Bàn về Đạo kinh doanh của người Việt
(Dân trí) - Đó là nội dung buổi hội thảo quốc gia đầu tiên về “Văn hóa kinh doanh” với sự tham gia của hơn 40 nhân sĩ trí thức và hơn 200 doanh nhân tiêu biểu được tổ chức tại TPHCM sáng nay 28/7.
Phát biểu tại hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Đạo kinh doanh của người Việt” là một khái niệm mới do thế hệ chúng ta đặt ra. Tuy nhiên, khái niệm này lại liên hệ đến một khái niệm khác là “Đạo làm giàu” do cụ cử Lương Văn Can khởi xướng từ đầu thế kỷ trước”.
Ông Quốc khẳng định: Từ xưa người Việt rất khinh thường sự buôn bán, chính đó là nguyên cớ khiến nước nghèo và dân không theo kịp thiên hạ trong cuộc kinh thương. Trong thời đại ngày nay, việc làm giàu được cả xã hội cổ vũ, nhưng làm giàu vẫn phải giữ được Đạo kinh doanh. Đó chính là “năng lực hướng các hoạt động kinh doanh vào mục đích phục vụ con người”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội mang đến hội thảo câu hỏi: “Người Việt có Đạo kinh doanh không?”. Ông cho rằng: “Nói có thật không dễ, nhưng nói không thật không phải”.
Bởi theo ông, trên thực tế quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam chỉ mới được ghi nhận lại trong Hiến pháp năm 1992. Từ việc được ghi nhận cho đến được đảm bảo trong cuộc sống là một chặng đường dài. Chặng đường đó chúng ta đã đi khá xa nhưng có lẽ vẫn là đi chưa tới. Trong bối cảnh như vậy, tinh hoa kinh doanh của người Việt khó có đủ thời gian để tích tụ thành Đạo kinh doanh. Nó vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển.
Và điều quan trọng là, thế hệ chúng ta sẽ xây dựng Đạo kinh doanh ấy như thế nào? Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: “Xét về mục đích kinh doanh, có lẽ theo đuổi lợi nhuận là nội dung cốt lõi trong Đạo kinh doanh của người Việt. Tuy nhiên, từ một đất nước nghèo nàn và tụt hậu, làm giàu để chấn hưng đất nước cần coi là một phần của sứ mệnh kinh doanh”.
Các doanh nhân như ông Nguyễn Thành Long- TGĐ công ty Vàng bạc đá quý TPHCM, ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Thép Việt Group… thì bàn sâu về 4 chữ: Tín, Nghĩa, Lễ, Nhân trong Đạo kinh doanh mà người Việt đang có, đang xây dựng và cần hoàn thiện.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc công ty Truyền thông Mai Sen thì mang đến buổi hội thảo những gợi ý triển khai, chuyển tải tinh thần Đạo kinh doanh đến toàn xã hội. Ông đưa ra các ý tưởng như: Triển khai vào Đại học; Lập các tổ chức hỗ trợ văn hóa doanh nghiệp; Lập các giải thưởng tuyên dương các doanh nghiệp có Đạo kinh doanh; Nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác từ thiện và đóng thuế…
Đồng quan điểm với ông Hoàng, bà Nguyễn Bích Lan - Giám đốc công ty TNHH Nha khoa Lan Anh cho rằng: cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và xã hội, của tất cả các giới thì việc phổ biến Đạo kinh doanh đến mọi người mới hiệu quả được. Cần thay đổi nhận thức kinh doanh của toàn xã hội, từ việc làm giàu là vinh dự cho đến làm giàu chính đáng, và cuối cùng là làm giàu cho tổ quốc, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Còn nhà văn Nguyên Ngọc thì cho rằng: “Vấn đề đạo kinh doanh ngày nay không phải chỉ là cách sống và làm ăn, cũng không phải chỉ là vấn đề đạo đức cá nhân mà là vấn đề xã hội, vấn đề tiền đồ dân tộc”.
Kết thúc buổi hội thảo, mọi người đều đồng ý cái “lõi” của “thương đạo”, của văn hóa doanh nhân Việt Nam là: “Kinh doanh, nghĩa là dùng sản phẩm hay dịch vụ của mình như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.
Hội thảo do phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ hợp giáo dục PACE và NXB Trẻ cùng phối hợp tổ chức.
Tùng Nguyên