Ba nền kinh tế lớn nhất châu Á hợp lực chống khủng hoảng
(Dân trí) - Tại hội nghị diễn ra ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản), Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Hàn Quốc Li Myung Bak đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để giảm thiệt hại từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Lãnh đạo ba nước nói trong thông cáo chung rằng châu Á “sẽ đóng vai trò là trung tâm của tăng trưởng kinh tế thế giới nhằm đảo ngược khuynh hướng suy thoái của nền kinh tế”.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo gọi cuộc họp thượng đỉnh này là một “cột mốc”. Theo ông thì hợp tác giữa ba nước sẽ “có ý nghĩa quan trọng” đặc biệt khi khủng hoảng đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cũng nói: “Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ xảy ra một trăm năm một lần. Có các biện pháp phù hợp đúng lúc, chúng ta có thể giảm thiểu được ảnh hưởng của nó”.
Về lĩnh vực thương mại quốc tế, ba nhà lãnh đạo khẳng định lập trường phản đối chủ nghĩa bảo hộ, cam kết thực hiện các nỗ lực nhằm hoàn tất một cách toàn diện và cân bằng các cuộc đàm phán tự do thương mại toàn cầu trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha.
Bên cạnh đó, ba nhà lãnh đạo cũng kêu gọi sớm đạt được thỏa thuận nhằm tăng vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đồng thời cam kết không tạo ra các rào cản thương mại mới trong năm 2009 và ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy mạng lưới trao đổi tiền tệ trong khu vực.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm đến 76% nền kinh tế khu vực và hai phần ba tổng giao dịch thương mại Đông Á. Cả ba nước đều đã công bố kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian gần đây.
Hôm thứ Sáu (ngày 12/12), Chính phủ Nhật Bản đã tăng tổng số vốn cho kế hoạch cứu nền kinh tế thêm 255 tỉ USD. Hơn một nửa số này sẽ được dùng vào việc đem lại ổn định cho thị trường tài chính.
Tháng trước Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch thúc đẩy kinh tế trị giá 586 tỉ USD và hôm thứ Tư cũng cam kết tăng chi tiêu công cộng và giảm thuế.
Hàn Quốc mới đây cũng đã đưa ra cam kết trị giá 130 tỉ USD cho các khoản vay nước ngoài và thanh khoản của các ngân hàng.
Đức Cát (theo BBC, IHT)