1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bài toán với tham vọng 10 tỷ USD của ông chủ Hòa Bình

Việt Đức

(Dân trí) - Thừa nhận vấn đề lớn nhất khi muốn tiến ra thị trường nước ngoài đối với Hòa Bình là nguồn lực tài chính, song ông Lê Viết Hải vẫn tự tin nếu công ty đã quyết tâm thì sẽ tìm được lời giải.

Trong phiên họp đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa được tổ chức chiều 24/8, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải một lần nữa chia sẻ về định hướng phát triển ra thị trường nước ngoài với nhà đầu tư. Theo ông, đây là chiến lược sống còn giúp công ty có thể duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 năm tăng 5 lần như trong quá khứ.

Đã có kinh nghiệm M&A

Theo tờ trình đại hội cổ đông, Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 437.500 tỷ đồng (20 tỷ USD) và lợi nhuận 21.875 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) sau 10 năm nữa. Nếu đạt kế hoạch này, công ty sẽ dành 10% lợi nhuận để thưởng cho nhân viên. 

Dù vậy, tại phiên họp cổ đông cũng như phiên họp với đại diện các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư vào đầu tháng 8, ban lãnh đạo Hòa Bình nhận được nhiều câu hỏi chất vấn về khả năng thành công của việc mở rộng ra nước ngoài trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. 

Bài toán với tham vọng 10 tỷ USD của ông chủ Hòa Bình - 1

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Lê Viết Hải điều hành đại hội cổ đông ngày 24/8 (Ảnh: HBC).

Xoay quanh những nghi ngờ về kế hoạch vươn ra thế giới, Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải khẳng định với Dân trí rằng "lợi thế cạnh tranh của công ty rất lớn, không có vấn đề gì".

Theo ông Hải, công ty đã trải qua nhiều khó khăn, các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và hiện tại chồng chất lên nhau khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, vật liệu xây dựng trượt giá, tỷ giá biến động. Nhưng điều đó lại càng tạo động lực cho công ty quyết tâm thực hiện thành công chiến lược. 

"Chúng tôi đã từng mua lại một doanh nghiệp Nhà nước. Công ty tư nhân và Nhà nước khác nhau nhiều lắm, nhưng chúng tôi vẫn đẩy họ lên được. Nhà đầu tư hơi lo vì lần này ra nước ngoài nhưng Hòa Bình đã làm việc với các đối tác nước ngoài nhiều rồi không có vấn đề gì phải ngại. Nếu mình liên doanh liên kết với họ dưới dạng cổ đông thiểu số, mình không kiểm soát được. Còn chúng tôi xác định phải mua tỷ lệ cổ phần cao đủ chi phối, mình ra quyết định, họ phải theo mình", ông Hải cho hay.

Ông chủ Hòa Bình nhấn mạnh hiện nay nhiều công ty xây dựng nước ngoài đang rất khó khăn nên cũng không thể làm mình làm mẩy. Bản thân họ cũng cần nguồn lực của chính nhà thầu Việt Nam để tạo ra lợi thế cạnh tranh, tiếp tục tồn tại. 

Ông Hải kể lại trong chuyến công tác tại Australia vừa qua, trong 9 ngày, ông và cộng sự đã tham gia tới 32 cuộc họp với 37 đối tác, chưa kể các buổi tiếp xúc với chính quyền địa phương. "Họ rất thiếu nguồn lực sau dịch và cần chúng tôi. Thứ chúng tôi bổ sung cho họ không chỉ giúp họ duy trì hoạt động mà còn có thể giúp họ đổi mới, phát triển, cạnh tranh", Chủ tịch Hòa Bình chia sẻ với Dân trí.

Nói rõ hơn với cổ đông về lợi thế cạnh tranh, ông Hải khẳng định đã có giải pháp công nghệ cho các loại công trình để giảm giá thành. Theo ông, công ty không làm cả tòa nhà mang đi nhưng có thể hoàn thành 50-60% khối lượng công trình tại Việt Nam, xuất khẩu từng thành phần của tòa nhà. Nhờ vậy, chi phí xây dựng của công ty sẽ thấp hơn so với các đối thủ. 

Bài toán với tham vọng 10 tỷ USD của ông chủ Hòa Bình - 2

(Biểu đồ: Việt Đức).

Thiếu tiền thì phải xoay xở

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thứ công ty còn thiếu để thực hiện chiến lược vươn ra nước ngoài chính là tiền. Việc phát hành 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ chính là điều kiện cần thiết để công ty giải bài toán tài chính. 

Ông Hải cho biết một đối tác trong nước trước đó đã đề nghị đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào Hòa Bình. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp này cũng có những khó khăn nên quyết định hoãn việc đầu tư. 

Thay vào đó, Hòa Bình đã tìm được đối tác Sanei của Nhật Bản mua 5 triệu cổ phiếu với giá đầu tư 32.500 đồng/cổ phần. Bản thân ông Hải cho biết cũng đang tìm kiếm những nhà đầu tư nước ngoài mới trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước có nhiều khó khăn.

Theo ông Hải, mức giá phát hành cho Sanei được hai bên thống nhất trước khi giá cổ phiếu HBC đi xuống theo thị trường chung. Dù vậy, đối tác Nhật giữ chữ tín nên vẫn mua cổ phần với giá cũ. Sanei mong muốn Hòa Bình khi phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược sau sẽ đưa ra mức giá không quá chênh lệch với họ.

"Tình hình này hơi khó phát hành hơn trước vì thị trường tài chính không thuận lợi lắm. Nếu không phát hành cho cổ đông bên ngoài thì chúng tôi sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu để giải bài toán tài chính đó thôi. Tất cả những vấn đề mình đặt ra nếu chịu khó suy nghĩ đều sẽ có lời giải hết. Chúng tôi vẫn phải làm được chuyện đó", ông Hải khẳng định quyết tâm với