Bảo Minh bị kiện vì từ chối trả bảo hiểm

(Dân trí) - Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã có đơn khởi kiện công ty bảo hiểm Bảo Minh ra tòa về việc từ chối trả bảo hiểm với số tiền hơn 4 triệu USD. Trong khi đó, phía Bảo Minh lại cho rằng mình có quyền từ chối trả khoản tiền trên.

Tài sản được bảo hiểm bị tổn thất 70 tỷ đồng

Cuối năm 2006, Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (gọi tắt là DQS) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (gọi tắt là Bảo Minh)  ký với nhau một hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro cho việc đóng mới một tàu chở dầu trọng tải hơn 100.000 tấn. Thời hạn bảo hiểm là 2 năm, kết thúc vào 30/12/2008 với tổng phí mà DQS phải trả là hơn 4,7 tỷ đồng.

Theo quy định tại hợp đồng, phí bảo hiểm nói trên được thanh toán thành 3 lần. Trong đó, số tiền phải trả trong lần đầu (15 ngày sau khi hợp đồng có hiệu lực) tương đương 50% tổng phí. Số còn lại được trả lần lượt khi tàu được hạ thủy và bàn giao.

Bảo Minh bị kiện vì từ chối trả bảo hiểm - 1
Bảo Minh bị kiện vì từ chối trả bảo hiểm trị giá khoảng 70 tỷ đồng.
 
Tuy vậy, trong lần thanh toán đầu tiên, phía DQS chỉ chuyển cho Bảo Minh 2 tỷ trong số gần 2,4 tỷ đồng tiền phí mà doanh nghiệp này lẽ ra phải trả. Số phí còn thiếu sau đó được 2 doanh nghiệp nhắc lại nhiều lần trong các văn bản qua lại.

Đến ngày 31/12/2008, khi hợp đồng bảo hiểm vừa hết hạn nhưng con tàu vẫn chưa hoàn thành, theo yêu cầu của DQS, 2 bên lại ký với nhau một bản sửa đổi bổ sung hợp đồng nhằm kéo dài thời gian bảo hiểm đến hết tháng 2/2010. Phí gia hạn là gần 2,5 tỷ đồng.

Trong thời gian gia hạn nói trên, ngày 28/9/2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào miền Trung đã gây tổn thất cho con tàu. Nhận được thông báo của DQS, Bảo Minh đã chỉ định Công ty Matthiew Daniel làm đơn vị giám định tổn thất. Báo cáo kết quả cho thấy tổng thiệt hại ước tính là hơn 4,1 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng).

DQS đã yêu cầu phía Bảo Minh tạm ứng 50% giá trị tổn thất ước tính (theo quy định tại hợp đồng) để khắc phục hậu quả. Doanh nghiệp này sau đó cũng đã chuyển trả cho Bảo Minh số tiền gần 400 triệu đồng còn thiếu trong đợt thanh toán phí đầu tiên. Tuy nhiên, phía Bảo Minh nhiều lần từ chối tiếp nhận riêng số tiền này và cho rằng DQS phải chuyển trả toàn bộ số phí còn thiếu (khoảng 3 tỷ đồng).

Ngày 16/2/2011, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã có đơn khởi kiện Bảo Minh ra Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Tòa án sau đó đã có văn bản thụ lý vụ việc và sẽ tiến hành xét xử trong thời gian tới.

Chỉ tuyên bố hợp đồng chấm dứt hiệu lực sau khi xảy ra tổn thất!

Lý giải cho việc từ chối trả bảo hiểm của mình, trả lời báo Dân trí, phía Bảo Minh cho hay: Theo đơn bảo hiểm được cấp ngày 1/12/2006, thời hạn bảo hiểm được quy định từ 30/12//2006 đến 30/12/2008. Còn theo giấy chứng nhận bảo hiểm sửa đổi bổ sung ký ngày 31/10/2008 thì thời hạn bảo hiểm là từ 31/12/2008 đến 28/2/2010.

“Như vậy, về vấn đề thời hạn bảo hiểm đối với con tàu có căn cứ xác định thời hạn bảo hiểm là đến ngày 28/2/2010. Tuy nhiên, thời hạn bảo hiểm và trách nhiệm bảo hiểm là hai vấn đề pháp lý khác nhau.

Cụ thể là do DQS vi phạm nghĩa vụ nộp phí nên trách nhiệm bảo hiểm chỉ được tính đến ngày 30/1/2009. Bởi vậy, hợp đồng bảo hiểm đã bị chấm dứt trước khi tổn thất xảy ra nên không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của Bảo Minh.” – đại diện Bảo Minh giải thích.

Về việc này, trong đơn khởi kiện, ông Cao Thành Đồng, Tổng giám đốc DQS khẳng định, Bảo Minh chỉ tuyên bố hợp đồng đã chấm dứt hiệu lực sau khi xảy ra tổn thất.

Hơn nữa, phía DQS cũng cho rằng, khi “phán xét” về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, Bảo Minh đã cố tình “quên” mất cam kết trong hợp đồng bảo hiểm đó là: “Hợp đồng bảo hiểm này tiếp tục có hiệu lực nếu không bên nào yêu cầu hủy bỏ bằng cách gửi thông báo cho bên kia 03 tháng trước ngày dự kiến hủy”.

Vậy mà sau một thời gian dài nhắc nhở DQS nộp phí mà không có bất cứ thông báo nào về việc hủy hợp đồng bảo hiểm, Bảo Minh đã tuyên bố HĐBH bị chấm dứt. Bảo Minh cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu DQS nộp phí bảo hiểm cho cả thời gian gia hạn bảo hiểm.

Điều này thể hiện rằng cho đến thời điểm sau tổn thất Bảo Minh vẫn công nhận hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đã ký. (Mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hợp đồng nếu bên mua không hoàn thành nghĩa vụ đóng phí).

“Nếu Bảo Minh cho rằng họ có quyền chấm dứt hợp đồng thì phải được thực hiện ngay từ 30/1/2009 và vụ việc lẽ ra phải giải quyết dứt điểm ngay từ tháng 2/2009. Lúc đó, DQS hoàn toàn có đủ thời gian mua bảo hiểm chỗ khác và tàu vẫn được bảo hiểm.” – ông Đồng cho biết.

Vụ kiện về chi trả bảo hiểm có thể coi là có giá trị lớn nhất kể từ trước đến nay sẽ sớm được sáng tỏ sau phán quyết của tòa án tới đây.

Lan Hương