Bài toán khó cho Trung Quốc trong năm con Dê

Những ngày đầu năm Ất Mùi có lẽ là một trong những khoảng thời điểm căng thẳng nhất trong cuộc đời của Chu Tiểu Xuyên, thống đốc ngân hàng nhân dân Trung Quốc, khi ông này đang phải đối mặt với áp lực phải đưa ra một chính sách tiền tệ phù hợp với lộ trình phát triển trong tương lai của kinh tế Trung Quốc.

    Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên 

    Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

    * IMF và WB trước sức ép cần "thay máu" để giữ vị thế

    * Vì sao người Nhật thành công ở Việt Nam?

    * Trứ danh dê núi Ninh Bình...

    * Bài toán khó cho Trung Quốc trong năm con Dê

    * Những doanh nhân tuổi Mùi nổi tiếng thế giới

    * 'Gieo quẻ' sự nghiệp và tiền bạc năm Ất Mùi

    Không căng thẳng sao được khi giới phân tích đánh giá đó đang là bài toán phức tạp và khó giải nhất ở thời điểm hiện tại của nền kinh tế trên toàn cầu. Phải đối mặt với áp lực điều tiết và chỉ huy chính sách tỷ giá và tiền tệ của cường quốc kinh tế số hai thế giới, nhưng quyền hành mà ngân hàng nhân dân Trung Quốc của Chu Tiểu Xuyên nắm trong tay có lẽ chưa bằng phân nửa so với quyền hành mà nước Mỹ trao cho FED.

    Quả thực, so với FED, ngân hàng nhân dân Trung Quốc đang phải chịu quá nhiều sự thiệt thòi. Trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ được phép ban hành chính sách tỷ giá và tiền tệ một cách độc lập với chính quyền để đảm bảo hiệu quả lớn nhất cho việc phát triển kinh tế Mỹ, thì ngân hàng nhân dân Trung Quốc của Chu lại phải gánh chịu quá nhiều áp lực và kiểm soát từ phía chính phủ. 
     
    Nó không có được sự độc lập trong việc ban hành chính sách tiền tệ như FED đã đành, mà nhiều khi còn phải đưa ra những quyết định kinh tế tài chính chỉ vì các yêu cầu chẳng dính dáng đến kinh tế chút nào, như các mục tiêu chính trị là một ví dụ điển hình. Việc hoạch định trước tốc độ tăng trưởng hàng năm đã trở thành một thông lệ ở Trung Quốc, và khi cần thiết chính phủ có thể ép bộ máy tài chính của mình ban hành các quy định để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, bất kể nó có thể không ảnh hưởng tốt đến kinh tế chung ra sao.
     
    Sự chồng chéo này đang khiến Chu Tiểu Xuyên đứng trước một trong những áp lực lớn nhất kể từ ngày lên nhậm chức thống đốc. Đó cũng đang là bài toán phát triển mà cả Trung Quốc đang phải đối mặt. Một mặt, Trung Quốc cần một chính sách tỷ giá thấp để tăng cường xuất khẩu như những gì Nhật Bản và EU đang làm. 
     
    Mặt khác, Trung Quốc cần một đồng Nhân dân tệ mạnh để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài và chặn đứng dòng thoái vốn đầu tư đang ngày càng gia tăng. Việc thoái vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đang nghiêm trọng đến mức các chuyên gia đã cảnh báo Bắc Kinh về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này giống như những gì đã xảy ra ở Đông Nam Á năm 1997-1998. 
     
    Khi đó, việc rút vốn đầu tư nước ngoài cũng diễn ra ồ ạt ở Thái Lan, Indonesia và hàng loạt các nước khác vì sự sụt giá của đồng nội tệ, điều này đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt đổi đồng nội tệ sang đồng USD và mang về nước dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn nền kinh tế ở các nước nói trên.
     
    Một thói quen thường thấy là mỗi khi nền kinh tế gặp trục trặc, người ta thường đổ lỗi cho hệ thống tài chính, mà ở đây là ngân hàng nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên nếu xem xét lại vấn đề một cách kỹ càng, có vẻ như sự buộc tội đó đang khá oan uổng với Chu Tiểu Xuyên. Trên thực tế nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn như nợ công, thâm hụt tài chính và phân bổ đầu tư thiếu hiệu quả, trong khi đó quyền lực của ngân hàng nhân dân Trung Quốc đang cực kỳ hạn chế so với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới để giải quyết tình hình. 
     
    Ở các nước khác như Mỹ hay EU, người chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định kinh tế tài chính là thống đốc ngân hàng trung ương, còn ở Trung Quốc thống đốc chỉ đơn giản là người thừa hành, việc đưa ra các xu hướng và chiến lược phát triển kinh tế là chính phủ.
     
    Việc ngân hàng trung ương chỉ là người thừa hành ở Trung Quốc có vẻ ổn thỏa khi nước này phát triển mạnh trong thời gian qua, nhưng thực tế đã mang lại quá nhiều vấn đề. Thiếu đi sự kiểm soát từ phía ngân hàng trung ương, các địa phương đã tha hồ vay vốn một cách tràn lan để phát triển ở địa phương mình, dẫn đến khối nợ công khổng lồ đang ngày càng phình to ở Trung Quốc mà Bắc Kinh đang vội vàng tìm cách kiểm soát.
     
    Đó là chưa kể hệ thống tài chính ở các địa phương đã ở trong một tình trạng mà ngân hàng trung ương không thể kiểm soát ở thời điểm hiện tại. Một sự cố gắng kiểm soát có thể dẫn đến việc đứt mạch máu tài chính ở các địa phương, dẫn đến khủng hoảng kinh tế cục bộ ở các thành phố thuộc các địa phương đó.
     
    Vấn đề xử lý một hiểm họa hàng đầu khác của kinh tế Trung Quốc là bong bóng tín dụng cũng đang vượt ngoài khả năng của ngân hàng trung ương nước này. Theo ước tính, từ năm 2007 đến năm 2014 bong bóng tín dụng của Trung Quốc đã tăng đến con số 20 ngàn tỷ USD, gấp 5 lần tổng dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh. Việc hợp nhất việc quản lý kinh tế vào với quản lý chính trị và hành chính được coi là công thức thành công của Trung Quốc trong phép màu kéo dài ba thập kỷ qua, và có chuyên gia còn cho rằng các nước đang phát triển khác như Ấn Độ cần học tập mô hình này của Trung Quốc.
     
    Nhưng thực tế đến giờ cho thấy nó đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và dễ dẫn đến tình trạng lâm vào ngõ cụt. Một nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng có thể sẽ đem lại một hiệu quả tuyệt vời khi kết hợp chính trị và kinh tế trong quá trình phát triển, nhưng không phải lúc nào các nhà chính trị cũng có đủ năng lực để đưa ra giải pháp tốt nhất để phát triển kinh tế, thay vào đó họ thường có xu hướng sử dụng kinh tế vào các mục đích chính trị.
     
    Các chuyên gia và giới phân tích đã đề cập từ lâu lời khuyên Trung Quốc nên có sự tách biệt giữa hệ thống chính trị và hệ thống tài chính để đảm bảo điều kiện tối ưu cho quá trình phát triển kinh tế. Trong số các nước phát triển hiện nay không có nước nào mà ngân hàng trung ương phải chịu sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chính phủ như Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. 
     
    Bảo thủ giữ nguyên cơ chế lạc hậu này có thể sẽ đem lại nhiều hệ quả khôn lường cho kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Và các nước đang phát triển, tốt nhất là không nên học theo Trung Quốc một cách rập khuôn và máy móc.
     
    Theo Nhàn Đàm 
    Một thế giới/Bloomberg

    Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”