Báo Nhật: Kỳ vọng lớn vào nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Việt Nam

(Dân trí) - Tờ báo Nhật Bản Senshoku Shimposha số ra ngày 06/08/2011 đã có bài viết về kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt từ góc độ các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc hợp tác kinh tế với Việt Nam. Dân trí xin trích giới thiệu cùng độc giả.

Báo Nhật: Kỳ vọng lớn vào nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Việt Nam - 1
Hình ảnh bài báo trên tờ Senshoku Shimposha

Quốc hội Việt Nam mới đây cùng với việc thông qua bổ nhiệm ông Trương Tấn Sang, nguyên Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng lên làm Chủ tịch nước, cũng đã quyết định để ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng với nhiệm kỳ 5 năm.

Ông Dũng được nhìn nhận là nguyên thủ có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực Châu Á với những quyết sách đúng đắn và đường lối ngoại giao khôn ngoan. Năm ngoái, ở cương vị chủ tịch ASEAN, ông đã có những hoạt động xuất sắc nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, nâng cao vị thế của các nước ASEAN trong cộng đồng quốc tế.

Ông Dũng được nhân dân tiếp tục tín nhiệm và tái đắc cử chức Thủ tướng ngay trong thời điểm Việt Nam đang vật lộn với những khó khăn do kinh tế vĩ mô bất ổn. Sự tín nhiệm này cho thấy nhân dân tiếp tục đặt lòng tin vào sự quyết đoán của ông Dũng- khi ông quyết liệt chỉ đạo thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Với đất nước Nhật Bản, ông Dũng là vị nguyên thủ dễ mến với cộng đồng doanh nhân Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và cũng là vị nguyên thủ “giữ lời hứa” với những tình cảm sâu sắc dành cho đất nước Nhật Bản. Những kiến nghị của giới doanh nhân Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được Thủ tướng thường xuyên lắng nghe và xem xét, lưu tâm giải quyết. Chính phủ Việt Nam thường xuyên cập nhật và sử dụng các báo cáo của Jetro để cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước. Với lợi thế nhân công rẻ, thị trường lớn và chính trị ổn định, Việt Nam ngày càng có lợi thế so sánh với các nước trong khu vực khi các doanh nhân Nhật Bản đi tìm cơ hội đầu tư ở nước ngoài.

Hiện nay, Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong năm 2010 chủ yếu là nông sản thực phẩm, hải sản, may mặc, gỗ và sản phẩm từ gỗ... Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là thị trường quan trọng đối với ngành dệt may và da giày của Việt Nam.

Các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Mitsui, Toray, Marubeni, Nissho Iwai đang hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi để mong muốn trở thành doanh nghiệp phụ trợ cho các công ty Nhật Bản. Ông Trần Anh Vương- Tổng giám đốc tập đoàn Thép Bắc Việt- người vừa khánh thành một nhà máy chuyên sản xuất khuôn mẫu và sản phẩm nhựa cao cấp cho hay khách hàng mà đơn vị này hướng tới chính là nhà đầu tư Nhật Bản. Ông Trần Anh Vương khẳng định đây chính là hướng đi mới của các doanh nghiệp nhằm đón đầu một xu thế không thể khác để thay đổi cả “chất” và “lượng” của doanh nghiệp Việt Nam.

Các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam cũng đặt nhiều lạc quan vào triển vọng kinh doanh và đầu tư lâu dài vào Việt Nam nhất là khi Việt Nam không có những biến động về chính trị và việc ông Dũng tiếp tục tái đắc cử vị trí Thủ tướng đang mở ra những cơ hội tốt đẹp hơn nữa trong quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước.

P.V
Theo Senshoku Shimposha