1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất cập nhiều khoản phí, lệ phí dọc biên giới Việt – Trung

(Dân trí) - Kết quả rà soát các khoản thu phí, lệ phí với phương tiện ra vào cửa khẩu dọc tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc mới đây của các cơ quan quản lý đang cho thấy có không ít khoản thu rất bất hợp lý.

Mức thu phí, lệ phí phương tiện qua các cửa khẩu Việt - Trung được quy định khác nhau
Mức thu phí, lệ phí phương tiện qua các cửa khẩu Việt - Trung được quy định khác nhau

Đề nghị thống nhất niêm yết công khai thu phí, lệ phí tại các cửa khẩu

Theo nguồn tin của Dân trí, kết quả khảo sát của một số cơ quan mới đây gửi tới Bộ Tài chính, và Chính phủ cho thấy các khoản thu phí, lệ phí phương tiện ra vào cửa khẩu, thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh chưa có sự thống nhất về mức thu giữa các tỉnh. Mỗi tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí khác nhau, lực lượng thu khác nhau, chưa tạo công bằng cho các doanh nghiệp (DN).

Để thống nhất niêm yết công khai về thu phí, lệ phí tại các cửa khẩu tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tạo thuận lợi cho các DN hoạt động, cơ quan khảo sát đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn UBND các tỉnh biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc thống nhất áp dụng một mức thu chung đối với phương tiện ra vào cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu.

Ngoài ra, cũng xin ý kiến để nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu phía Việt Nam trao đổi với Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu phía Trung Quốc thống nhất việc công khai thu phí, lệ phí tại các cửa khẩu hai bên.

Báo cáo về vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết, trong danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm có phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng (thu đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu), công trình dịch vụ và tiện ích công cộng khác trong khu kinh tế cửa khẩu.

Phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, thu đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng khác trong khu kinh tế cửa khẩu là khoản thu nhằm bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng đó.

Lý giải về mức thu khác nhau, Bộ Tài chính cho hay, do căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, mức độ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì... khác nhau. Ở các địa phương khác nhau, các chi phí này sẽ khác nhau, do đó, mức thu phí do các địa phương quy định cũng khác nhau.

Mặc dù vậy, qua phản ánh chung, để bảo đảm tính thống nhất về mức thu phí, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các địa phương các tỉnh biên giới đất liền với Trung Quốc nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương xây dựng mức thu phí theo hướng bảo đảm phù hợp, không có sự khác biệt lớn về mức phí.

Còn về việc thực hiện niêm yết công khai về thu phí, lệ phí theo Bộ Tài chính, đã có quy định tại Thông tư 63 ngày 24/7/2002, trong đó yêu cầu niêm yết tên phí, lệ phí, mức thu, chứng từ thu; thông báo công khai văn bản quy định thu phí, lệ phí tại vị trí thuận lợi.

Cửa khẩu Hoành Mô, Quảng Ninh
Cửa khẩu Hoành Mô, Quảng Ninh

7 năm thu phí qua lại biên giới trái quy định

Đáng chú ý, mặc dù năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165 quy định về việc ngừng thu lệ phí qua biên giới đất liền, tuy nhiên, đến tháng 4/2016, sau gần 7 năm Thông tư có hiệu lực, Ban quản lý cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh vẫn tổ chức thực hiện thu lệ phí qua lại biên giới.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, do các quy định hiện hành đã bãi bỏ việc thu phí này mà Cửa khẩu Hoành Mô tỉnh Quảng Ninh vẫn thực hiện thu lệ phí qua lại biên giới thì phải trả lại cho đối tượng nộp lệ phí. Trường hợp không xác định được đối tượng để trả lại thì phải nộp khoản tiền này vào ngân sách Nhà nước.

Một bất cập khác đươc nêu trong tổ chức thu phí, lệ phí tại các cửa khẩu là hiện nay, còn tồn tại nhiều bất cập nhất là lĩnh vực phí, lệ phí kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm soát an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất nhập khẩu thuộc Bộ NN&PTNT.

Theo đó, tại các cửa khẩu bên phía Trung Quốc chỉ có 1 cơ quan thu lệ phí, kiểm dịch trong khi cửa khẩu bên phía Việt Nam đang tồn tại 2 cơ quan kiểm dịch động vật và thực vật riêng. Hai cơ quan này vừa thực hiện chức năng theo tên gọi chuyên ngành, vừa làm thêm nhiệm vụ kiểm soát an toàn thực phẩm.

Thủ tướng cũng đã nhận được đề nghị chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu mô hình tổ chức về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch hàng động vật, hàng thực vật tại các cửa khẩu theo hướng giao cho 1 cơ quan thực hiện việc thu phí, lệ phí kiểm dịch tại cửa khẩu, thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các DN.

Phản hồi về ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định cơ quan thu phí, lệ phí trong công tác thú y là Cục Thú y, Chi cục Thú y; phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật do Cục bảo vệ thực vật và Chi cục bảo vệ thực vật thực hiện.

Bích Diệp