"Bão" Covid-19: Doanh nghiệp 1.700 lao động giờ chỉ còn 50 người đi làm
(Dân trí) - Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành là người lao động, nhưng các công ty dừng hoạt động, không có nguồn thu để giữ chân họ. Số người lao động trong ngành mất việc lên tới hàng chục nghìn.
Doanh nghiệp, người dân thành phố đều khó khăn
Sáng nay (10/6), tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Công ty Vietravel, đại diện ngành du lịch - cho biết, Covid-19 đã gây tác động nặng nề nhất trong lịch sử ngành du lịch, tất cả các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước gần như đã dừng hoạt động.
"Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành là người lao động, nhưng các công ty dừng hoạt động, không có nguồn thu để giữ chân họ. Số người lao động trong ngành mất việc lên tới hàng chục nghìn, rất đau xót" - ông Kỳ nói.
Lấy ví dụ tại Vietravel, ông Kỳ chia sẻ chỉ còn 50 người trên tổng số hơn 1.700 lao động đang làm việc. Tất cả văn phòng trên cả nước của công ty này đã tạm dừng hoạt động, người lao động nghỉ ở nhà. Nhưng ông Kỳ lại nhấn mạnh có 4 văn phòng ở nước ngoài hoạt động được vì có sự hỗ trợ từ các nước sở tại.
Chủ tịch Vietravel cho rằng du lịch luôn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nhưng đến lúc này chưa được gói hỗ trợ vay vốn nào. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành thường không có tài sản hữu hình để thế chấp cho ngân hàng.
Còn bà Đặng Thị Minh Phương - CEO MP Logistics - chia sẻ nhiều doanh nghiệp rất mệt mỏi sau năm 2020 và đến lúc này đã đuối sức. Bà Phương đề nghị TPHCM nghiên cứu tạm thời miễn giảm, giãn thời gian thu một số loại phí cầu, đường vì doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ nguồn vốn.
Ngoài ra, nữ doanh nhân này cũng đề xuất lãnh đạo TPHCM có biện pháp truyền thông phù hợp để không còn hiện tượng nhiều địa phương xa lánh người dân thành phố như hiện nay. "Không chỉ doanh nghiệp mà người dân TPHCM đang khó khăn" - bà Phương đánh giá.
Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh cũng kiến nghị TPHCM có giải pháp để tránh tình trạng người dân thành phố đi đến đâu cũng bị cách ly.
Ông Việt Anh nhắc lại sự việc tỉnh Đồng Nai hạn chế đi lại với người dân TPHCM vừa qua không phải là lần đầu. Năm ngoái, tỉnh Đồng Nai cũng cấm phà khiến nhiều người lao động phải di chuyển quãng đường rất xa.
"Điều này tạo tâm lý hết sức hoang mang và hình ảnh xấu với các doanh nghiệp của thành phố ở khu vực giáp ranh Đồng Nai" - doanh nhân này nêu quan điểm. Theo ông, thành phố cần có giải pháp để tình trạng này không lặp lại lần ba.
Mong mỏi vắc xin cho công nhân
"Giải pháp thứ nhất là vắc xin, thứ hai là vắc xin và thứ ba cũng là vắc xin" - ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh mong muốn TPHCM quan tâm hơn nữa việc ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân, đặc biệt là lực lượng tài xế giao hàng liên tỉnh.
Ông Tống chia sẻ rất lo lắng vì chỉ cần công ty có một trường hợp F1, những người xung quanh trở thành F2 phải cách ly tại nhà và hoạt động sẽ tê liệt.
Trong khi đó, ông Việt Anh cũng nhấn mạnh, TPHCM nói chung và cả nước nói chung cần tập trung nhiều hơn việc tiêm vắc xin cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo doanh nhân này, hiện nay thông tin về vắc xin chưa rõ ràng và có những doanh nghiệp đang chào mời việc nhập vắc xin. Ông đề xuất TPHCM nên công bố đầu mối cụ thể về vắc xin để các doanh nghiệp nắm được.
"Các doanh nghiệp hoàn toàn tự chịu chi phí để có vắc xin, chỉ cần thông tin đầu mối chính xác, sự an toàn về pháp lý" - ông Việt Anh nói.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean - chia sẻ nhiều doanh nghiệp dệt may đã đủ đơn hàng để sản xuất đến cuối năm nhưng lại trong tình trạng thiếu hụt lao động. Hiện tại, một số đơn vị phải giãn cách, chia làm nhiều ca để vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch.
CEO này đề nghị TPHCM cho phép doanh nghiệp được mua bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 để tự sàng lọc cho nhân viên. Hiện bộ kit xét nghiệm nhanh chỉ được bán cho các cơ sở y tế. Nếu có thể tự làm xét nghiệm nhanh, doanh nghiệp sẽ chủ động phòng chống dịch, lên phương án sản xuất.