ty Bayern HealthCare khẳng định, thuốc do công ty này sản xuất có số lô BXBK 791, và hạn sử dụng chỉ đến tháng 1/2007.

 

Nói về số lượng, Viagra-thuốc chữa rối loạn cương dương được làm giả với con số kỷ lục, chỉ tính riêng vùng châu Á-Thái Bình Dương năm 2005 đã có khoảng 3,5 triệu viên Viagra giả.

 

Công ty sản xuất thuốc Viagra đã thống kê số lượng thuốc bán ra như sau: "Mỗi 6 giây có một viên Viagra được tiêu thụ". Tiến sĩ Harry Waskiewicz, giám đốc an ninh pháp chế Pfizer vùng châu Á Thái Bình Dương nhận xét: "Thuốc giả chỉ cần giống thuốc thật, tem chống hàng giả, là có người mua.

 

Khi chúng tôi mua Viagra liều 100mg giả về để điều tra chất lượng thì kết quả hàm lượng hoạt chất từ 0mg, 10mg, 20mg và có cả gấp 3 lần liều thuốc thật, tức 300mg!?".

 

Thuốc giả còn xuất hiện cả trên mạng, năm 2005, tiến sĩ Harry Waskiewicz kiểm tra 23 trang web tiếng Nhật nhận thấy giá bán thuốc Viagra cao hơn thuốc thật. "Chúng tôi kiểm tra và biết có 18 công ty không phải của Nhật và nhiều trang web bán Viagra giả.

 

Điều đáng nói là hiện nay thuốc giả đã được sản xuất với quy mô rất lớn. Một nhà máy sản xuất thuốc Viagra giả có đến 10 dây chuyền sản xuất-lớn hơn nhà máy sản xuất Viagra thật, nhưng hiện nay nhà máy này đã bị đóng cửa!".

 

Nguy nhất là làm giả Tamiflu (loại thuốc duy nhất khống chế được virus cúm A H5N1), bên trong thuốc không có hoạt chất kháng virus mà là đường lactose và vitamin C.

 

Tỷ lệ thuốc giả phát hiện năm 2005, gấp gần 3 lần tỷ lệ chung trong năm năm gần đây. Cũng trong năm qua, tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 20 loại thuốc giả ở một số nơi như: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ,...

 

Theo Phương Nam

Báo Sài gòn tiếp thị