Áp lực lạm phát giảm, lãi suất năm 2019 có nhiều yếu tố thuận lợi?

(Dân trí) - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) dự báo, năm 2019, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều và đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.

Áp lực lạm phát giảm, lãi suất năm 2019 có nhiều yếu tố thuận lợi? - Ảnh 1.

Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 16,6%. (Ảnh minh hoạ).

Báo cáo về thị trường tài chính Việt Nam năm 2018 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) thực hiện cho thấy, thanh khoản của hệ thống TCTD vẫn được đảm bảo mặc dù kém dồi dào hơn vào cuối năm. Nguồn vốn huy động toàn hệ thống ước tăng tương đương năm 2017.

Trong nửa đầu năm 2018, thanh khoản hệ thống TCTD khá dồi dào do được hỗ trợ từ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2018, thanh khoản kém dồi dào hơn chủ yếu do áp lực từ phía tỷ giá và nhu cầu về vốn cuối năm tăng cao. Lãi suất qua đêm VND tăng từ mức bình quân khoảng 1,53% trong đầu năm lên khoảng 3% trong nửa cuối năm 2018.

Lãi suất trên thị trường tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế và cá nhân tăng. Trong đó, lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm. Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91% (năm 2017: 8,86%).

"Lãi suất có xu hướng tăng chủ yếu do kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động và các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong năm 2019 như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% và chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel II", NFSC cho hay.

NFSC dự báo, năm 2019, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều và đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.

Theo báo cáo của NFSC, năm 2018, tổng tài sản hệ thống TCTD tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017. Trong đó, tổng tín dụng ước tăng khoảng 14-15% (năm 2017 tăng 17,6%). Mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm gần đây, nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đáng lưu ý, theo các TCTD báo cáo, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 16,6% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống chiếm 18,8% tổng dư nợ của hệ thống TCTD.

Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017: 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%).

Giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác.

Một số NHTM đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, hệ thống TCTD xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15/8/2017.

Năm 2018, kết quả kinh doanh của các TCTD tăng trưởng khả quan. Lợi nhuận sau thuế ước tăng khoảng 40% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 52,3%). Theo cáo cáo, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống TCTD được cải thiện. CAR toàn hệ thống đạt 11,1%, do vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%).

Phương Dung

Áp lực lạm phát giảm, lãi suất năm 2019 có nhiều yếu tố thuận lợi? - Ảnh 2.