Bắc Ninh tăng cường sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới

Trường Thịnh Bá Đoàn

(Dân trí) - Sau hơn 10 năm phát động Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt được hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 100% các xã, 7/8 đơn vị cấp huyện đạt xây dựng nông thôn mới. Có được thành công đó, là sự vào cuộc mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thời gian gần đây bộ mặt nông thôn như thay da đổi thịt, đời sống người dân đang được nâng cao. Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Long Châu cho biết: Từ một xã nông nghiệp, đường xá đi lại khó khăn, các công trình văn hóa, trường học thiếu thốn. Đến nay, người dân tại Long Châu đều được hưởng các tiện ích. Để có kết quả đó, là thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã huy động nguồn kinh phí trên 96 tỷ đồng; trong đó nguồn lực từ nhân dân đóng góp trên 51 tỷ đồng, chiếm trên 53% tổng số kinh phí thực hiện. Trong số những phong trào nhân dân xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu là phong trào hiến đất.

Chia sẻ về chủ trương hiến đất, ông Nguyễn Đức Phượng, Bí thư chi bộ thôn Đại Chu, xã Long Châu cho biết: Xuất phát từ thực tế trên địa bàn thôn không có trường mầm non, các cháu nhỏ, con em công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp tại địa phương phải đi học nhờ ở những trường xa. Năm 2011, tập thể lãnh đạo thôn đã tổ chức cuộc họp bàn và đạt được sự thống nhất cao của nhân dân về chủ trương hiến 13.000 m2 đất để làm trường mầm non và các công trình công cộng.

Ông Nguyễn Bá Đầm, người dân thôn Đại Chu, xã Long Châu cho biết: Vào thời điểm đó, gia đình ông đang canh tác các loại hoa màu trên ruộng, tuy nhiên sau khi chính quyền địa phương thông báo chủ trương vận động người dân hiến đất, ông cùng các con cháu trong gia đình hiến trên 700 m2 đất và kiên quyết không nhận tiền đền bù hoa màu của chính quyền.

Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Bích, đảng viên thôn Chi Long, xã Long Châu đã tự nguyện đóng góp và vận động người dân trong xóm hiến hàng trăm mét vuông đất. Theo ông Bích, trước đây, tuyến đường chạy qua xóm ông rất nhỏ, đặc biệt có đoạn đường rộng 2 mét nên mọi hoạt động giao thông đều gặp khó khăn. Năm 2018, địa phương vận động các gia đình trong thôn có đoạn đường nhỏ hiến đất mở đường. Sau khi nắm được chủ trương, mặc dù gia đình đang kinh doanh nhà trọ nhưng ông cũng tự nguyện tháo dỡ 1 phòng trọ và hiến đất với chiều dài 14 mét và chiều rộng 2,5 mét.

Nói về quá trình phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới, ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết: Phong trào thi đua "Bắc Ninh xây dựng nông thôn mới", gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", giai đoạn 2016- 2020, các doanh nghiệp và nhân dân đã tự nguyện đóng góp trên 500 tỷ đồng, trên 18.000 ngày công và hiến trên 150 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình công cộng nông thôn…Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" do Trung ương phát động, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ", toàn tỉnh Bắc Ninh huy động được trên 200.000 ngày công lao động, trên 46 tỷ đồng đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, hiến trên 17.000 m2 đất làm đường giao thông, các công trình công cộng khác….

Bắc Ninh tăng cường sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới - 1
Đường nông thôn vào xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh để có kết quả trên, tỉnh Bắc Ninh đã huy động tối đa các nguồn lực. Tỉnh đã để lại toàn bộ tiền bán đấu giá đất cho các địa phương để xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đóng góp tiền, công trình; vận động nhân dân đóng góp tiền, đất đai, ngày công lao động; thu hút doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp.

Đối với nguồn vốn của nhân dân, doanh nghiệp đóng góp được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định, không áp đặt. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua Ban Phát triển thôn, Ban Giám sát cộng đồng, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các thôn, xóm....
Đến nay, Bắc Ninh có 94/94 xã đạt 100% số xã, 7/8 đơn vị cấp huyện (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang trong quá trình thẩm định) đạt xây dựng nông thôn mới. Nông thôn Bắc Ninh đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh không có nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Bắc Ninh đã hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 sớm hơn 24 tháng so với Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX (gia đoạn 2015- 2020) đề ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đó là sự hài hòa về phát triển nông thôn với phát triển đô thị. Cụ thể, đô thị hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, là thị trường lớn để tiêu thụ nông sản từ nông thôn; ngược lại, nông thôn chính là vành đai xanh, giúp đô thị giảm tải áp lực về gia tăng dân số cơ học và môi trường.

Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các công trình hạ tầng thiết yếu đảm bảo hiện đại, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao…

Để đạt được kết quả trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết tỉnh sẽ tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới, quán triệt tư tưởng "Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc".

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát các mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn. Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu…