“Bắt mạch” tín dụng cuối năm
Theo chuyên gia tài chính Peter Phạm, với tính mùa vụ của ngành cùng các chương trình kích cầu từ phía các ngân hàng, dự kiến, tăng trưởng tín dụng sẽ bứt tốc vào cuối năm và mục tiêu 12% trong năm nay là thực hiện được.
Hệ thống ngân hàng vừa chứng kiến sức bứt phá ngoạn mục của tín dụng trong tháng 9 đưa tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế đến ngày 30/9 tăng 7,26% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, đến cuối tháng 8, tỉ lệ này mới chỉ đạt 6,21%. Đã có nhiều lo ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính Peter Phạm – Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Phoenix Capital - cho biết, kịch bản này từng diễn ra trong năm 2013 khi đến tháng 11 mức tăng trưởng vẫn chỉ ở mức 8%. Tuy nhiên, kết quả, tăng trưởng dư nợ cuối năm vẫn bất ngờ vượt kế hoạch ở mức 12,5%. Trong năm nay, tín dụng chỉ thật sự được cải thiện trong quý III. Theo đánh giá của ông Peter Phạm, con số 7,26% mặc dù vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra tuy nhiên đã cao hơn mức 7,1% cùng thời điểm này năm ngoái.
Phân tích những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp trong năm 2014, ông Peter Phạm cho rằng, tình trạng này xuất phát từ tình trạng cầu yếu của doanh nghiệp lẫn khu vực dân cư dẫn đến cả nhu cầu đầu tư và tiêu dùng đều đang trì trệ. Thêm vào đó, điều kiện vay vốn bị hạn chế từ chính sách tín dụng thắt chặt của các ngân hàng nhằm hạn chế thêm nợ xấu phát sinh. Ngoài ra, tính mùa vụ khi dư nợ ngân hàng thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm cũng là một trong những yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng đến nay còn khiêm tốn.
Vị chuyên gia tài chính cũng dự báo, do các vấn đề trên nên khả năng trong năm nay các ngân hàng sẽ cố gắng đẩy mạnh dư nợ vào cuối năm để cán mức 12% mà NHNN đã đề ra ban đầu. Đặc biệt là, các ngân hàng ngày càng chú trọng hơn tới đối tượng khách hàng cá nhân và tung ra những gói lãi suất “mềm” phục vụ cho những nhu cầu cần huy động nguồn lực lớn như mua bất động sản, sắm xe ô tô... nhằm hấp dẫn phân khúc này.
Các ngân hàng tung ra nhiều gói ưu đãi lãi suất cuối năm để kích cầu tiêu dùng
Chẳng hạn, mới đây Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa triển khai 3 gói cho vay ưu đãi với lãi suất ổn định: Với các khoản vay có thời hạn từ 5 năm trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 8,99%/năm trong suốt 24 tháng đầu của khoản vay. Các khoản vay có thời hạn từ 3 năm với giá trị khoản vay từ 500 triệu đồng trở lên được hưởng lãi suất ưu đãi 6,99%/năm trong 6 tháng đầu của khoản vay. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 13 tháng của VIB cộng biên độ 4%/năm. Riêng với các khoản vay có thời hạn từ 2 năm trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 9,99%/năm trong 12 tháng đầu của khoản vay. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất áp dụng theo lãi suất công bố của VIB tại từng thời điểm.
Điểm lưu ý trong những gói vay này đó là việc VIB ổn định lãi suất vay cho khách hàng ở mức cạnh tranh thông qua việc cố định lãi suất ưu đãi trong thời gian dài và cố định biên độ lãi suất sau thời gian ưu đãi ở mức chỉ 4%. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một ngân hàng cố định lãi suất cho vay ưu đãi trong thời gian dài lên đến 2 năm cho các khoản vay bất động sản, mua ô tô, tiêu dùng và cá nhân kinh doanh trong trung và dài hạn của khách hàng cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ. Trường hợp này có thể coi như một dẫn chứng sinh động về chiến lược nhằm kích cầu tín dụng cuối năm của các ngân hàng trong hệ thống.
Ngoài ra, các "ông lớn" khác cũng không bỏ qua chính sách quan trọng này để kích tín dụng tăng trưởng mạnh hơn. Có thể kể đến VietinBank với chương trình "tiếp vốn nhanh - vay ưu đãi", Vietcombank cũng đã triển khai chương trình lãi suất cho vay ưu đãi với lãi suất từ 7,99% từ giữa năm nay, hay chương trình "nghìn tỷ ưu đãi - lãi suất tự chọn" của LienVietPostBank. OceanBank không chịu kém cạnh cũng tung ra 2.000 tỷ đồng triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp...
Theo ông Peter Phạm, cộng với việc dư nợ của hệ thống luôn có tính thời vụ thì việc đạt mức 12% là trong khả năng cho phép. “Cá nhân tôi cho rằng nhiều khả năng kịch bản của năm 2013 sẽ được lập lại trong những tháng cuối năm”, ông Peter Phạm cho hay.
P.V