Áp sàn giá vé: Hãy để hãng hàng không tự tính giá, tự quyết định số phận

Hoàng Dung

(Dân trí) - Một chuyên gia hàng không nhận định, tính giá là việc của các hãng hàng không, họ biết tính để làm sao có lợi nhuận. Vì vậy, Cục Hàng không không cần phải tính giúp.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo liên quan tới đề xuất áp giá sàn vé máy bay.  

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện các hãng hàng không đang chia làm hai nhóm. Nhóm đánh giá tác động tiêu cực gồm có Vietravel Airlines và Vietjet Air. Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Bamboo Airways thuộc nhóm đánh giá tác động tích cực. 

Áp sàn giá vé: Hãy để hãng hàng không tự tính giá, tự quyết định số phận - 1

Hãy để hãng hàng không tự tính giá, tự quyết định số phận (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Với mức giá tối thiểu được đề xuất, theo Cục Hàng không, sau khi cộng thêm thuế VAT và các khoản thu hộ, chi phí tối thiểu hành khách phải chi trả cho một vé một chiều chặng Hà Nội - TPHCM là 824.000 đồng. Cục Hàng không khẳng định áp sàn giá vé máy người tiêu dùng vẫn có cơ hội tiếp cận các mức giá phù hợp. Người có thu nhập hạn chế có thể cân đối lựa chọn các hình thức vận chuyển khác.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng việc áp sàn giá vé máy bay là không hợp lý, khiến cho nhu cầu đi lại, kích cầu du lịch bị triệt tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Áp giá sàn có thể kéo giảm 1 - 2% GDP

Đánh giá về vấn đề áp giá sàn vé máy bay, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, người dân và doanh nghiệp thực sự khó khăn nhưng nhu cầu đi lại vẫn là thiết yếu. Số người có thể đi giá vé thông thường không nhiều. Do đó, việc áp sàn giá vé đồng nghĩa với việc triệt tiêu vé máy bay giá rẻ, tức là triệt tiêu cơ hội đi máy bay của rất nhiều người.

"Đề xuất này sẽ gây cản trở việc kích cầu du lịch khi nền kinh tế mở cửa trở lại và cản trở này sẽ lan sang các ngành khách như nhà hàng, khách sạn, giải trí… Từ đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế. Không những thế, đề xuất này có thể kéo giảm 1 - 2% GDP", ông Trinh nhận định.

Nhờ có hàng không giá rẻ mà số lượng người đi máy bay tăng lên là nhận xét của chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống. Theo ông, trong những năm qua, rất nhiều người nghèo đã có cơ hội đi máy bay. Nếu áp sàn giá vé, việc đi máy bay với người thu nhập thấp, người nghèo sẽ trở thành điều xa xỉ.

"Áp dụng giá sàn là sai. Áp dụng giá sàn làm cho giá bình quân tăng lên, không có giá sàn thì giá bình quân thấp xuống. Áp dụng giá sàn là áp đặt biện pháp hành chính làm cho giá tăng lên", ông nói.

Theo ông Tống, áp giá sàn là tạo ra áp đặt tăng giá lên, đồng nghĩa với số lượng người đi máy bay giảm xuống.

Xét về mặt xã hội, đề xuất áp sàn giá vé máy bay thì không có lợi. Với ngành hàng không thì giảm số người tiêu dùng xuống, tai hại hơn nữa là ảnh hưởng đến ngành du lịch. Cho nên, "áp giá sàn chỉ có lợi cho Vietnam Airlines, còn hãng hàng không giá rẻ như VietJet Air thì bất lợi". 

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng: "Không có dịch Covid-19 không có giá sàn là phù hợp, có dịch Covid-19 không có giá sàn mới là phù hợp, còn áp giá sàn là sai lầm".

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa là không hợp lý. Làm như thế (áp giá sàn - PV) sẽ gây khó cho chính doanh nghiệp hàng không. Bởi nhiều khi doanh nghiệp muốn giảm giá vé nhưng không thể giảm được, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đang muốn kích cầu. Hơn nữa, người tiêu dùng sẽ bị thiệt khi áp sàn vé máy bay.

"Giả sử, doanh nghiệp muốn giảm giá vé xuống 0 đồng mà giờ phải áp dụng giá sàn tối thiểu như thế nghĩa là người tiêu dùng phải trả giá sàn đó. Do đó, việc này vừa làm khó cho doanh nghiệp, vừa làm khó, gây bất lợi cho người tiêu dùng", ông phân tích.

Tính giá là việc của các hãng hàng không

Trong báo cáo Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan tới đề xuất áp giá sàn vé máy bay, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - thừa nhận việc áp giá sàn có những bất cập, hạn chế.

Một trong những hạn chế của chính sách là chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng hàng không không cùng một mặt bằng gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho tất cả hãng hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ tính toán dựa trên so sánh tỷ lệ mức giá tối thiểu/mức giá tối đa với các quốc gia đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

Theo đó, mức giá đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam thấp hơn, chỉ bằng 20% giá tối đa. Trong khi đó, Indonesia đang áp mức giá tối thiểu bằng 35% mức tối đa, Ấn Độ từng áp mức 33 - 35%, Trung Quốc từng áp mức 44%.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam lý giải về cơ sở áp giá tối thiểu và cho rằng việc so sánh này chỉ mang tính chất tương đối do Cục Hàng không không có dữ liệu về phương pháp xây dựng khung giá của các quốc gia khác.

Lập luận về vấn đề trên, chuyên gia Bùi Trinh cho rằng, thông thường, khi đưa ra một quyết định gì cần có một nghiên cứu tiền khả thi, nghiêm túc, minh bạch và có trách nhiệm.

Trong nền kinh tế thị trường, giá cả của một sản phẩm (vật chất và dịch vụ) là sự giao nhau giữa cung và cầu. Dùng mệnh lệnh hành chính điều hành về giá cả, nhất là giá sàn, là không hay. Điều này làm triệt tiêu tính cạnh tranh, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh mang màu sắc của lợi ích nhóm.

Áp sàn giá vé: Hãy để hãng hàng không tự tính giá, tự quyết định số phận - 2

Chuyên gia cho rằng các hãng hàng không biết tính toán và họ biết tính làm sao để có lợi nhuận nên không cần ai tính giúp (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn). 

Còn chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nhận định, tính giá là việc của các hãng hàng không. Vậy câu hỏi đặt ra là các hãng hàng không biết tính không? Ông khẳng định là các hãng có biết tính và họ biết tính để làm sao có lợi nhuận nên Cục Hàng không không cần phải tính giúp.

"Cục Hàng không tính làm cái gì, Cục Hàng không không cần phải tính. Nếu tính, tại sao không tính trước. Bấy lâu nay không có giá sàn, cạnh tranh rất tốt, thị trường hàng không đang phát triển thì tính toán làm cái gì?", ông Tống nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường được phép cạnh tranh và đưa ra các loại giá hấp dẫn, miễn là không vi phạm pháp luật.

"Các doanh nghiệp hàng không có thể đưa ra loại vé máy bay giá rẻ, thậm chí là vé 0 đồng với số lượng nhất định. Thế nên, các cơ quan quản lý không nên can thiệp vào việc kinh doanh của doanh nghiệp, bởi lỗ hay lãi doanh nghiệp đều phải tự chịu", ông nói.

Theo ông Thịnh, ở Việt Nam, có một số doanh nghiệp đang chiếm thị trường hàng không với tỷ lệ lớn. Vì thế, việc quy định giá trần là hợp lý, còn việc áp giá sàn là không nên.

Ngoài ra, ông phân tích, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay sẽ có nhóm doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất chính là "các hãng hàng không có thị phần lớn, có tình hình kinh doanh khó khăn thì họ mới đưa ra cái khống chế giá sàn, từ đó buộc các hãng hàng không giá rẻ nâng giá lên".

Hiện nay, thị trường hàng không tại Việt Nam có 6 hãng hoạt động gồm Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines, Bamboo Airways, VASCO, Vietravel Airlines. Giai đoạn chưa bùng phát dịch Covid-19 và việc bay thương mại còn thông suốt, không ít hãng cũng thường đưa chương trình khuyến mại, vé giá rẻ, vé 0 đồng cho hành khách... 

Theo dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mà Cục Hàng không vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị thông qua, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/chiều/hành khách, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.