Bán vé máy bay điện tử: "Vấp" ở thuế!
Vietnam Airlines muốn triển khai bán vé điện tử để thuận tiện hơn cho khách hàng, là giải pháp tránh tụt hậu khi hội nhập kinh tế. Nhưng oái oăm thay, ngành thuế yêu cầu vé điện tử vẫn phải có phiếu thu thì khách hàng là doanh nghiệp mới được khấu trừ khi quyết toán thuế.
Mặc dù đã đưa ra mọi lý lẽ để thuyết phục, nhưng với ngành thuế, phương án có phiếu thu vẫn không thay đổi.
Bán vé điện tử lợi thì có lợi
Khi khách hàng đặt vé qua mạng và thanh toán, một hóa đơn sẽ xuất hiện trên hệ thống máy tính xác nhận chuyến đi. Sau đó, khách hàng sẽ nhận được một thông báo (kiểu email) xác nhận đã đặt chỗ. Hành khách có thể tự in ra thông báo này. Khi đến sân bay, hành khách tự mình làm thủ tục chuyến bay trên các thiết bị tự động (kiosk) cùng với giấy tờ tùy thân để nhân viên hàng không đối chiếu.
Vé điện tử là một phần trong đường lối tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách do Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) khởi xướng và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Theo IATA, chi phí phát hành một tấm vé bằng giấy tốn khoảng 10 USD, trong khi chỉ mất 1 USD cho vé điện tử.
Còn ở Việt Nam, theo ước tính ban đầu của các chuyên gia tư vấn, chi phí phát hành một vé điện tử sẽ vào khoảng 20 - 30 cent/khách và bằng 10% giá thành vé giấy. IATA hy vọng tới 2007, vé điện tử sẽ được sử dụng rộng rãi khắp thế giới, tiết kiệm cho ngành hàng không ít nhất 3 tỷ USD mỗi năm.
Với vé điện tử, chi phí sẽ giảm rất nhiều so với vé giấy và chi phí cho mỗi chuyến bay của hành khách theo đó cũng giảm theo. Vé điện tử không cần in, gửi, lưu trữ hay tốn chi phí tính toán, vì mọi thứ đã được tự động làm bằng máy. Những thứ phụ trợ như phong bì, bìa vé... cũng không cần thiết.
Nhưng khó qua khỏi cái “lý” của thuế
Bà Nguyễn Thị Hoà, Phó trưởng Ban Pháp chế chính sách, Tổng cục Thuế, lý giải: “Hiện tại mỗi năm Tổng cục Thuế phải quản lý 400 triệu hoá đơn, việc kiểm soát chứng từ, chống gian lận rất vất vả, khó khăn.
Vé điện tử cũng coi như một loại hoá đơn tự in. Trong điều kiện hiện nay, ngành thuế vẫn phải quản lý theo cách truyền thống, nghĩa là giao dịch vẫn cần phải có chứng từ khi quyết toán thuế.
Vấn đề ở chỗ việc quản lý hoá đơn của Việt Nam hoàn toàn khác với thế giới. Với các nước phát triển, hoá đơn không là gì cả, nhưng với một số ít nước trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Philipines vẫn thực hiện quản lý hoá đơn chặt chẽ từ nhà in”.
Ngành thuế lâu nay vẫn thực hiện thu dựa vào chứng từ trên giấy, cho nên triển khai thương mại điện tử khó khăn là lẽ đương nhiên. Nếu thực hiện bán vé điện tử, nghía là doanh nghiệp khách hàng sẽ không có cuống vé để khấu trừ khi quyết toán thuế. Còn ngành thuế thì muốn Vietnam Airlines sử dụng một mẫu giấy tờ “truyền thống”, ít ra là phải có phiếu thu làm cơ sở quyết toán thuế.
Các quy định cụ thể sẽ có trong thông tư mà Bộ Tài chính sẽ ban hành sắp tới. Nhưng chờ thông tư thì không chỉ Vietnam Airlines mà cả các doanh nghiệp khác muốn áp dụng cũng phải... chờ.
Về phía Vietnam Airlines, đại diện của hãng cho biết: Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thông tin dữ liệu để ngành thuế có thể kiểm tra bất cứ khi nào. Nếu theo dữ liệu gốc mà không có tên người mua thì chứng tỏ người mua khai sai. Không khó khăn để tra ra việc này.
Tuy nhiên, ngành thuế vẫn khẳng định; dù chấp nhận vé điện tử là chứng từ, nhưng để người mua có chứng từ để khấu trừ thuế, ngành thuế dự kiến phát hành phiếu thu. Và đó được coi là sự chia sẻ với Vietnam Airlines để hội nhập và giảm chi phí.
Doanh nghiệp nỗ lực thôi chưa đủ
Hiện đã có Luật Thương mại điện tử, được coi là nền móng cho các doanh nghiệp thực hiện buôn bán qua mạng. Tuy nhiên, việc “bán vé điện tử phải kèm theo phiếu thu” như của Vietnam Airlines khiến nhiều doanh nghiệp thấy rõ khó khăn của việc ứng dụng.
Hiện tại, nhiều website thương mại của doanh nghiệp Việt Nam đã nở rộ, phát triển nhanh về số lượng nhưng chưa thấy doanh nghiệp bán được hàng trực tuyến, các ngân hàng và đại lý bán hàng chưa kết nối được với nhau. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã nắm được xu hướng, có tham vọng phát triển các cổng thanh toán điện tử, đẩy mạnh giao dịch qua mạng.
Tuy nhiên, kết quả thực tế chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của doanh nghiệp thôi chưa đủ. Bởi thực tế sức ép hội nhập buộc Vietnam Airlines phải chuyển đổi phương thức bán vé. Không bán vé điện tử là thua đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn chưa sẵn sàng trong khi doanh nghiệp đang phải gồng mình cạnh tranh khi mở cửa.
Theo Th.Dương
Báo KTĐT