Bắt chước Trung Quốc, Việt Nam không thể cạnh tranh
“Nằm cạnh Trung Quốc khổng lồ, nếu chọn công nghệ như của các DN nước này, ta sẽ không thể cạnh tranh được”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ.
Bắt chước khó tránh khỏi tụt hậu
“Phần Lan nằm cạnh Nga nhưng đã tìm được con đường phát triển riêng, không giống Nga, họ không sử dụng công nghệ của Nga và họ đã thành công. Khi tôi đến thăm Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, thấy sản phẩm của họ cạnh tranh hơn hẳn phích nước Trung Quốc. Bởi Rạng Đông đã sử dụng công nghệ khác với Trung Quốc…”
Đó là một trong nhiều câu chuyện được ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng mới đây.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ông nhấn mạnh rằng: “Ta nằm cạnh nước Trung Quốc khổng lồ thì ta phải phát triển khác với Trung Quốc. Nếu áp dụng công nghệ như của DN láng giếng thì ta không thể cạnh tranh được, bởi quy mô của họ lớn hơn”.
“Thế nhưng, rất tiếc là, nhiều DN của ta vẫn chạy theo công nghệ Trung Quốc”, ông Tuyển nói.
Cảnh báo của ông Tuyển cũng chính là nỗi đau đáu, trăn trở của những nhà làm chính sách về khoa học công nghệ hiện nay.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ chia sẻ, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình giai đoan năm 2010-2012 của các DN Việt Nam đạt khoảng 9,7%. Điều đó cũng có nghĩa, nhiều DN vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Ông Dũng nói rằng, tỷ lệ các DN tham gia sản xuất trực tiếp rất thấp, đa phần là gia công. Có thể đây chính là nguyên nhân khiến nhu cầu và động lực đổi mới công nghệ không nhiều. Hơn nữa, vì quy mô đa phần là DN nhỏ nên khả năng huy động kinh phí cho nghiên cứu công nghệ cũng khó khăn hơn rất nhiều DN lớn.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã từng có khảo sát chỉ ra rằng, nhiều DNNN do vốn quen nhận bao cấp trong phát triển sản xuất nên đã ít quan tâm đến việc nâng cao năng lực công nghệ lâu dài. Trong khi đó, chính sách Nhà nước chỉ có khuyến khích, chứ không có ép buộc hay chế tài cho việc này.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cũng cho hay: “Trong việc mở rộng thị trường, đổi mới sản phẩm thì yếu tố khoa học công nghệ rất quan trọng. Chi phí bình quân mà DN chi cho nghiên cứu khoa học trên lợi nhuận trước thuế đã có sự cải thiện mạnh mẽ từ 2010 nhưng so với tổng nguồn vốn thì vẫn thấp và nhỏ, không đủ tạo sự đột phá”.
“Nếu không đổi mới công nghệ thì chúng ta không vượt qua được nỗi lo lắng về bẫy thu nhập trung bình hiện nay, do đó, cũng sẽ không nâng cao được năng suất lao động và giá trị gia tăng”, bà Hằng nói.
Môi trường bình đẳng để sáng tạo
Công nghệ chỉ là một nền tảng giúp cho DN cải thiện về chất, tăng trưởng tốt hơn. Nhưng đó là chuyện vi mô.
Vấn đề lớn hơn chính là phải cải thiện được thể chế, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng. Nếu không, các DN hay nền kinh tế Việt Nam sẽ khó mà hấp thụ được các cơ hội to lớn mà các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ mang lại, như TPP hay FTA với EU.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ, tuy chúng ta luôn nói cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, trong các văn bản pháp luật, không hề có phân biệt đối xử giữa DNNN và DN tư nhân, nhưng thực tế thì khác, vẫn có sự phân biệt đối xử, nhất là trong việc tiếp cận nguồn lực.
Theo ông, trước đây, chính sự khẳng định vai trò chủ đạo của DNNN trước đây, chưa phải là kinh tế Nhà nước nói chung như sau này, đã vô hình chung chèn lấn sự phát triển của khu vực tư nhân. DNNN chỉ chiếm 0,09% về số lượng, 12,8% lao động những đã chiếm tới 25,9% về vốn và tạo ra 32% GDP cả nước.
“Bất cứ DN nào, sản xuất ra sản phẩm, có sức cạnh tranh thì đều góp phần ổn định vĩ mô. Nhưng nếu nói, DNNN cũng giống DN khác, chẳng vai trò gì thì cũng không được. Vì điều kiện hiện nay, DN tư nhân còn nhỏ, không có tiềm lực công nghệ, tài chính, Việt Nam vẫn phải dùng những DNNN lớn để thực hiện các chính sách kinh tế lớn như công nghiệp hóa đất nước, như các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…”, ông phân tích.
Nhà nước phải tạo lập được môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, mà trong đó, phải tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thị trường. Sự phát triển của DNNN trong các lĩnh vực không làm chèn lấn khu vực tư nhân, mà còn phải có tác động hỗ trợ phát triển khu vực này, bằng việc liên kết, hợp tác…
“Phải coi đó chính là một tiêu chí thể hiện vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, trong đó, DNNN là nòng cốt”, ông Tuyển bày tỏ.
Cùng đó, Việt Nam cần đặt chỉ tiêu đạt mức trung bình trong xếp hạng đánh giá môi trường kinh doanh mà Ngân hàng thế giới nghiên cứu, ít nhất là trong khu vực ASEAN 6. Không có lý do gì mà Thái lan, Philipines, Malaysia làm được mà ta lại không làm được, ông Tuyển nói.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đủ mức cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đây là điều mà tất cả các nước, kể cả các nước công nghiệp phát triển đều đang làm khi họ có khu vực dành riêng và có quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp tư nhân. Các DN nâng cao được sức cạnh tranh thì cũng đồng nghĩa, nền kinh tế sẽ đạt được thành công trong tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo Phạm Huyền