Bán đảo Crimea chuẩn bị tràn ngập công nhân Trung Quốc?
Sau khi bán đảo Crimea tuyên bố độc lập rồi sát nhập vào Nga, họ chịu sự trừng phạt nặng nề từ phương Tây, đặc biệt là phương diện kinh tế.
Ông Alexander Basov, người đứng đầu Phòng Thương mại Crimea cho biết Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng Crimea như dịch vụ bất động sản, kinh doanh cờ bạc và ngành công nghiệp giải trí, khách sạn..
"Họ quan tâm đến cơ sở hạ tầng như đường sá giao thông, dịch vụ nhà ở, họ cũng rất quan tâm đến MSW (hệ thống xử chất thải rắn đô thị). Họ coi trọng Crimea như một hành lang vận chuyển hàng hóa đến châu Âu vì khi dùng Crimea là địa điểm trung chuyển thì quãng đường sẽ giảm 1.200 cây số", ông Basov nói.
"Các công ty Trung Quốc cũng sẵn sàng đầu tư vào các ngành công nghiệp khách sạn, cờ bạc và nông nghiệp ở Crimea".
Người đứng đầu Phòng Thương mại Crimea bày tỏ tin tưởng rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ "vào Crimea ngay sau khi luật về đặc khu kinh tế được thông qua". Theo báo Nga, có thể trong tháng 10 hay 11 thì luật này sẽ thông qua.
Nga dự kiến sẽ ban hành luật coi Crimea và Sevastopol là đặc khu kinh tế với việc cắt giảm thuế để thu hút các nhà đầu tư. Hiện Crimea đã đưa đồng rúp của Nga vào sử dụng như một đơn vị tiền tệ chính thức.
Trong tháng 3, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đề xuất một chương trình phát triển sâu rộng để cải thiện cuộc sống của Crimea, từ cải tạo hệ thống y tế và giáo dục của khu vực để thúc đẩy nền kinh tế vốn ốm yếu của khu vực này.
Tuy nhiên, khi để Trung Quốc vào đầu tư thì nhiều khả năng Nga cũng phải chấp nhận chuyện công nhân Trung Quốc tràn ngập Crimea.
Sử dụng công nhân Trung Quốc là một trong những điều kiện mà Trung Quốc đưa ra khi đi đầu tư tại nước ngoài nên họ cũng khó dành sự ngoại lệ cho Nga.
Ông Mikhail Blinkin, Viện trưởng viện Kinh tế và chính trị vận tải, cho biết lợi nhuận của các dự án vẫn chưa rõ ràng, do đó, Trung Quốc có thể là chủ yếu quan tâm đến việc củng cố vị trí của họ trong khu vực.
Ông Blinkin cũng cho rằng vào thời điểm này, Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng cầu đường với một lực lượng lao động giá rẻ, nhưng người Trung Quốc không có bất kỳ công nghệ xây dựng mới.
"Thông thường người Trung Quốc hay dùng công nghệ và nguồn lực lao động của riêng họ, vì vậy sẽ khó khăn cho các công ty Nga nếu muốn hợp tác với công ty Trung Quốc", ông Blinkin chia sẻ.
Một Thế Giới