Bánh mì lên đời

Sự xuất hiện ở góc phố của các thương hiệu gà rán và một loạt các cửa hàng bánh mì ăn nhanh khiến người dùng tự hỏi phải chăng cái gấp gáp của nhịp sống công nghiệp đang cận kề?

Bánh mì Ta là hệ thống đầu tiên ra đời năm 2005 bán loại bánh mì kẹp nhân theo hình thức của những cửa hàng thức ăn nhanh hiện đại. Theo cách này, Sài Gòn đã có thêm 4 thương hiệu mới: bánh mì Tây, bánh mì Vua, bánh mì Góc Phố và bánh mì Onore.

Muôn vẻ hiện đại

Cửa hàng đầu tiên của bánh mì Ta trên đường Lê Thánh Tôn Q.1 thể hiện nét “hiện đại” với máy làm bánh, lò nướng, quầy bếp, tủ trữ lạnh, quầy kệ kính, nhân viên lịch sự... Toàn bộ bao bì, giấy gói bánh mì đến ly đựng nước, đồng phục nhân viên đều được thiết kế đồng nhất với màu sắc trang trí cửa hàng, logo, thương hiệu. Chuỗi cửa hàng “bánh mì góc phố” (Bread Corner) mang tên B4 với 5 điểm bán đầu tiên và dự kiến đến cuối năm sẽ có 20 điểm bán cùng các xe bán hàng lưu động.

Cửa hàng bánh mì Vua thiết kế như một nhà hàng thức ăn nhanh, khách mua 1 phần (gồm bánh và ly nước) có thể ngồi ăn cùng bạn bè, đọc báo hoặc ngắm đường phố qua cửa kính.

Bánh mì Onore làm theo kiểu Tây và cách chế biến cũng khác: bánh mì nướng chín sơ, kẹp nhân rồi nướng chín tiếp...

Điều đáng lưu ý ở đây, là các nhà kinh doanh chuỗi cửa hàng bánh mì hầu hết là những người đã có kinh nghiệm kinh doanh, tiếp thị lâu năm, có trình độ học vấn khá cao: thạc sĩ, tiến sĩ hoặc học từ nước ngoài về. Do vậy, từng bước hoạt động đều theo đúng bài bản.

Tại sao lại là bánh mì?

Bánh mì, món rất phổ biến và tại Việt Nam đã có cả trăm ngàn điểm bán bánh mì ngoài phố, trong chợ cùng những cửa hàng nổi tiếng lâu năm: bánh mì Ba Lẹ, Lan Huệ, Như Lan... Nhưng trên cơ sở cho rằng bánh mì nướng dòn rồi kẹp thịt, thêm hành, rau, đồ chua là cách ăn riêng của người Việt Nam, không ở đâu có.

Ông Trương Mạnh Thắng, giám đốc công ty Tâm Nam, chủ chuỗi bánh mì Ta cho biết: “Theo kết quả khảo sát nhóm (Focus group) và quan sát thị trường của cá nhân, tôi thấy rõ xu hướng người tiêu dùng thích ăn bánh mì và có nhu cầu ăn uống nhanh gọn sẽ ngày càng tăng.

Kết quả khảo sát khoảng 500 người tiêu dùng của tiến sĩ Lê Đăng Minh, giám đốc công ty Minh và Huynh đệ, thực hiện nhằm thăm dò khả năng thành công trước khi mở cửa hàng bánh mì B4 cho thấy: có đến 71,6% người chọn bánh mì là món ưu tiên hàng đầu vào mỗi buổi sáng, so với món xôi 26,6%. Những người thường xuyên ăn bánh mì với mức độ khoảng 1-2 lần/tuần chiếm gần 60%.

Ông Phan Văn Thuần, quản lý dự án bánh mì Vua của công ty Hùng Phương (chuyên doanh sản phẩm và thiết bị y tế đã 20 năm) nhận xét: “Chúng tôi mở cửa hàng với mục tiêu trả món bánh mì về đúng chỗ của nó là bữa ăn nhanh, tiện gọn và nâng cấp lên cao hơn - là khách có thể mua ở nơi sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm kỹ lưỡng”.

Nếu tính chi phí đầu tư cho cửa hàng bánh mì theo kiểu mua mang về khoảng 100 - 300 triệu đồng và cửa hàng ăn nhanh tại chỗ khoảng 2 tỉ đồng, các nhà đầu tư vẫn chưa có lời vì sản lượng bán ra trên dưới 1.000 ổ/ngày. Nhưng họ hy vọng, người tiêu dùng sẽ chuộng và cửa hàng bánh mì kiểu Việt này có thể cạnh tranh tốt với những kiểu cửa hàng thức ăn nhanh kiểu Singapore, Đài Loan hay Hàn Quốc.

Ý kiến

Chuyên viên ẩm thực - thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo: Người nước ngoài coi bánh mì kẹp nhân là món mang nét đặc trưng của Việt Nam. Còn với người Việt Nam, bánh mì là món ăn sáng, ăn nhanh buổi trưa hoặc tối khá phổ biến của sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng...

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi: Fastfood là xu thế phát triển của xã hội hiện đại dù nó luôn đi kèm với các cảnh báo về cholesterol, khả năng gây bệnh béo phì... Nhưng bánh mì kẹp nhân của Việt Nam có khả năng hạn chế các nguy cơ này khá tốt nếu khi chế biến không dùng nhiều thịt đỏ (thịt bò), giảm bớt dầu mỡ, bơ (trong các sốt béo), tăng cường rau, đồ chua và nhất là thức uống trái cây.

Theo Bích Thủy
Sài gòn Tiếp thị