Báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng 15 chung cư khó có khả năng khắc phục phòng cháy chữa cháy

(Dân trí) - Đối với 15 công trình khó có khả năng khắc phục PCCC, Hà Nội đã báo Cảnh sát PC&CC đến ngày 30/4/2018, phải hoàn thành hồ sơ, báo cáo Cục C66 - Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm duyệt, thẩm định các giải pháp áp dụng thay thế...

Từ 1/5/2018, Hà Nội sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra công trình chậm khắc phục PCCC.
Từ 1/5/2018, Hà Nội sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra công trình chậm khắc phục PCCC.

Đó là một trong những nội dung trong thông báo số 64/TB-VP của UBND TP. Hà Nội liên quan tới tình hình thực hiện công tác PCCC trên địa bàn Thành phố.

Thông báo này cho biết, trong tổng số 79 công trình nhà chung cư cao tầng đã đăng công báo trong năm 2017, tính đến hết ngày 02/4/2018: Có 50/79 công trình đã được nghiệm thu về PCCC; 29/79 công trình còn tồn tại vi phạm quy định về PCCC (14 công trình có khả năng khắc phục; 15 công trình khó có khả năng khắc phục).

UBND TP yêu cầu từ nay đến ngày 30/4/2018, 14 công trình có khả năng khắc phục phải thực hiện xong các nội dung còn tồn tại vi phạm và được nghiệm thu về PCCC, nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng.

Riêng đối với 15 công trình khó có khả năng khắc phục: Giao Cảnh sát PC&CC đến ngày 30/4/2018, phải hoàn thành hồ sơ, báo cáo Cục C66 - Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm duyệt, thẩm định các giải pháp áp dụng thay thế; đến ngày 30/6/2018, phải khắc phục hoàn thành và được nghiệm thu về PCCC, nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng.

Sau ngày 30/4/2018: Cảnh sát PC&CC, Công an Thành phố phải chuyển hồ sơ các công trình còn tồn tại vi phạm sang Cơ quan Điều tra Công an Thành phố để điều tra, xem xét xử lý, khởi tố đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần phải cương quyết yêu cầu chủ đầu tư phải làm và làm cho tử tế vấn đề PCCC.

“Đây là câu chuyện liên quan đến an toàn của người dân, không thể làm “ngơ” được. Thay vào đó cần phải gắt gao hơn, xử lý nhanh chóng hơn nữa, đừng xuề xoà rồi để lại hậu quả lớn. Vấn đề gì thì cũng có cách giải quyết, kiên quyết không thể nói “khó” mà không làm, mà bỏ mặc được. Bằng mọi cách phải xử lý vì an toàn tính mạng con người là quan trọng, kể cả chủ đầu tư bị lỗ lớn vẫn phải làm”, ông Võ nêu quan điểm.

Danh sách 15 công trình khó khắc phục PCCC này bao gồm:

1.Chung cư mini Bồ Đề (ngõ 193 phố Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên);

2. Nhà ở nhiều hộ gia đình (số 76 Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân);

3. Toà nhà văn phòng cho thuê và để ở (số 88 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân);

4. Trung tâm Thương mại và nhà ở cao tầng ( số 27 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng);

5. Nhà ở chung cư cao tầng kinh doanh (số 46/230 Lạc Trung, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng);

6. Nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Tổng cục V- Bộ Công an (Toà nhà T6/08) (Ở KĐT mới cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm);

7. Nhà ở và để bán cho cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm- Nhà 9 tầng nhà C (ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên);

8. Toà nhà C17 Bộ Công an (ở Tổ 14 Ngọc Thuỵ, quận Long Biên);

9. Nhà ở cho cán bộ, giáo viên Học viện Quốc tế (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì);

10. Trung tâm Thương mại và căn hộ chung cư (Khu Đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);

11. Nhà Chung cư BMM (Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);

12. Toà nhà chung cư 89 Phùng Hưng (ở Phúc La, quận Hà Đông);

13. Nhà chung cư CT4 (ở Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);

14. Toà CT2 Xa La (ở Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông);

15. Toà Nhà Capital Garden (ở Ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa)

Nguyễn Khánh

Báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng 15 chung cư khó có khả năng khắc phục phòng cháy chữa cháy - 2