Bao giờ hết “khát” tiền lẻ?
Anh Văn mua gói thuốc lá, chỉ việc đứng chờ tiền thừa 5.500 đồng đã mất hơn 10 phút. Chị bán hàng chạy đổi tiền lẻ không được, đành đưa anh vài viên kẹo. Những đồng tiền mệnh giá nhỏ 200, 500, 1.000, 2.000 đồng ngày càng trở nên khan hiếm.
Từ lâu các siêu thị đã tự động “buộc” khách hàng nhận kẹo thay cho những đồng tiền lẻ thối lại. Nay việc này đã lan ra đến các sạp báo, tiệm thực phẩm, tủ thuốc... Vì thiếu những đồng tiền lẻ, người bán và người mua đành phải nhận một vật tượng trưng cho đồng tiền lẻ đó.
Một trong những lý do (gây thiếu) xem chừng vặt vãnh, nhưng theo một chuyên gia ngân hàng, thì nó “hút” mất một lượng tiền lẻ không nhỏ. Đó là các bà nội trợ, sau khi đi chợ về, đã bỏ trong góc nhà những đồng tiền xu lẻ, hoặc cứ sẵn con heo đất bỏ vào. Những đồng tiền này bị lãng quên, nằm “đóng bụi” và không được đưa trở lại lưu thông, làm tiền lẻ đã thiếu càng hụt.
Có lần, một tổ chức từ thiện đã nhận đóng góp của một người gần 830.000 đồng toàn bằng tiền xu mệnh giá từ 500 – 5.000 đồng. Người đóng góp giải thích, cứ đi chợ về, dư tiền xu bao nhiêu là bỏ vào heo đất bấy nhiêu.
Một quan chức nhà nước nói, ông biết thị trường đang thiếu tiền lẻ. Theo ông, sau đợt phát hành lần đầu, tiền mệnh giá nhỏ không được phát hành thêm. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương có rót về một lượng tiền mệnh giá nhỏ, nhưng “số lượng chừng đó vẫn chưa thấm vào đâu, được bao nhiêu chúng tôi cải thiện bấy nhiêu, khi nào thiếu thì bổ sung tiền tiếp”, ông nói.
Một phó tổng giám đốc ngân hàng không khẳng định được, liệu ngân hàng ông có sẵn lòng đổi tiền lẻ khi có người dân đến đổi không. Ông kể là, đối với nhiều ngân hàng thương mại, mang từng bao tiền xu về chất đống trong ngân hàng không thuận tiện lắm, vì không biết bao giờ đổi xong mà diện tích kho quỹ ngân hàng thì hạn chế.
Theo chuyên gia ngân hàng trên, tiền mệnh giá nhỏ thường được phát hành với tỷ lệ cao hơn tiền chẵn, chiếm khoảng 35 - 40% số lượng. Vì số lần luân chuyển, trao tay những đồng tiền này nhiều hơn những đồng mệnh giá lớn, nên nó phải được phát hành với số lượng cao hơn.
Theo ông, tiền lẻ trong dân chúng không thiếu, nhưng làm sao để “bật” được những đồng đang nằm im trong nhà và tạo cho người dân thói quen dùng tiền xu thì lúc đó “cơn khát” tiền lẻ mới giảm.
Theo Hồng Sương
Báo SGTT