1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Báo Anh viết về cơn sốt chứng khoán tại Việt Nam

(Dân trí) - <i>The Finance Time</i> vừa có bài viết nhận định về cơn sốt chứng khoán tại Việt Nam hiện tại và những nhận định cụ thể về rủi ro tiềm ẩn cũng như những bất lợi hiện tại. Bài viết do Amy Kazmin, phóng viên của <i>The Finance Time</i> thực hiện.

Vừa làm quản lý cho một khách sạn do người nước ngoài điều hành và vừa theo học một khóa MBA, Nguyen Dung (26 tuổi), chưa bao giờ nắm giữ cổ phần của một công ty. Nhưng tuần trước, ấn tượng trước sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam, anh đã góp 650 USD với 30 người trong lớp MBA của anh để cùng nhau đầu tư.

Các sinh  viên MBA cùng chia sẻ thông tin và "ngón nghề", cùng mò mẫm đầu tư trên thị trường tự do với những cổ phiếu của các công ty Nhà nước đang cổ phần hóa. Theo Dung, nhà đầu tư khôn ngoan nào cũng phải chấp nhận đánh cuộc với rủi ro..

 

“Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán đang thay đổi từng ngày”, anh nói, “Ai có thông tin chính xác, người đó có thể kiếm tiền dễ dàng”.

 

Sau khi thấy các chỉ số cơ bản của sàn giao dịch chứng khoán tăng vọt 249% trong vòng 13 tháng, tầng lớp trung lưu mới nổi của Việt Nam đang lao vào cơn say thị trường chứng khoán. Các sinh viên, công chức nhà nước và các nhà quản lý của các doanh nghiệp nhà nước cũng mang tiền tiết kiếm đổ xô vào mua cổ phần với giấc mơ thu được lợi nhuận trời cho.

 

Tình trạng thị trường giá lên hiện nay trên sàn chứng khoán, với 107 công ty niêm yết, một phần do hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư nước ngoài, hăm hở với những thông tin về một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

 

Nhưng các nhà đầu tư Việt Nam còn ở trong trạng thái hứng khởi hơn với thị trường cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) của hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa mà có thể sẽ, hoặc rất có thể là không bao giờ, niêm yết trên thị trường chứng khoán một ngày nào đó. Một phiên đấu giá gần đây tổng giá trị đã lên tới 170 triệu USD cho một công ty sản xuất cáp đồng có báo cáo tài chính đạt lợi nhuận 1,1 triệu USD trong năm vừa rồi.

 

“Thật là điên rồ” - Jonathan Pincus, kinh tế gia trưởng của Liên hợp quốc tại Hà Nội nói. “Tất cả những ồn ào ở Hà Nội đều xoay quanh chuyện đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tôi không biết liệu có bất kỳ người nào hiểu cái gì là giá trị của những công ty, nhưng họ vẫn đang mua bán những tờ giấy”.

 

Khi những tin đồn rộ lên về những nhà đầu tư trong nước mua những cổ phiếu của những ngân hàng không hoạt động, cơ quan chức năng đang lo lắng rằng nhiều người - trong đó phần nhiều là có tiền - đang lơ lửng trong trạng thái thiếu an toàn. Các cơ quan chức năng mới đây cũng đã nỗ lực để làm nguội lại sự hăng hái đầu cơ rất thiếu cảm giác đe dọa một cú xì hơi của thị trường.

 

“Chính phủ rõ ràng đang lo lắng về tình trạng giá trên thị trường chứng khoán đang tăng liên tục mà nhiều nhà quan sát đang đánh giá rằng đã vượt quá giá trị thực” - Li Houng Lee, đại diện thường trú của IMF tại Hà Nội nói. “Điều này có thể đưa đến những vấn đề nếu xuất hiện sự điều chỉnh giá đột ngột, dẫn đến nhiều nhà đầu tư địa phương sẽ bị kéo xuống theo”.

 

Các quy định với ngân hàng về việc cho vay để mua cổ phiếu đã được siết chặt hơn. Các quan chức cũng xem xét quy định bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải giữ vốn của họ tại Việt Nam ít nhất một năm.

 

Cho đến gần đây, người Việt Nam vẫn có xu hướng tích trữ bằng những loại tài sản truyền thống là vàng và bất động sản. Nhưng năm ngoái, lượng tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng gần 4 lần, từ 32.000 lên 120.000.

 

Nghề môi giới đang phát triển như nấm, hiện tại đã có 56 công ty được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này trong khi năm ngoái mới chỉ có 16 công ty.

 

Tất cả các công ty hoạt động trong mọi lĩnh vực đều cố gắng nhảy vào lĩnh vực mà họ thấy đang sinh lợi này, chẳng hạn như một công ty may mặc mới đây cũng vừa tuyên bố sẽ mở một chi nhánh hoạt động môi giới chứng khoán.

 

Các công ty Việt Nam trong nhiều lĩnh vực hóa ra đang sử dụng tiền lãi của mình để ném vào thị trường chứng khoán thay vì đầu tư vào lĩnh vực hoạt động chính của họ. Sriyan Pietersz, đứng đầu bộ phận nghiên cứu của JPMorgan đã từng cảnh báo sự nguy hiểm của tình trạng này: “Có một thực tế rằng các khoản lãi đó có thể bốc hơi, bạn đang lao vào rủi ro của tình trạng đầu tư quá thấp cho doanh nghiệp của mình do bộ phận quản lý quá bận với việc cắm rễ trước màn hình Bloomberg”. (Bloomberg là hãng chuyên cung cấp thông tin liên tục về thị trường tài chính).

 

Các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực trong việc kéo các công chức đang say sưa với thị trường chứng khoán tập trung vào công việc của họ.

 

Ngân hàng trung ương hiện đã ban hành quy định cấm nhân viên chơi chứng khoán trong giờ làm việc. Nhưng Tra Le, phụ trách một điểm giao dịch (của ngân hàng) nói đây là một nỗ lực khó khăn. “Nhân viên ngân hàng thường thờ ơ với công việc của mình và rất quan tâm đến những lĩnh vực khác. Họ theo dõi màn hình và xem giá cổ phiếu, điều này làm giảm hiệu suất hoạt động của ngân hàng”.

 

T.T.V
Theo Finance Time

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm