Bật đèn xanh cho phá sản ngân hàng
(Dân trí) - “Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
“Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Bình luận về điều này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc chấp nhận các ngân hàng yếu kém phá sản đang là một thông điệp mạnh mẽ nhắn gửi đến các ông chủ ngân hàng. “Nếu ngân hàng hoạt động không lành mạnh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận phần thiệt thòi do mất vốn”, vị chuyên gia này nói.
Cũng theo chuyên gia ngân hàng, thông điệp cho phá sản ngân hàng yếu kém được người đứng đầu Chính phủ đưa ra còn nhằm mục đích chấn chỉnh hoạt động tái cơ cấu của các ngân hàng. Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần thời gian qua đã nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu bằng những hành động cụ thể như cơ cấu lại bộ phận tín dụng, nhận diện thương hiệu, đẩy mạnh dịch vụ trên internet, sản phẩm tín dụng, chiến lược phát triển ngân hàng…
Tuy nhiên, cũng có nhiều ngân hàng “dậm chân tại chỗ” trong quá trình tái cơ cấu chính mình. Và ở một số ngân hàng thương mại, công ty tài chính, nợ xấu còn lớn hơn cả vốn điều lệ . Thực tế cũng cho thấy, nhiều ngân hàng đang hoạt động với vốn điều lệ âm.
Do đó, dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, thông điệp cho phá sản ngân hàng yếu kém của Thủ tướng sẽ nhận được sự ủng hộ của thị trường. “Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã làm rất tốt việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém trong việc giữ ổn định hệ thống thông qua hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, tới một thời điểm không thể bao cấp mãi một cơ thể yếu kém đã bị mục ruỗng”, một chuyên gia nói.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, việc cho một ngân hàng phá sản trong điều kiện hành lang pháp lý đầy đủ cũng là việc làm hợp với cách hành xử của các nước trên thế giới.
“Thực tế, cho phá sản một ngân hàng không phải là việc làm xấu mà như một sự răn đe với những ngân hàng chưa thật sự nghiêm túc trong việc cơ cấu lại chính mình. Là người làm trong lĩnh vực ngân hàng, bản thân tôi cũng thấy, Việt Nam có quá nhiều ngân hàng nhỏ, hoạt động ì ạch, kém hiệu quả. Đã qua rồi thời, các đại gia có tiền là lập ngân hàng”, lãnh đạo một nhà băng thẳng thắn nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, các ông chủ nhà băng giờ đây đã nhận thức được giá trị thực của một ngân hàng không phải là những khoản lợi nhuận ảo, những món vay mạo hiểm, những hợp đồng không tưởng… mà là một ngân hàng hoạt động lành mạnh, với lợi ích cổ đông, lợi ích khách hàng và là kênh tạo vốn vững chắc cho nền kinh tế.
Đề cập tới việc cho phá sản ngân hàng yếu kém, ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách Dịch vụ tài chính - ngân hàng Tập đoàn Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ: “Việt Nam nên áp dụng Luật Phá sản cho những ngân hàng quá yếu kém. Ở nhiều nước trên thế giới, chúng tôi có khái niệm “ngân hàng Zombie” (xác sống) để chỉ những ngân hàng vẫn tồn tại, nhưng không hoạt động được. Với những ngân hàng này, cần cho phá sản”.
Còn nhớ, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, với 86,75% số phiếu tán thành, sáng 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi). Dự kiến sau khi được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Trong đó, luật dành riêng một chương quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng.
Theo đó, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; trong trường hợp tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.
Tòa án nhân dân sẽ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.
Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản theo quy định của Luật này.