Apple vào là điểm cộng cho Việt Nam, cần giúp họ ở lâu dài và có chiến lược

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Apple vào Việt Nam đã là điểm cộng rồi, chúng ta cần giúp họ ở lâu dài hơn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc Apple và một số công ty con của nước này được báo chí nước ngoài và trong nước đưa tin sẽ sản xuất một số sản phẩm, trong đó có iPod, iPad, Macbook, ông Toàn khẳng định: Hiện giờ vẫn chưa biết chính xác các doanh nghiệp của Apple sẽ làm gì ở Việt Nam.

Ông Toàn cho rằng, Foxconn đã có doanh nghiệp tại Bắc Giang với vốn 270 triệu USD, dự định sắp tới Apple cùng các công ty con sẽ đầu tư thêm nhà máy 1 tỷ USD tại Việt Nam. Dù có thông tin song đây vẫn là trong quá trình xúc tiến đầu tư, chưa có ký kết chính thức.

Apple vào là điểm cộng cho Việt Nam, cần giúp họ ở lâu dài và có chiến lược - 1

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Tuy nhiên, theo ông này, chỉ một việc là kéo được Apple về đã là thành công, là điểm cộng cho Việt Nam rồi. Chúng ta không nên quá lo lắng chuyện tập đoàn này sang Việt Nam để lắp ráp các sản phẩm mà không phải sản xuất, cũng đừng ngại sẽ gia tăng nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu bởi vì thế giới bây giờ đang phụ thuộc lẫn nhau, là chuỗi liên kết, sản xuất.

"Tôi nghe có thông tin, Apple đưa cả trung tâm nghiên cứu phát triển sang Việt Nam. Thậm chí họ còn chuyển cả nhà máy tại Đài Loan sang Việt Nam. Thông tin này dù chưa được xác thực song cho thấy Việt Nam cũng có nhiều cơ hội", ông Toàn nói.

Theo Phó Chủ tịch VAFIE: Ở Việt Nam quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các nước phát triển khá gian truân, đặc biệt là từ Mỹ rất hạn chế. Mỹ có thể vào Việt Nam qua các đường vòng khác nhau. Việc khuyến khích đầu tư của Mỹ vào Việt Nam là rất tốt, đặc biệt là khi chúng ta đang có mong muốn huy động nguồn vốn chất lượng cao, vốn từ các quốc gia phát triển.

Theo vị chuyên gia này, một điểm đáng chú ý là Việt Nam với EU vừa ký Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA, với hiệp định này cho phép các công ty EU như Đức, Pháp, Ý hay Hà Lan đầu tư vào Việt Nam, thậm chí vốn từ Mỹ cũng có thể đầu tư đường vòng qua các nước này hoặc qua các thiên đường thuế vào Việt Nam

Nếu thực sự các doanh nghiệp lớn của Mỹ chủ động trực tiếp hoặc thông qua các công ty khác như Foxconn vào Việt Nam, họ đã đánh cho Việt Nam một điểm cộng (+) về môi trường đầu tư rồi. Nếu họ chỉ đầu tư lắp ráp thôi thì Việt Nam cũng không sao bởi ngay cả một số tập đoàn lớn như Samsung với số vốn vài chục tỷ USD, ban đầu vào Việt Nam cũng chỉ lắp ráp, sau này mới có xây dựng các công ty thầu phụ ở Việt Nam (các vendor cấp 2, 3).

Ông Toàn cho rằng, điều quan trọng là các nhà đầu tư lớn như Apple dự định và cam kết làm gì, đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nào ở Việt Nam. Ví dụ họ có dự định chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam hay không? Nếu chuyển thì có chuyển nghiên cứu chế tạo sang hay không? Việc đáp ứng của Việt Nam cho nhà đầu tư lớn này trong thời gian tới ra sao để thôi thúc họ đưa vốn vào nhiều, mở rộng và làm lâu bền tại Việt Nam .v.v...

Phó Chủ tịch VAFIE cho rằng, có rất nhiều yếu tố đánh giá chất lượng nhà đầu tư, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, chính sách cũng như nhân lực của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế, nên không thể đòi hỏi quá nhiều từ nhà đầu tư lớn. Mọi chuyện đều phải đối xứng và cân bằng.

"Nhà đầu tư nước ngoài vào cũng phải thăm dò hiệu quả, chứ họ không thể một lúc sang hết được. Với nhà đầu tư từ các nước phát triển như Mỹ hoặc thầu phụ cho công ty Mỹ, họ đánh giá rất cao sự minh bạch, nên minh bạch là tiêu chí rất quan trọng để họ đầu tư và làm việc lâu dài ở quốc gia đó", chuyên gia Toàn nói.

Theo ông Toàn, hiện Việt Nam có lợi thế là nhân lực rẻ, cơ hội lợi nhuận cao do nền kinh tế mở nhưng điểm yếu của ta là sở hữu trí tuệ kém, tính minh bạch hạn chế, đặc biệt cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ, nhân lực bậc cao ít...

Trong khi đó, Việt Nam kiên quyết cải cách thể chế kinh tế, nâng chất thu hút FDI thông qua hàng loạt chính sách như Nghị quyết 50 về thu hút FDI, hay sửa đổi Luật Đầu tư, rồi Chính phủ cho lập Tổ công tác về thu hút FDI do Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu... Tuy nhiên, ở khi thực hiện, chúng ta vẫn cần phải cải thiện nhiều.

"Các chỉ số về sự minh bạch, chỉ số tiếp cận đất đai, tiếp nhận thông tin chính sách còn thấp, chi phí chính thức vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Tôi nghe nhiều doanh nghiệp nước ngoài than phiền, giá đất khu công nghiệp nhiều nơi sốt lên do có một số nhà đầu tư lớn vào. Đây là vấn đề gây khó khăn cho nhà đầu tư bởi khi họ tìm hiểu thì giá đất chỉ bằng 1/3, nhưng khi ký cam kết đầu tư, sau đó đất tăng lên gấp 3 - 4 lần, điều này khiến chúng ta mất niềm tin, nhà đầu tư ái ngại rủi ro pháp lý", ông Toàn nêu..

Ông này cho rằng, tại sao Ấn Độ, Indonesia chủ động chuẩn bị hàng nghìn ha dự án để đón lõng các đại bàng làm tổ, không chỉ thế họ còn chuẩn bị có chiều sâu về nhân lực, con người, xác định những ngành nghề trọng điểm có thế mạnh của đất nước để xây dựng nền giáo dục thực tế.

"Mời khách vào nhà phải có ghế cho họ ngồi, đấy là chưa nói đến chuyện phải làm đẹp mình lên về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cũng phải làm sao để họ thấy được đây là mảnh đất lành, cơ hội phát triển và điểm đến lý tưởng của nhiều thập niên sau nữa. Làm được điều này sẽ thiết thực hơn hàng chục, hàng trăm quảng cáo khác", ông Toàn nói.