“Bão giá”: Tư duy của cửa hàng bán lẻ
(Dân trí) - “Chúng ta không nên mua hàng ở lúc giá cao để bán vào lúc giá cao. Đó không phải là tư duy trong nền kinh tế thị trường mà là tư duy của cửa hàng bán lẻ tức là nhập một đồng thì phải bán đồng hai. Tư duy của doanh nghiệp phải là tư duy dài hạn về lỗ lời".
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã mở đầu cuộc trao đổi với Dân trí như vậy.
Ông Ánh cho biết: Bài toán của năm 2007, thứ nhất đó là về mặt con số thì tốc độ tăng CPI (biểu hiện của lạm phát) đã lên đến hai con số, đây là hiện tượng hơn 10 năm nay mới lặp lại.
Còn ở ngoài thị trường, rõ ràng từ đầu năm đến nay rất nhiều mặt hàng tăng giá, nhiều lần tăng giá, và mức độ tăng giá cũng tương đối cao. Đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm do đó ảnh hưởng rất lớn đến những người tiêu dùng bình thường.
Nếu không có đánh giá cẩn thận trong năm 2007 để có giải pháp quyết liệt, chính xác và hợp lý hơn trong năm 2008 thì rõ ràng việc kiểm soát việc lạm phát có khả năng là không thực hiện được.
Thưa ông, các mặt hàng chiến lược nhà nước có bù lỗ, nhưng tại sao vẫn tăng giá?
Các mặt hàng này chia làm hai nhóm, một nhóm do Nhà nước bù lỗ và nhóm không bù lỗ nhưng có quy định về giá trần, hoặc có những quy trình được phép tăng giá bán lẻ để hạn chế tác động bất thường đến nền kinh tế.
Còn để kiềm chế những đối tượng này thì có bù lỗ, và bù lỗ này chủ yếu áp dụng cho mặt hàng xăng dầu. Ngay từ đầu năm khi chúng ta có quyết định không bù lỗ cho mặt hàng xăng dầu, sau đó gần cuối năm chúng ta quay sang bù lỗ, và đến năm 2008 thôi không bù lỗ nữa.
Nếu trông vào bù lỗ của Chính phủ thì ngân sách gặp khó khăn. Bây giờ thu đã ở mức tương đối cao rồi, tổng thu ngân sách năm nay ở mức khoảng 25% GDP, cộng với tổng chi ngân sách (bội chi) trên 30% GDP, đối với nền kinh tế Việt Nam là rất cao.
Nếu Nhà nước không tiếp tục bù lỗ thì phải làm thế nào kiềm chế mức độ tăng giá, thưa ông?
Nên hình thành một quỹ tài chính để khi có lãi thì tăng quy mô quỹ, khi lỗ thì quỹ sẽ bù vào, từ đó tách rời chuyện bù lỗ ra khỏi ngân sách Nhà nước.
Thứ hai là quỹ này sẽ vận động theo chu kỳ kinh doanh và chu kỳ vận động của giá trên thế giới. Làm được điều này chúng ta sẽ không còn lo lắng cứ phải liên tục điều chỉnh giá, thứ hai là không phải nghĩ đến chuyện bù lỗ.
Ông có nói các mặt hàng chiến lược được tăng giá nhưng phải theo quy trình, nhưng các mặt hàng vừa qua tăng giá có tuân thủ điều này?
Họ đều phải tăng theo quy định. Khi các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu muốn điều chỉnh giá bán lẻ phải làm tờ trình xin ý kiến của Bộ Tài chính và Công Thương điều chỉnh giá và chỉ được tăng giá nếu liên bộ đồng ý.
Các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng chiến lược đều kêu lỗ, nhưng các cuộc thanh tra về tài chính vẫn chưa được tiến hành, hoặc có thì thông tin lỗ lãi của họ vẫn chưa được công bố, thưa ông?
Về mặt nguyên tắc thì các doanh nghiệp Nhà nước khi báo cáo lỗ hay lãi thì các cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng biết được lỗ lãi là bao nhiêu.
Tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề ngược lại là khi các doanh nghiệp này lãi thì chúng ta không công bố nhưng khi lỗ thì họ công bố tỉ mỉ.
Ông có nghĩ rằng việc điều hành giá của chúng ta còn bất cập?
Hiện nay mình sử dụng khá nhiều công cụ, nhưng có hai công cụ truyền thống và quan trọng nhất đối với một nền kinh tế thị trường thì đó là công cụ về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chưa sử dụng hữu hiệu.
Bên cạnh đó một số công cụ mà mình sử dụng hiện nay chỉ phù hợp với nền kinh tế bao cấp, ví dụ như công cụ trực tiếp kiểm soát giá.
Bây giờ bắt các doanh nghiệp phải bán căn cứ theo giá thành thì nó không phù hợp lắm với nguyên tắc thị trường, vì doanh nghiệp có thể xác định mức giá theo chiến lược giá, chiến lược kinh doanh của họ.
Những tháng cuối năm thì có biến động nhiều về giá cả không, thưa ông?
Từ nay đến Tết Nguyên Đán thì giá cả sẽ tăng mạnh, cái này không phải bàn nữa. Tháng 11 vừa rồi đã có mức tăng 1,23 (chưa tính giá xăng), tháng 12 này khả năng chỉ số giá tăng cao hơn tháng 11 gần như là đương nhiên, có thể ở mức tăng “một chấm năm, hoặc hai chấm”.
Như vậy cộng cả năm nay thì chỉ số tăng giá lên đến 11 - 12% là chuyện bình thường. Hai tháng đầu năm 2008 theo thông lệ hàng năm thì tăng 3%, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể cả, vẫn chỉ bỏ tiền ra mua hàng cân đối cung cầu, kèm theo việc tăng lương vào đầu tháng một thì sẽ không nằm dưới 5% cho cả hai tháng.
Xin cảm ơn ông!
Trần Hưng (thực hiện)