Bộ Tài chính đề nghị địa phương cân nhắc trong đề xuất xây dựng trụ sở mới
(Dân trí) - Tại cuộc họp chiều nay (25/5) của Bộ Tài chính, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, tỉnh Hà Giang đã đề xuất xây trụ sở mới theo hình thức PPP. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính chỉ nêu ý kiến cho rằng, dự án cần được cân nhắc trong việc sử dụng đồng vốn.
Tại buổi họp báo chuyên đề về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương NSNN” chiều nay (25/5), đại diện Bộ Tài chính đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến đề xuất xây Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Hà Giang.
Theo đó, mới đây, tỉnh Hà Giang đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng trung tâm hành chính mới tập trung của tỉnh. Dự kiến, dự án xây Trung tâm hành chính tập trung có tổng vốn đầu tư hơn 692,9 tỷ đồng, trong đó lãi vay của tỉnh vào khoảng 127 tỷ đồng. Dự án được thiết kế gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng theo hình thức đầu tư xây dựng, chuyển giao và cho thuê dịch vụ (hợp đồng BLT).
Báo cáo lên Chính phủ, tỉnh Hà Giang khẳng định, thời gian trả cả gốc lẫn lãi của dự án là 11 năm. Thời gian doanh thu, thu hồi vốn và đảm bảo chỉ tiêu kinh tế khoảng 9 năm. Tổng số tiền chi phí đầu tư, thuê dịch vụ và trả lãi vay cho dự án xây trung tâm hành chính của tỉnh Hà Giang lên tới 1.021 tỷ đồng.
Về việc này, Văn phòng Chính phủ gửi các Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại buổi họp báo chuyên đề về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương NSNN” chiều 25/5, đại diện Bộ Tài chính cũng đã nhận được câu hỏi từ báo chí liên quan đến vấn đề này.
Nêu quan điểm của Bộ, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho biết tỉnh Hà Giang đã đề xuất xây trụ sở mới theo hình thức PPP. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, dự án cần được cân nhắc trong việc sử dụng đồng vốn.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản góp ý về đề xuất xây trụ sở của Hà Giang. Theo Bộ này, Hà Giang là tỉnh nghèo, khả năng cân đối nguồn lực hạn chế, đang có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nợ ứng lớn, đề nghị tỉnh nghiên cứu, rà soát lại tính cấp bách, sự cần thiết phải thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Hà Giang làm rõ cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án, mức giá thuê dịch vụ hằng năm, và cơ chế chi trả, hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Trong đề xuất xây trung tâm hành chính tập trung, tỉnh Hà Giang đề nghị sử dụng nguồn chi thường xuyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Việc này không phù hợp với quy định hiện hành.
Về đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư dự án từ nguồn ngân sách trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Giang được giao 8.896,5 tỷ đồng. Hiện tổng vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ, không còn nguồn bổ sung thêm cho tỉnh Hà Giang xây trụ sở.
Hiện Hà Giang vẫn được coi là địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 74.313 hộ nghèo, chiếm 43,65%, năm 2016 có 7.016 hộ thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 38,75% số hộ nghèo… Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), đến năm 2020, Hà Giang mới thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Nguyễn Mạnh