Báo Mỹ: “Đã đến lúc gom cổ phiếu bất động sản Việt Nam”

(Dân trí) - Sau một thời gian dài lao dốc và sụt giảm thê thảm, thị trường bất động sản Việt Nam được một số nhà đầu tư quốc tế nhận định đang hấp dẫn và đã đến lúc quay trở lại gom hàng, kênh tin tức tài chính CNBC của Mỹ khẳng định.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo ông David Roes, CEO của công ty quản lý đầu tư ASEAN, cổ phiếu của các công ty bất động sản đang niêm yết tại Việt Nam đã chạm đáy. Hiện công ty này đang dành 90% trong quỹ 10 triệu USD của mình đầu tư vào Việt Nam.

Sau 4 năm trong tình trạng thị trường “gấu”, “bạn vẫn có thể thu được những giá trị đáng kể trong các công ty bất động sản mà không thể thấy ở bất kỳ thị trường nào khác”, ông Roes nhận định. Các công ty niêm yết thường có tỷ lệ chia cổ tức từ 14 – 15% với mức P/E chỉ 2,5 – 3, đôi khi họ hoàn toàn không có khoản nợ nào.

Năm 2007, thị trường bất động sản Việt Nam đã khựng lại sau khi đạt đỉnh một cách chóng vánh. Những năm sau đó thị trường lao dốc do lạm phát tăng ở mức hai chữ số, lãi suất cho vay cao trên 12% và đồng nội tệ nhiều lần bị phá giá.

Nguồn tín dụng dành cho các công ty bất động sản nhanh chóng bị rút đi, trong khi việc tiền đồng giảm giá làm chi phí nhập khẩu nguyên liệu và nhân công tăng lên. Nhiều nhà đầu tư đã phải bỏ dở dự án.

Nhưng hiện tại, luật bất động sản của Việt Nam đang thay đổi và giá đất tại các khu vực chưa được phát triển mua từ nông dân sẽ không còn do chính phủ quy định. Điều đó có nghĩa là chi phí sẽ tăng và các công ty sở hữu những nguồn đất hiện có có thể kiếm lời, vị CEO của công ty quản lý đầu tư ASEAN cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Jason Ng, một lãnh đạo của quỹ VinaCapital khẳng định: “xu hướng đi xuống đã chạm đáy”, Ng lưu ý rằng chính phủ đang chuẩn bị triển khai những quy định mới, cho phép người nước ngoài được mua cả căn hộ chung cư lẫn bất động sản trên đất, và cũng chuẩn bị cho phép họ được cho thuê các bất động sản này.

Ông Jason Ng nhận định cả các chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội sẽ được vay vốn ở lãi suất ưu đãi khoảng 6%. “Chúng tôi hy vọng rằng điều đó sẽ kích thích sự quan tâm tới thị trường bất động sản”.

Quỹ đầu tư đóng VinaLand của VinaCapital, được niêm yết trên sàn chứng khoán London, hiện quản lý khoảng 466,5 triệu USD. Quỹ này, được giao dịch bằng USD, đã đạt đỉnh ở mức 1,7 USD năm 2007. Hiện tại giá của có nó chỉ còn khoảng 0,44 USD.

Nhưng trong khi ông Ng nhận thấy sự hấp dẫn ở người mua cuối thì Roes lại hoàn toàn tập trung vào mảng “bán buôn” khi chọn bất động sản, và tránh các sản phẩm “bán lẻ” hoàn chỉnh, mà theo ông là quá đắt đỏ.

Chuyên gia này cũng tránh phân khúc cao cấp, đặc biệt là các dự án bán lẻ cao cấp, nhưng thích các dự án ở các đô thị loại hai và loại ba, nơi mức độ cạnh tranh còn thấp. Ông cũng nhắm tới các bất động sản công nghiệp, dự án thương mại và một số dự án trung tâm mua sắm.

Trong số những cổ phiếu hàng đầu Roes chọn, ông thích Apec Investment JSC với khẳng định cổ phiếu công ty này đang giao dịch ở mức P/E chỉ 2,5, với mức chia cổ tức 14%. Công ty này có giá trị vốn hóa 5,5 triệu USD, so với giá trị tài sản ròng vượt 100 triệu USD.

Công ty trên vừa bán 5 ha đất khu công nghiệp gần một nhà máy mới của Samsung bên ngoài Hà Nội với mức giá tăng 100%, cùng mức lợi nhuận tương đương 25% giá trị vốn hóa của công ty, Roes khẳng định.

Trong số các công ty bất động sản khác, Roes cũng nhắm tới Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG). Giá cổ phiếu của công ty này chỉ gấp 1,5 lần thu nhập dự kiến năm 2015, với giá trị vốn hóa 3 triệu USD so với mức NAV 100 triệu USD. Ngoài ra, Vạn Phát Hưng (mã VPH), với giá trị vốn hóa 6,4 triệu USD, mức NAV hơn 120 triệu USD cũng là một lựa chọn.

Kết thúc phiên 25/9, TIG được giao dịch ở mức 3900 đồng/cổ phiếu. Ngày 16/9 vừa qua, quỹ ASEAN Small cap đã mua thêm 250.900 cổ phiếu TIG để tăng tỷ lệ sở hữu từ 5,98% lên 7,5%. Kết thúc 6 tháng đầu năm, TIG ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 6,46 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 371,8 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó VPH tăng nhẹ 200 đồng, lên 4700 đồng/cổ phiếu trong phiên 25/9. Theo báo cáo tài chính giữa niên độ, 6 tháng đầu năm VPH đạt lợi nhuận trước thuế chỉ 455,5 triệu đồng, giảm hơn 60% so với mức 1.148,2 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Thanh Tùng
Tổng hợp