Báo chí quốc tế ca ngợi mức tăng trưởng kinh tế VN
Rất nhiều hãng thông tấn, báo chí quốc tế đã đưa tin bài về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay.
Wall Street Journal cho hay, kinh tế Việt Nam từ tháng 1-9 năm nay tăng trưởng 8,2%, mức cao nhất giai đoạn chín tháng trong một thập niên trở lại đây. Lĩnh vực đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đều tăng mạnh. Cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng đạt 7,8%.
Theo Tổng cục Thống kê, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đã góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng ngoạn mục này. HSBC ước tính, kinh tế Việt Nam trong quý ba đạt tỉ lệ tăng trưởng 8,7%.
Sau một thập niên hàn gắn vết thương chiến tranh, hai thập niên cải cách kinh tế, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á. "Chúng tôi cho rằng, sự tăng trưởng này vẫn khá vững chắc và tương đối cân bằng’’, nhà kinh tế học của HSBC, Prakriti Sofat cho biết.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đây là lần đầu tiên, tổng giá trị đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực kinh tế vượt qua giá trị đầu tư của nhà nước.
Từ tháng 1/9, đầu tư nhà nước đạt 150,2 nghìn tỉ đồng (9,5 tỉ USD), tăng 6,9% so với năm trước và chiếm 44,9% tổng giá trị đầu tư. Các công ty tư nhân trong nước đầu tư 131,1 nghìn tỉ đồng, tăng 27,7% và công ty nước ngoài đầu tư 53,5 nghìn tỉ đồng, tăng 20%.
Hãng AP cũng đưa ra những con số tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong chín tháng đầu năm trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, GDP trong chín tháng năm 2007 đạt 787 nghìn tỉ đồng (49 tỉ USD).
Lĩnh vực sản xuất và xây dựng tăng 10% đạt 328 nghìn tỉ đồng (20 tỉ USD). Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 8,5% đạt 301 nghìn tỉ đồng (19 tỉ USD).
Theo AP thì, Ngân hàng Phát triển châu Á đã dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8,3% trong năm nay.
Dow Jones nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là nâng mức thu nhập trung bình từ 640 USD năm 2006, lên mức 1.000 USD vào năm 2010.
Theo Reuters, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế quý tư của Việt Nam đạt 9-9,5%, thì tăng trưởng GDP sẽ tăng từ 8,4% lên 8,5% trong năm nay. Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách thị trường để đảm bảo mức tăng trưởng ổn định và kiềm chế lạm phát.
Hãng này dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á rằng, việc thu hút đầu tư khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 1 là động lực chính cho sự tăng trưởng, bên cạnh đó còn là tốc độ tiêu dùng tăng mạnh.
Hôm qua, tờ Đài Bắc Thời báo có bài viết nhan đề: “Mọi con mắt đổ về Việt Nam”. Tờ báo nhấn mạnh, nhiều quốc gia ở châu Á đang không ngừng nâng cao môi trường đầu tư và cạnh tranh thương mại. Các nhà đầu tư thông minh nên tìm kiếm các cơ hội ở những quốc gia này.
Giới doanh nhân Đài Loan đã ý thức được cái gọi là đa dạng hóa đầu tư nước ngoài, họ đã mở rộng khu vực của mình, và tìm đến một ngôi sao đang lên ở châu Á - đó là Việt Nam.
Theo báo, kể từ thập niên 90, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, thị trường việc làm tăng mạnh, môi trường kinh tế được cải thiện, thu nhập bình quân theo đầu người gia tăng đã thu hút giới đầu từ khắp nơi trên thế giới.
Kể từ khi là thành viên của WTO, Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam trong tương lai gần.
Theo cuộc thăm dò do Học viện Nghiên cứu Đài Loan tiến hành cho thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang lên với tiềm năng lớn nhất thế giới.
Theo Kỳ Thư
VietNamnet