Bạc Liêu: Để nuôi tôm siêu thâm canh cần có tiền tỷ đầu tư

(Dân trí) - Do nhu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn nên khi làm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần phải có tiềm lực về kinh tế để tránh những rủi ro.

Ngày 24/10, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị tổng kết các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và mô hình tôm - lúa bền vững trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (STC) trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ năm 2017. Qua kết quả nuôi của một số công ty, doanh nghiệp và hộ dân vừa qua cho thấy đây là mô hình ít chịu tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, các chỉ số môi trường ao nuôi được duy trì ổn định do áp dụng hệ thống tuần hoàn khép kín, hạn chế tiếp xúc nguồn nước bên ngoài trong quá trình nuôi.

Hiện tại, đây được xem là mô hình nuôi tôm lý tưởng tại địa phương bởi đã giải quyết được cơ bản những khó khăn tồn tại trong nghề nuôi tôm và đạt hiệu quả kinh tế cao, như: Giảm thiểu hiện tượng tôm chết sớm, tăng năng suất, giảm thiểu diện tích nuôi, thời gian nuôi ngắn,…

Ngành NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, thống kê hơn một năm thực hiện mô hình STC, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 13 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp và 324 hộ dân đã làm mô hình này, với diện tích hơn 1.840 ha (trong đó diện tích mặt nước nuôi trên 185 ha), với 1.575 ao/hồ nuôi (1.335 ao lót bạt và 240 hồ tròn).

Qua 2, 3 vụ nuôi cuối năm 2017 và năm 2018, các mô hình nuôi tôm STC nhìn chung tỷ lệ thành công cao so với nuôi thâm canh và bán thâm canh; năng suất, sản lượng đạt từ 37,5 tấn đến 64 tấn/ha mặt nước/vụ.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh này đang phấn đấu xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Trước mắt, tập trung xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch đến năm 2025 có từ 10 vùng nuôi trở lên, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh là 1 tỷ USD.

Bạc Liêu: Để nuôi tôm siêu thâm canh cần có tiền tỷ đầu tư - 1

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng đối mặt nhiều vấn đề nan giải. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm STC đang phải đối mặt với một số vấn đề khá nan giải đó là nguồn vốn và chất thải ra môi trường.

Theo ông Huỳnh Quốc Khởi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm STC đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn, giao động từ 1 tỷ đồng đến 1,6 tỷ đồng/ha.

Trong khi đó, đa số các hộ dân thực hiện mô hình này đều thiếu vốn nhưng số hộ đảm bảo thủ tục vay ngân hàng thì không nhiều. Thống kê cho thấy có trên 58% số hộ làm mô hình này phải vừa bằng vốn tự có và đi vay từ các ngan hàng thương mại, với mức vay chiếm 50% tổng số vốn đầu tư.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa đây là mô hình có lượng nước thải, chất thải rất lớn trong quá trình nuôi, nguy cơ làm ô nhiễm môi trường rất cao.

Qua thống kê, với diện tích hơn 185 ha mặt nước nuôi STC, độ sâu mực nước trung bình 1,2m, lượng nước cấp ban đầu cần trên 2,2 triệu m3. Nếu tính trung bình chỉ thay nước 20%/ngày thì tổng lượng nước thải, chất thải là hơn 444.500 m3/ngày, tương đương trên 40 triệu m3/vụ nuôi 3 tháng.

Trong khi đó, thực tế đến nay chưa có giải pháp nào thật sự hữu hiệu hoặc công nghệ xử lý nào hoàn thiện để nhân rộng, đa số các hộ nuôi tôm theo mô hình STC chưa thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc có xử lý nhưng chưa đạt chuẩn trước khi thải còn phổ biến,…

Bạc Liêu: Để nuôi tôm siêu thâm canh cần có tiền tỷ đầu tư - 2

Người dân thu hoạch tôm trong ao nuôi lót bạt. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, do nhu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn nên khi thực hiện mô hình nuôi tôm STC cần phải có tiềm lực về kinh tế để đầu tư các trang thiết bị phụ trợ, dụng cụ chuyên dùng đúng, đủ cho mô hình như máy phát điện, hệ thống quạt, hệ thống cống, các thiết bị kiểm soát môi trường,… để tránh những rủi ro.

Còn theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho các hộ dân nuôi tôm và các doanh nghiệp hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, rạch; các địa phương cần phối hợp thường xuyên với ngành chức năng kiểm tra để kịp thời xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm về môi trường.

Ngành TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm đối với mô hình nuôi tôm STC để địa phương áp dụng và có cơ sở kiểm tra tỷ lệ diện tích đất dành cho các hạng mục công trình như ao nuôi, ao xử lý nước thải, diện tích khu vực xử lý chất thải rắn...

Huỳnh Hải