"Bật bãi" ở phố, lái buôn xe cũ lũ lượt chuyển về quê
(Dân trí) - Trong bối cảnh thị trường xe đang biến động mạnh về giá của xe mới và xe cũ, nhiều chủ xe cũ đang phải vật lộn với doanh số bán xe tụt giảm nghiêm trọng, để cắt mạch thua lỗ triền miên, nhiều người đã chọn hướng rời bỏ đô thị để về quê chinh phục thị trường mới.
Chuyển đại lý về phố Nguyễn Lương Bằng (Tp.Hải Dương) từ ngay đầu năm 2015, anh Vạn, chủ một doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô cũ cho biết, doanh số bán xe đã tốt hơn so với những năm còn duy trì cơ sở trên Hà Nội.
Anh Vạn cho biết, đối thủ cạnh tranh ở Hải Dương trong phân khúc xe cũ chỉ có 5 đại lý, trong khi đó thị trường lại rất nhiều.
Xe cỏ đổ bộ về quê tìm đất sống
"Ở tỉnh kinh doanh xe hơi không phải dễ nhưng cũng không quá khó bởi mức thu nhập của người dân nhiều địa phương hiện nay đang tăng mạnh. Những gia đình chọn mua xe để đi lại, chuyên chở kinh doanh hoặc mua sắm tài sản cho gia đình đang khá nhiều", anh Vạn nói.
Theo chủ đại lý xe cũ này, ở tỉnh mở một đại lý ra không có nghĩa là cứ thế bán được hàng, xe ô tô chưa hình thành thị trường nhộn nhịp, vì thế xe cũ càng khó bán. Vì vậy, khi mở ra ít nhất phải làm marketing từ 3 đến 5 tháng, mới có khách. Không có nhiều tiền nên khách hàng chỉ mua những dòng xe khấu hao thấp nhất, đa mục đích sử dụng và có chất lượng tương đối, kèm luôn bảo hành uy tín.
"Mới đầu về tỉnh, phải nghiên cứu thị trường trước, xác định bán xe chỉ lấy khách hàng chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận cao. Phương châm là một khách hàng cũ bằng 10 khách hàng mới, bởi người mua xe cũ sẽ rỉ tai nhau những nơi nào bán rẻ, dịch vụ tốt và chất lượng xe tương đối. Đa số xe bán được đều là dòng xe nhỏ giá rẻ và xe máy dầu chạy kinh doanh", anh Vạn cho hay.
Trên thực tế, thị trường xe cũ tại Hà Nội hiện khá chật vật, nhiều đại lý xe cũ giam xe tại showroom mấy tháng trời dù làm đủ mọi cách bán xe. Tiền thuê mặt bằng, phí thuế và các khoản lãi ngân hàng dường như ngày càng "siết" thêm gánh nặng vào những cơ sở này càng khó khăn hơn.
Theo chủ một đại lý ô tô tại Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, việc chuyển địa bàn kinh doanh về địa phương là tất yếu giá xe mới hiện nay đã ở mức thấp, chặn hết đường làm ăn của giá xe cũ.
Phân tích của vị này cho thấy, những người mua xe cũ vì mục đích kinh doanh vì không có đủ tiền hiện nay nếu mua xe mới họ được vay tín dụng, nếu so lãi ngân hàng khi mua xe mới với nguy cơ mua xe cũ hỏng hóc, sửa chữa, vay mua mới kinh doanh vẫn có lợi hơn. Bên cạnh đó, hiện trong phân khúc xe tầm trung, nhiều mẫu xe đa dạng và mức giá phải chăng đã khiến người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn thay vì chỉ một số loại xe mới đắt, xe cũ mức giá bình dân.
Giá cao, xe sang vẫn "cố thủ" tại Hà Nội
Mặc dù được cảnh báo từ năm 2016 khi giá xe cũ giảm mạnh, song cách chọn lựa về tỉnh mở đại lý xe không phải là cách tháo chạy của nhiều dân buôn xe, nhất là những người bán xe cũ có giá bán cao.
Chủ một đại lý buôn xe cũ trần tình, phân khúc xe tại địa phương chủ yếu dành cho xe cỏ, giá rẻ, còn đối với những người có mối buôn xe cũ hạng sang, giá cao thị trường mặc định của họ phải ở thành phố lớn. Chính vì vậy, đây chỉ là thời kỳ quá độ, vừa giúp thanh lọc thị trường vừa là cơ hội cạnh tranh nâng cao vị thế của các hãng xe. Kinh doanh xe cũ sẽ không chết dù giá xe mới có giảm thêm.
Trên thực tế, nếu tính toán về giá cạnh tranh giữ các xe hiện nay, các xe cũ đang gặp phải vấn đề khó khăn khi tranh giành thị phần.
Ông Việt Long, chủ đại lý xe cũ tại Dương Đình Nghệ, Q.Cầu Giấy cho hay: Nếu xe cũ bán từ 600 đến 800 triệu đồng vào thời điểm này xác định không có khách do mức giá này ngang với nhiều dòng xe đời mới.
Thậm chí, khi giá xe cũ hạ xuống còn 300 hoặc 400 triệu đồng/chiếc, khách hàng cũng đo đếm giá bởi mức giá này chủ yếu là những dòng xe đời quá sâu, hết khấu hao và chi phí sửa xe rất cao. Hơn nữa, nếu có trong tay số tiền như vậy, người mua hoàn toàn có quyền vay ngân hàng mua xe mới với nhiều ưu đãi hơn là bỏ tiền mua xe cũ nhưng chất lượng chưa biết rõ.
Nguyễn Tuyền