Thao túng giá chứng khoán:

Bài 2: Nhà đầu tư chân chất chỉ từ lỗ tới ... lỗ

Nếu tình hình thao túng giá chứng khoán không được ngăn chặn, về tổng thể, các nhà đầu tư chân chất chỉ có thể từ lỗ tới... lỗ, dù có lúc “lướt sóng” ăn theo các “tổ lái” có thể có lãi.

Điều nguy hiểm nhất trong việc thao túng thị trường chứng khoán là sự bắt tay của các nhóm nhà đầu tư có nguồn vốn lớn (VIP) với chính lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp nắm giữ lượng cổ phiếu lớn và với những cán bộ môi giới trong các công ty chứng khoán (CTCK) và cả của một số CTCK. Và nếu còn như vậy, các nhà đầu tư chân chất chỉ được phép từ lỗ tới... lỗ.
 
Bài 2: Nhà đầu tư chân chất chỉ từ lỗ tới ... lỗ  - 1
Thao túng giá thị trường chứng khoán khiến các nhà đầu tư chân chất lỗ nặng.

Cạnh tranh khốc liệt

Để chạy đua việc giành thị phần, vào thời điểm thị trường tăng mạnh, một số CTCK đã không ngần ngại sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách hỗ trợ khách hàng từ 700- 900% số tiền trong tài khoản của họ (bình thường chỉ hỗ trợ khoảng 90% đã là quá lớn). Điều này dẫn đến nhiều hậu quả: Đẩy giá trị giao dịch tăng ảo mà không phải là nguồn tiền thực; khi thị trường rơi vào tình trạng giảm điểm, các CTCK lúc này lại ép các nhà đầu tư phải giải chấp CK nhằm thu hồi tài sản, dẫn đến thị trường chứng khoán càng giảm sâu; để bảo toàn vốn của mình, một số CTCK đã tự ý phong toả tài sản của khách hàng gây tranh cãi kéo dài giữa nhà đầu tư với CTCK, ảnh hưởng tâm lý không nhỏ đến các nhà đầu tư.

Đặc biệt, thời gian qua rộ lên thông tin các giao dịch tự doanh của các CTCK bị lộ. Đây là những thông tin hết sức nhạy cảm, bởi phần lớn vốn của các Cty này được đầu tư vào đây và cũng là nguồn thu quan trọng của các CTCK.

Qua bản thống kê này, người ta có thể biết được CTCK đã bán, mua cổ cổ phiếu nào, mức giá bao nhiêu và vào ngày nào. Việc lộ những thông tin này sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho các CTCK.

Theo UBCKNN, để có những thông tin bí mật của CTCK chỉ có 3 nguồn: Một là Uỷ ban Chứng khoán, hai là trung tâm lưu ký và ba là sở giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, cũng theo UBCKNN thì không loại trừ trong quá trình truyền tin có thể bị hacker truy xuất thông tin. Vậy ai đã phát tán thông tin, để làm rõ được chúng chỉ cần đặt câu hỏi: Những thông tin này lộ ra sẽ đem lại lợi ích cho ai và liệu hacker có truy xuất thông tin mật cho vui?

Thậm chí, để cạnh tranh, không ít đối tượng đã mượn diễn đàn trên Internet bôi xấu nhau đủ cách như ông Chủ tịch HĐQT CTCK A bị bắt hoặc bị cấm xuất ngoại; CTCK B sắp bị phá sản... dù rằng mọi hoạt động của vị này và các đơn vị này vẫn diễn ra bình thường.

Làm “đẹp” báo cáo tài chính để... làm giá

Trong báo cáo cuối năm 2009 về hoạt động của các CTCK, cơ quan chức năng đã đánh giá: “Có khoảng 90% CTCK tìm cách sử dụng tiền của các nhà đầu tư”. Vào thời điểm đó các trung tâm lưu ký chỉ mới giám sát được tới tài khoản và cổ phiếu của các CTCK thành viên mà không giám sát tới tài khoản và cổ phiếu của cá nhân nhà đầu tư. Mà thông thường tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư trong các tài khoản không hề nhỏ (khoảng từ 50-70 tỉ đồng).

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, trung tâm lưu ký đã kiểm soát được tài khoản và cổ phiếu của các nhà đầu tư thì vẫn không ít những cán bộ làm môi giới vẫn sử dụng những đồng tiền trong tài khoản và cổ phiếu của khách hàng để đầu tư và cầm cố.

Hiện các cơ quan chức năng đã và vẫn đang điều tra không ít những đơn thư tố cáo về việc cán bộ môi giới “mượn” tài khoản của nhà đầu tư để cầm cố, kinh doanh. Câu chuyện chỉ bị bại lộ khi có trục trặc như lúc đặt mua cổ phiếu thì mới biết số tiền trong tài khoản của mình đã gần hết; bán cổ phiếu thì mới biết cổ phiếu của mình đã bị cầm cố...

Ngoài việc cạnh tranh nhau khá khốc liệt để tranh giành thị phần, thì những lúc cần thiết, những công ty này vẫn có thể bắt tay nhau để kiếm lời bất chính. Thông thường, các cổ phiếu được làm giá là những cổ phiếu có tổng giá trị giao dịch nhỏ, được các CTCK sở hữu phần lớn trong mục tự doanh của họ. Và chính các CTCK này hiệp thương với nhau hoặc với các khách hàng VIP của mình cùng tham gia hoạt động làm giá.

Ngoài ra, một số đối tượng môi giới của các CTCK chủ động đặt vấn đề với một Cty nào đấy để làm giá. Sau khi được sự nhất trí, họ mua vào một lượng lớn cổ phiếu của DN họ định làm giá.

Tiếp đó, nhóm đối tượng này làm “đẹp” báo cáo tài chính của doanh nghiệp, sau đó công ty sẽ đưa thông tin doanh nghiệp hoạt động tốt ra ngoài. Khi giá đã được “thổi” lên cao, họ bắt đầu xả hàng. Lúc họ xả xong thì cũng là lúc giá cổ phiếu này rớt thê thảm.

Nếu tình hình này không được ngăn chặn, về tổng thể, các nhà đầu tư chân chất chỉ có thể từ lỗ tới... lỗ, dù có lúc “lướt sóng” ăn theo các “tổ lái” có thể có lãi.

Theo Vương Hà