“Bà trùm” thuỷ sản với “ván bài” Trung Quốc; Đại gia Trịnh Văn Quyết thắng to

(Dân trí) - Cổ phiếu hai công ty của đại gia Trịnh Văn Quyết đã “đại náo” thị trường chứng khoán phiên hôm qua với thanh khoản cực “khủng” ở ROS và FLC. Trong khi đó, VHC của Vĩnh Hoàn hồi phục mạnh nhờ triển vọng lạc quan về thị trường Trung Quốc.

Bất ngờ với cổ phiếu của “bà trùm” thuỷ sản

Không nằm ngoài dự đoán, chỉ số VN-Index đã chịu áp lực tâm lý mạnh khi tiệm cận mốc 1.000 điểm và một lần nữa lại “lỡ hẹn”. Có 3 nhịp tăng mạnh trong phiên, đặc biệt là giao dịch buổi chiều, VN-Index tưởng đã chinh phục được ngưỡng 1.000 điểm, song ngay sau đó chỉ số lại quay đầu và kết phiên dừng sát đường tham chiếu.

Đóng cửa giao dịch ngày 28/10, VN-Index giảm nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,01% còn 996,48 điểm. HNX-Index dùng dằng đi ngang và đóng cửa tại 105,04 điểm, ghi nhận tăng 0,33 điểm tương ứng 0,31%.

“Bà trùm” thuỷ sản với “ván bài” Trung Quốc; Đại gia Trịnh Văn Quyết thắng to - 1

Ông Trịnh Văn Quyết (trái) - Chủ tịch FLC và bà Trương Thị Lệ Khanh (phải) - bà chủ Vĩnh Hoàn

Một trong những lý do khiến chỉ số trên thị trường không thể bứt phá nằm ở thanh khoản thấp. Sự thận trọng giải ngân của nhà đầu tư khiến thanh khoản toàn phiên trên HSX dừng tại mức 183,75 triệu cổ phiếu tương ứng 3.750,04 tỷ đồng và trên HNX là 22,12 triệu cổ phiếu tương ứng 235,16 tỷ đồng.

Trong phiên hôm qua, cổ phiếu VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn tăng mạnh 2.200 đồng tương ứng 2,78% lên 81.300 đồng. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này sau chuỗi hoạt động không mấy khả quan do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh quý III/2019.

Trong quý III năm nay, doanh nghiệp của nữ đại gia Trương Thị Lệ Khanh giảm mạnh 26% doanh thu thuần còn 1.882 tỷ đồng và theo đó khiến lợi nhuận gộp giảm tới 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 62% còn 286 tỷ đồng. Lãi trước thuế giảm 60% và lãi sau thuế giảm 58% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 283 tỷ đồng và 254 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, “bà trùm” ngành thuỷ sản giảm 13% doanh thu thuần còn 5.696 tỷ đồng. Lãi trước thuế giảm 11% còn 1.087 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 5% còn 981 tỷ đồng. Tồn kho tại ngày 30/9/2018 ở mức 1.779 tỷ đồng, tăng gần 30% so với đầu năm.

Tuy vậy, một số công ty chứng khoán vẫn đưa ra khuyến nghị mua đối với VHC với lập luận, kết quả kinh doanh sụt giảm của Vĩnh Hoàn trong năm 2019 đã được phản ánh vào thị giá cổ phiếu.  Chuyên gia phân tích từ ACBS đánh giá, chỉ số P/E của VHC năm 2020 là 5.9x và tin rằng đây là cơ hội và thời điểm hấp dẫn để mua vào cổ phiếu này.

Mặt khác, theo ACBS, sự giảm sút xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ chỉ là tạm thời và sẽ phục hồi vào năm 2020 khi lượng hàng tồn kho được các nhà nhập khẩu Mỹ tích lũy trong năm 2018 - 2019 giảm dần.

Nhu cầu nhập khẩu cá tra từ thị trường Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng và Vĩnh Hoàn dự phóng thị trường mới này có thể đóng góp lên đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. 

Do đó, ACBS tin rằng đà tăng trưởng doanh thu của Vĩnh Hoàn sẽ trở lại trong năm 2020, tăng 10,7% so với năm 2019, đạt 8.499,5 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm 2020 dự phóng tăng trưởng 9%, đạt 1.312,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu đại gia Trịnh Văn Quyết “đại náo” thị trường

Phiên này, cổ phiếu hai công ty của đại gia Trịnh Văn Quyết gây chú ý với thanh khoản “khủng”.

ROS được khớp lệnh tới 23,66 triệu cổ phiếu và dẫn dầu toàn thị trường về khối lượng giao dịch; còn FLC tăng trần khi khớp lệnh đạt 11,77 triệu cổ phiếu, cuối phiên vẫn dư mua giá trần hơn 11 triệu đơn vị, không hề có dư bán.

“Bà trùm” thuỷ sản với “ván bài” Trung Quốc; Đại gia Trịnh Văn Quyết thắng to - 2

Giới đầu tư giao dịch rất mạnh cổ phiếu ROS và FLC; cả hai mã này đều tăng giá phiên 28/10

Toàn thị trường ghi nhận có 305 mã giảm, 26 mã giảm sàn và 321 mã tăng, 39 mã tăng trần. Số lượng mà không xảy ra giao dịch nào vẫn lớn, với 854 mã, chủ yếu nằm ở sàn UPCoM.

Dù chỉ tăng nhẹ song với vốn hoá lớn, VIC vẫn đóng góp đáng kể nhất cho VN-Index, mang đến cho chỉ số 0,49 điểm. BID, HPG, SAB, GAS, PLX cũng nằm trong nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên thị trường. Ngược lại, diễn biến giảm tại VCB, VNM, NVL, HVN, VJC lại kìm hãm chỉ số và kéo chỉ số quay đầu.

HNX-Index phiên hôm qua sở dĩ tăng khá tốt nhờ diễn biến tích cực tại hai “ông lớn” SHB và ACB. Trong khi SHB đóng góp 0,22 điểm thì ACB đóng góp 0,16 điểm. Tác động của nhóm giảm giá lên chỉ số sàn Hà Nội không đáng kể.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán BVSC, vùng kháng cự 998-1004 điểm vẫn đang tạo ra lực cản đáng kể đối với xu thế tăng điểm của VN-Index trong ngắn hạn. Thị trường có thể sẽ kiểm định lại vùng cản này trong phiên kế tiếp.

Tuy nhiên, BVSC vẫn đưa ra lưu ý rằng, khi tiếp cận vùng kháng cự này, chỉ số có thể chịu áp lực điều chỉnh và lui về kiểm định vùng hỗ trợ 990-994 điểm trong những phiên sau đó.

Về tổng thể, BVSC vẫn giữ quan điểm tích cực về xu thế thị trường trong giai đoạn cuối năm với kỳ vọng thị trường sẽ sớm hình thành đủ xung lực để bứt phá thành công qua ngưỡng cản mạnh này. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu theo thông tin lợi nhuận cụ thể của từng doanh nghiệp.

Chiến lược đầu tư của BVSC là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 35-45% cổ phiếu. Nếu thị trường bứt phá thành công qua vùng kháng cự 1000-1005 điểm, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trong danh mục trong các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường.

Mai Chi