1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bangladesh thành quốc gia Nam Á đầu tiên cho phép sử dụng thực phẩm biến đổi gen

Ủy Ban An Toàn Sinh Học Quốc Gia Bangladesh đã chính thức cho phép trồng cây trồng thực phẩm biến đổi gen đầu tiên đó là cây cà tím có gen kháng sâu bệnh. Quyết định này đưa Bangladesh thành quốc gia đầu tiên ở Nam Á cho phép sử dụng thực phẩm biến đổi gen.

Ủy Ban An Toàn Sinh Học Quốc Gia Bangladesh (NCB) đã chính thức cho phép trồng cây trồng thực phẩm biến đổi gen đầu tiên đó là cây cà tím có gen kháng sâu bệnh.

Bangladesh thành quốc gia Nam Á đầu tiên cho phép sử dụng thực phẩm biến đổi gen
Quyết định này đã đưa Bangladesh thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Nam Á cho phép sử dụng thực phẩm biến đổi gen (GM), một bước tiến mới trong quá trình ứng dụng cây trồng công nghệ cao tại khu vực.

Cũng với quyết định này, Bangladesh đã trở thành quốc gia thứ 29 trên thế giới trồng cây trồng GM. Ở khu vực Nam Á, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar đã trồng cây bông GM, đây là cây công nghiệp.

Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh (Bari) đã sử dụng công nghệ gen để tạo ra cây cà tím, một loại rau quả được tiêu thụ nhiều nhất ở quốc gia này. Họ đã cấy vào cây trồng này gen có chứa protein tinh thể (Cry1Ac) được tách từ một loại vi khuẩn từ đất có tên Bacillus thuringiensis, được viết tắt là Bt. Do vậy cây trồng này được gọi là cà tím Bt.

Việc cấy gen Bt vào cây cà tím giúp cây trồng này kháng lại sâu đục thân trên trồi cây và quả (FSB), một loại sâu bệnh phổ biến và có sức tàn phá lớn nhất ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Dịch bệnh do FSB gây ra làm thiệt hại tới 50-70% mùa vụ cà hàng năm.

Theo các lãnh đạo của NCB, 4 giống cà tím Bt gồm Bt Brinjal-1 (Uttara), Bt Brinjal-2 (Kajla), Bt Brinjal-3 (Nayantara), and Bt Brinjal-4 (Iswardi local) sẽ được trồng trên diện hẹp tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sản xuất và các quy định về an toàn sinh học.

Giống Uttara sẽ được trồng ở vùng Rajshahi, Kajla ở Barisal, Nayantara ở 2 vùng Rangpur và Dhaka, còn Iswardi Local sẽ được trồng ở 2 vùng Pabna và Chittagong.

Mặc dù đây là lần đầu tiên quốc gia này cho phép trồng cây trồng GM, người tiêu dung Bangladesh đã tiếp xúc với thực phẩm GM trong một thời gian dài khi tiêu thụ dầu đậu nành GM nhập khẩu.

Quyết định trồng cây cà GM của Bangladesh được đưa ra trong bối cảnh một bộ phận của các nhóm hoạt động xanh đang kịch liệt phản đối cây trồng GM bởi họ cho rằng các loại cây trồng này có thể gây hại cho môi trường sinh thái và đem lại những nguy hại tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.

Ở khư vực Đông Nam Á, Phillipines là quốc gia đầu tiên ứng dụng cây trồng GM. Năm 1990, Ủy ban quốc gia về an toàn sinh học của Philippines đã đưa ra khung pháp lý áp dụng cho cây trồng.

Bắt đầu từ năm 1999, Chính phủ Phillipines đã phê duyệt khảo nghiệm hạn chế ngô biến đổi gen trên 600m2 và đã khẳng định được tính kháng của loại ngô này đối với sâu đục thân ngô châu Á, năng suất vượt trội hơn giống thường từ 60% và cao hơn 41% so với giống ngô lai. Đến năm 2001, Chính phủ Phillipines đã phê duyệt khảo nghiệm trên diện rộng về hiệu quả sinh học của ngô biến đổi gen tại những vùng trồng ngô chính ở đất nước này.

Sang những năm 2002-2003, một số công ty giống, cây trồng ở Phillipines đã bắt tay vào khảo nghiệm trên diện rộng giống ngô chuyển gen cho mục đích thương mại. Từ năm 2006 đến nay, diện tích ngô biến đổi gen tăng lên gần gấp đôi với 300.000ha.

Những trang trại trồng ngô biến đổi gen cho năng suất tăng 37%, dẫn đến tăng lợi nhuận khoảng 10.132 peso (4,5 triệu đồng)/ha; giảm khoảng 60% chi phí thuốc trừ sâu; tăng thu nhập khoảng 1.34 peso/kg.

Việt Nam bắt đầu nghiên cứu về công nghệ biến đổi gen năm 2001. Đến năm 2010, đã có 90 công trình nghiên cứu với tổng kinh phí lên tới 199 tỷ đồng. Hiện nay, nước ta đã và đang tiến hành khảo nghiệm 7 giống ngô biến đổi gen thuộc thế hệ F1 có khả năng chịu được thuốc trừ cỏ.

Ngày 17/6/2013, Bộ NN&PTNN đã ra quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống ngô biến đổi gen và đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép an toàn sinh học.

Hiện Bộ NN&PTNN đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư “Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi”. Đây được coi là một bước tiến mới trong quá trình áp dụng công nghệ sinh học ở nước ta, tạo hành lang pháp lý và là tín hiệu "đèn xanh" cho sự phát triển của cây trồng biến đổi gen trong tương lai.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc sớm áp dụng cây trồng GM ở Việt Nam, mà cụ thể là cây ngô GM và đậu tương GM sẽ là giải pháp tốt cho ngành chăn nuôi đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại và tiết kiệm chi phí hàng tỷ USD mỗi năm cho nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Việt Nam đã nhập khẩu ngô, đậu tương biến đổi gen làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi gần 10 năm qua.

PV