Bài học Formosa và yếu tố “không khả thi” khi đánh giá tác động môi trường
(Dân trí) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà từng nhận định, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa là rất sơ sài mà một phần xuất phát từ quy định luật cần ĐTM ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư. Đây là điều không khả thi. Do đó, hiện đang có đề xuất sửa Điều 25 của Luật Bảo vệ Môi trường quy định về vấn đề này.
Phát biểu tại hội thảo về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 11/8, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã đưa ra những vấn đề pháp lý về đầu tư, kinh doanh, hệ quả và kiến nghị sửa đổi bổ sung đối với dự án luật này.
Theo đó, ông Hiển cho biết, trong quá trình hình thành dự án đầu tư, việc quy định thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang gặp những vướng mắc giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường.
Cụ thể, theo Luật Đầu tư, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư (NĐT) phải nộp quyết định phê duyệt ĐTM. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường lại quy định, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Do đó, NĐT phải thực hiện thủ tục xin quyết định phê duyệt ĐTM trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
Ông Hiển cho biết, trong thực tiễn thi hành, thủ tục quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường rất phức tạp và tốn kém. Nếu chưa nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư mà thực hiện thủ tục này sẽ rủi ro cho NĐT.
Mặt khác, thông tin đầu tư chưa đủ, độ chính xác chưa cao, do vậy, thủ tục quyết định phê duyệt ĐTM được các địa phương đề xuất thực hiện sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư.
Hơn nữa, sau khi có thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra cũng đã cho thấy rằng, việc lập ĐTM trước khi có quyết định chủ trương đầu tư sẽ rất sơ sài, không sát thực tế và có thể sẽ để xảy ra những hậu quả không lường trước.
Do đó, hiện nhóm nghiên cứu của CIEM/GIG đã đưa ra đề xuất trong dự án án luật cần sửa đổi Điểm a, Khoản 2, Điều 25 của Luật Bảo vệ Môi trường đó là cần thực hiện ĐTM sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư.
Tại hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã đề cập đến vấn đề này.
Ông Hà thừa nhận, ĐTM của dự án Formosa quá chung chung. Trong phần kiến nghị lên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ông Hà nêu có quá nhiều bất cập trong luật pháp về bảo vệ môi trường.
Luật quy định cần ĐTM ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư. Ông Hà cho rằng, như vậy không khả thi, như vụ Formosa vừa qua, “báo cáo ĐTM mang tính chất chung chung quá”.
“Đánh giá tác động môi trường hiện nay như hình thức để các doanh nghiệp được đầu tư. Cái này chúng tôi nhận thức sâu sắc nên đề nghị cho phép xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép xây dựng. Khi đó dự án mới có thiết kế cơ sở, mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm.
Mới đây, khi lật giở lại báo cáo ĐTM của Formosa, giới chuyên gia cho biết, ĐTM của dự án dày 285 trang, gồm 9 chương, thiết kế theo chuẩn của Thông tư 08/2006-BTNMT hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong nội dung của ĐTM, các yêu cầu về đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện, dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra, biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường lại vô cùng sơ sài, giản lược.
Trong đó, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2,5 trang. Mất 1,5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang ĐTM, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường. Cũng kông có một dòng nào về sự cố với môi trường biển, với đất, với không khí.
Theo đánh giá của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, ĐTM của dự án Formosa có chất lượng quá thấp, mang tính đối phó, như một thủ tục để được phê duyệt chứ không phải một báo cáo có tính khoa học thực sự. Nếu dựa trên ĐTM này để giám sát môi trường thì lộ rất nhiều lỗ hổng.
Tại hội thảo hôm nay, TS Nguyễn Đình Cung cũng đặt vấn đề về “cái gọi là chủ trương đầu tư”. Ông Cung đề nghị cần xem lại liệu có cần thiết tồn tại chủ trương đầu tư hay không.
“Nó là cái gì? Nó chả là cái gì nhưng rất quan trọng. Nó sơ sài nhưng lại mang tính chất quyết định”, ông Cung nhận xét.
Ông Cung dẫn chứng, ở địa phương khi Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý về chủ trương đầu tư dự án thì các thủ tục sau này đều mang tính hình thức, đi theo chủ trương mà lãnh đạo tỉnh đề ra, trong khi chủ trương thường có số liệu rất sơ sài, chủ quan, duy ý chí.
“Do đó, ta phải tính thêm là có cần thiết không giữ lại “chủ trương đầu tư” trong giai đoạn hình thành dự án hay không? Nếu giữ lại thì cũng không nên mang vai trò quyết định mọi thứ”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Bích Diệp