TP.HCM:
Bầm dập mua căn hộ chung cư
Từ lúc ký hợp đồng mua căn hộ đến khi nhận nhà là một hành trình gian nan của nhiều khách hàng. Chờ đợi mỏi mòn, thậm chí lâm vào nợ nần, kiện tụng… là tình cảnh mà nhiều người đã gặp phải.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Bảy năm chưa giao nhà
Đầu năm 2012, chị Yến ký hợp đồng mua căn hộ 49 m2 ở tầng 6 với giá 610 triệu đồng. “Chủ đầu tư cam kết cuối năm 2012 giao căn hộ nhưng đến nay đã trễ hẹn 16 tháng mà nhà vẫn chưa đến tay khách hàng, trong khi tôi phải trả lãi vay ngân hàng (NH) gần 8 triệu/tháng” - chị lo lắng.
Là một trong những khách hàng tìm đến dự án này sớm nhất, ông Trương Chí Kiên (ngụ quận Thủ Đức) cho biết: “Cuối năm 2007, tôi ký hợp đồng mua căn hộ 72 m2 với tổng số tiền 72.000 USD - lúc đó công ty tính giá nhà bằng USD. Họ cam kết cuối năm 2009 giao nhà nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì” - ông bức xúc.
Không chỉ chậm bàn giao căn hộ, dự án Richland Emerald Tower (RET) cao 28 tầng, tọa lạc tại 116-117-118 Bãi Sậy, phường 1, quận 6, TP.HCM còn khiến 68 khách hàng như ngồi trên đống lửa. Nguyên nhân là vì một NH cho chủ đầu tư vay vốn vừa đăng báo “phát mãi công trình” vào tháng 2/2014.
Ông Đổng Tấn Đạt (ngụ phường 1, quận 6) cho biết ngày 18/9/2009, ông ký hợp đồng mua căn hộ rộng 111,3 m2, trị giá 2,9 tỉ đồng với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Nhật Quang. Ông đưa trước 60% (1,6 tỉ đồng), phần còn lại sẽ đóng khi căn hộ bắt đầu hoàn thiện. Theo hợp đồng, dự kiến ngày 1/11/2010, chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho ông Đạt.
Chưa hết lo lắng vì tiến độ dự án RET quá chậm thì cuối năm 2012, khách hàng bỗng nhận được thông báo đề nghị đến gặp chủ đầu tư. Tại buổi gặp gỡ bất thường này, ai cũng ngỡ ngàng vì sự xuất hiện của chủ đầu tư mới - Công ty VietRemark, trong khi chủ đầu tư cũ thì lặng lẽ “biến mất”.
Theo ông Đạt, VietRemark công bố họ đã mua lại dự án RET và sẽ tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, sau đó, khách hàng chỉ gặp chủ đầu tư mới một lần, mọi thắc mắc của họ đều không có hồi âm. “Chúng tôi đã nhiều lần đến tận Công ty VietRemark (trụ sở trên đường Trần Bình Trọng, quận 5) nhưng nhân viên cứ nói lãnh đạo đi vắng rồi hứa sẽ chuyển ý kiến của khách hàng đến ban giám đốc. Không biết chúng tôi phải gõ cửa ở đâu để tìm câu trả lời?” - một khách hàng bất an.
Bày tỏ sự lo lắng cho số phận của căn hộ đã mua, ông Đạt chua chát: “Tôi đã thanh toán 1,6 tỉ đồng theo đúng tiến độ hợp đồng. Riêng tiền lãi vay NH, hiện tôi đã trả gần 200 triệu đồng. Nếu công trình bị phát mãi, ai sẽ bảo vệ chúng tôi trong khi khách hàng nào cũng đã đóng vài tỉ đồng?”.
Diện tích nở ra, tiện ích co lại!
Với khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ từ năm 2010 về trước, thời gian chậm giao nhà trung bình là 2-3 năm, có khi 3-5 năm. Song, đến khi may mắn nhận được căn hộ thì không ít khách hàng phải ngỡ ngàng vì “chủ đầu tư ký hợp đồng một đằng nhưng thực tế một nẻo”.
Theo ông Phạm Minh Cảnh - chủ căn hộ A3.2, Âu Cơ Tower, phường Tân Thành, quận Tân Phú - ông ký hợp đồng mua nhà với Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Công trình 557 vào tháng 9/2012. Theo hợp đồng, căn hộ rộng 70 m2 nhưng đến khi ông nhận nhà thì diện tích “nở” thành 74,1 m2. Với phần diện tích bỗng dưng tăng 4,1 m2 này, ông Cảnh phải đóng thêm cho chủ đầu tư gần 90 triệu đồng.
Hầu hết các căn hộ đều bị tăng diện tích từ 2-5 m2 so với hợp đồng và chủ đầu tư bắt buộc người mua phải đóng tiền phần tăng thêm này. “Lẽ ra, chủ đầu tư phải thông báo cho khách hàng ngay nếu diện tích căn hộ có sự điều chỉnh. Khi nhà mẫu hình thành, chúng tôi tham quan nhưng chủ đầu tư nín thinh. Xử sự kiểu này, khác nào đẩy người mua vào tình thế đã rồi?” - ông Cảnh bức xúc.
Trả lời khách hàng về phần tăng thêm, phía chủ đầu tư cho rằng theo phụ lục hợp đồng, diện tích sàn được tính từ tim tường chung và phủ bì bao ngoài của căn hộ chứ không phải là diện tích lọt lòng căn hộ. Song, giải đáp này không thuyết phục được cư dân. “Điều vô lý là dù chung một cột trụ theo phương thẳng đứng, chỉ khác lầu nhưng phần diện tích tăng thêm lại khác nhau. Đơn cử, nhà tôi A3.2 tăng 4,1 m2 nhưng căn A10.2 thì “dôi” 4,98 m2 và căn A16.2 lại là 4,5 m2. Chả lẽ cùng một cái cột nhưng đầu voi đuôi chuột?” - ông Cảnh ngờ vực.
Ngoài việc ấm ức vì phải móc tiền túi trả cho phần diện tích không được sử dụng, khách hàng còn băn khoăn: “Nếu nhà nước cấp giấy chủ quyền thì liệu phần diện tích phát sinh kia có được ghi vào giấy tờ?”.
Bên cạnh đó, khi rao bán căn hộ, chủ đầu tư nào cũng đều quảng cáo “những lời có cánh” về công trình của mình, như: đầy đủ tiện ích, có công viên, hồ bơi, hầm để xe, nhà cộng đồng phục vụ cư dân... Thế nhưng thực tế, phần diện tích chung này đã bị cắt xén, thậm chí “xẻ thịt” kinh doanh.
Đưa chúng tôi dạo một vòng Âu Cơ Tower, ông Nguyễn Văn Minh, chủ căn hộ A10.1, chỉ một khoảng sân nhỏ xíu trồng cỏ nằm phía sau tòa nhà kê vài chiếc ghế đá và hồ phun nước đã hư, cho biết đây là chỗ vui chơi của gần 1.000 cư dân cao ốc.
“Phần diện tích “tiện ích” này khác xa bản vẽ của dự án. Theo thiết kế, cao ốc có hồ bơi, trung tâm thương mại, nhà cộng đồng phục vụ cư dân. Nhà cộng đồng cũng có nhưng khi cao ốc đưa vào sử dụng, cư dân chỉ được vào đó 2 lần. Ngay cả khi hội họp, cư dân cũng phải ra vỉa hè” - ông Minh phản ánh.
Cao cấp: Chỉ là cái mác!
Nhiều chủ đầu tư còn thay đổi thiết bị vệ sinh, nội thất của căn hộ so với hợp đồng. Khi dọn vào ở, mọi việc đã rồi nên khách hàng chỉ biết than trời, còn chủ đầu tư thì cố tình làm ngơ. Bà Phùng Thị Phương Lan - ngụ căn hộ 1002, khu căn hộ cao cấp Quốc Cường, đường Trần Xuân Soạn, quận 7 - cho biết: “Rất nhiều cư dân ở đây từng kiện chủ đầu tư ra tòa vì sử dụng vật liệu xây dựng và nội thất không đúng với hợp đồng đã ký”.
Nhiều cư dân khu căn hộ cao cấp Quốc Cường tính toán: “Ở căn hộ cao cấp này, so với hợp đồng cam kết thì giá trị vật liệu thi công chỉ bằng 1/4. Nói là chung cư cao cấp cho oai nhưng vào ở mới biết, đó chỉ là cái mác!”. |
Theo Quý Hiền