Bất động sản 2010: “Chóng mặt” và “toát mồ hôi”

Nhìn lại một năm qua không ít người khỏi giật mình khi giá đất tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội tăng “chóng mặt”, thậm chí những người có thâm niên đầu cơ BĐS cũng phải “toát mồ hôi”.

Bất động sản 2010: “Chóng mặt” và “toát mồ hôi” - 1
Mặc dù đã xây xong nhưng các căn biệt thự này vẫn chưa có người mua bởi giá của nó vượt quá khả năng của đa số người có nhu cầu

Khu vực nào giá đất tăng mạnh nhất?

Theo khảo sát, khu vực giá đất tăng mạnh nhất trong năm 2010 thuộc về khu vực phía Tây. Đơn cử việc Ba Vì trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư kể từ khi đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được công bố, nhiều người kỳ vọng việc đầu tư BĐS theo kiểu “đi trước đón đầu” sẽ thu lợi nhuận cao khi quy hoạch được triển khai khiến giá đất ở khu vực này “nóng” từng ngày.

Khi cơn sốt lên tới đỉnh điểm, hàng trăm người đổ xô đi lùng mua đất để lướt sóng thì giá đất khu vực này bị đẩy lên đến mức khó tin khi một số mảnh tưởng chẳng có giá trị gì lại lên đến tiền tỷ.

Khi “sốt tan sóng lặng” nhà đầu tư lại nghe nghóng được thông tin trụ sở bộ ngành sẽ đặt tại Mỹ Đình, cộng với việc Đại lộ Thăng Long - Con đường dài và hiện đại nhất Việt Nam và đường Lê Văn Lương kéo dài được thông xe khiến khu vực này được thổi thêm một “luồng sinh khí” mới.

Hai bên Đại lộ là hàng trăm dự án bất động sản lớn nhỏ khác nhau có thể kể sơ qua như: Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Khu đô thị Miêu Nha, khu đô thị mới Splendora (Hoài Đức - Hà Nội); dự án Khu nhà ở Đại Mỗ; tổ hợp khách sạn Dầu khi…

Hạ tầng tốt khiến giá đất khu vực này liên tiếp lập kỷ lục. Tại khu đô thị Tân Tây Đô, giá đất đầu năm đưa ra là 22 triệu đồng/m2, cuối năm giá đất tăng lên 60 triệu đồng/m2. Dự án Lê Trọng Tấn Geleximco đầu năm được bán với giá 50 triệu đồng/m2 thì cuối năm giá các ô liền kề mặt đường 42m Lê Trọng Tấn cũng đã tăng lên 100 triệu đồng/m2.

Tại khu đô thị mới An Hưng, đầu năm giá đất chỉ khoảng trên 40 triệu đồng/m2, nay đã có giá trên 60 triệu đồng/m2 (giáp mặt đường nội bộ khu dân sinh) và lên tới trên 100 triệu đồng/m2 (giáp đường lớn từ 30 m trở lên). Giá đất tại Khu dự án Văn Phú còn cao hơn: giáp đường dân sinh khoảng 70 triệu đồng/m2, còn giáp đường lớn trên 30 m lên tới trên 130 triệu đồng/m2.

Đường Lê Đức Thọ giá đất đã ở mức 350 triệu - 370 triệu đồng/m2, đất khu vực trong ngõ thuộc các làng Phú Đô, Phú Mỹ, Đình Thôn cũng có giá từ 70 triệu - 100 triệu đồng/m2.

Không chỉ dừng lại ở phía Tây, 4 quận nội thành Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng giá đất cũng “trên trời” với giá bình quân là từ 500 triệu - 700 triệu đồng/m2.

Xét về giá trị thì đầu tư ở phía Tây tốt hơn, tuy nhiên nếu về lợi nhuận thì khu vực Mê Linh, Đông Anh là có lợi nhuận hơn cả. Trong năm nay, giá đất khu vực này cũng có nhiều biến động.

Tại Mê Linh, giá dao động đầu năm là 6,5 - 17 triệu đồng/m2 vào cuối năm. Khu vực Đông Anh giá đất được nhích dần lên bởi cầu Nhật Tân đã chính thức khởi công xây dựng nên giá đất cũng dao động từ 10 - 30 triệu/m2 tùy từng khu vực.

Không vội mải mê chạy theo cơn lốc đầu tư vào khu vực phía Tây, các nhà đầu tư lại chuyển hướng sang khu vực phía Đông bởi hạ tầng giao thông khu vực này đang phát triển nhanh chóng.

Chính lý do trên khiến giá đất thổ cư lại thêm một đợt “sóng” mới. Giá đất làng Trạm - Long Biên (cách cầu Vĩnh Tuy 300m) giá 35- 38 triệu đồng/m2. Đất nền khu Tư Đình, đường 40m giáp sân bay Gia Lâm, có khu sinh thái sân golf giá khoảng 35 triệu đồng/m2.

Khu Thạch Bàn giá khoảng 30 triệu đồng/m2. Giá đất tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2010. Hay giá đất Ngọc Thụy (Gia Lâm) đã lên tới 35 - 40 triệu đồng/m2. Khu vực Đa Tốn đã tăng lên đến 15 - 16 triệu/m2.

Biến động mạnh - Vì sao?

Trong mấy năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh, thay vì đầu tư vào vàng và chứng khoán, nhiều các nhà đẩu tư đã chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Nguyễn Trung Vũ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thế Kỷ, thời điểm hiện tại vàng và chứng khoán luôn có những biến động phức tạp.

Theo kinh nghiệm của phần lớn nhà đầu tư bất động sản khi đầu tư vào vàng và chứng khoán họ đều không thành công. Trong khi đó, bất động sản đem lại không ít lợi nhuận, điều đó chứng tỏ bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn và ít rủi ro. Chính yếu tố đó đã thu hút ngày các nhiều các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Đoàn - Chuyên gia nhận định thị trường BĐS cho rằng, nguyên nhân lớn dẫn tới sự biến động giá đất năm nay có 2 vấn đề lớn là chính sách tiền tệ và chính sách quản lý vĩ mô.

Ngoài tác động của giá vàng, giá đô la Mỹ tăng, kéo theo lo ngại về sự mất giá của VND, thì nguyên nhân cơ bản vẫn là do đây là thời điểm cuối năm, các khoản lợi nhuận đã có thể hạch toán vì vậy nhu cầu mua BĐS như một hình thức cất giữ tiền an toàn của người dân gia tăng.

Về giá đất liên tục bị đẩy lên cao, ông Đoàn cho rằng, đây là điều đương nhiên bởi thực tế, mỗi căn hộ cần bán sẽ qua các kênh trung gian khác nhau và qua mỗi kênh, giá lại bị đẩy lên để môi giới hưởng chênh lệch. Càng để lâu và qua nhiều kênh, giá đất càng bị thổi cao.

Để kiềm chế nạn đầu cơ, đẩy giá đất lên cao, theo ông Đoàn, Nhà nước cần quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thông tin rộng rãi tới toàn thể nhân dân nói chung, cũng như nhân dân Thủ đô nói riêng, về quy hoạch các dự án khu đô thị, khu dân cư, lộ trình xây dựng, thực hiện các dự án này.

Tránh tình trạng mập mờ trong thông tin để giới đầu cơ lợi dụng. Nếu làm được như vậy sẽ góp phần rất tích cực và hiệu quả trong việc kiềm chế giá đất bùng phát.

Ở một khía cạnh khác, một trong những nguyên nhân chính khiến giá đất tăng mạnh là do “dư âm” của việc thông đường cùng với tiến độ xây dựng tại các dự án tăng giá khá nhanh khiến các nhà đầu tư “đổ xô” đầu tư vào những khu vực này.

Điển hình là việc thông xe Đại lộ Thăng Long và đường Lê Văn Lương kéo dài khiến đất phía Tây lên “như diều gặp gió”. Hay việc đưa hai cầu Thanh Trì và Vĩnh Tuy vào sử dụng và mới đây là việc thông xe cầu cạn Pháp Vân đã nối cầu Thanh Trì với tuyến đường vành đai 3 Hà Nội, tạo lộ trình khép kín Nội Bài - Cầu Thăng Long - Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Pháp Vân - Cầu Thanh Trì, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Mỹ Đình lên cầu Thanh Trì, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thông liên kết giữa các chùm đô thị phía Đông và phía Tây của Thủ đô.

Theo Lưu Vân
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp