Áp dụng nhiều biện pháp cứu giá chứng khoán

Theo các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư nước ngoài thường là những đối tượng có nhiều kinh nghiệm, có vốn lớn, nếu giới hạn room được loại bỏ thì tin chắc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên sôi động.

Sau khi thấy chỉ số chứng khoán VN Index giảm 36,8% trong vòng 3 tháng (từ 632,69 điểm xuống 399,8 điểm) thì các đơn vị: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), công ty chứng khoán, doanh nghiệp (DN) niêm yết và các nhà đầu tư mới hốt hoảng tìm cách cứu giá.

 

Hàng loạt biện pháp được ứng dụng trên thị trường, nhờ đó bước đầu đã ngăn chặn được đà sụt giảm và giá cổ phiếu đang phục hồi trở lại. Đến ngày 11/8, chỉ số VN Index đạt 443,45 điểm, tăng 44,05 điểm so với mức đáy ngày 2/8.

 

Điều tiết phát hành

 

Theo phân tích của SSC, một trong những nguyên nhân làm sụt giảm mạnh giá cổ phiếu trên sàn là do trong tháng 7 thị trường chứng khoán (TTCK) được cung thêm quá nhiều hàng một cách dồn dập.

 

Trước tình hình đó nhiều DN trên sàn tự điều tiết nguồn cung. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank-mã chứng khoán STB) đã quyết định tạm đình chỉ việc phát hành thêm hơn 30 triệu cổ phiếu mới theo kế hoạch đề ra trong năm nay.

 

Trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sacombank nhận định việc phát hành thêm cổ phiếu đợt này là không phù hợp. Sang năm 2007 nếu xét thấy cần huy động vốn và thị trường thuận lợi thì Sacombank sẽ xin ý kiến đại hội cổ đông để lập phương án phát hành cụ thể.

 

Do STB có vốn điều lệ lớn nhất (1.899 tỉ đồng mệnh giá), chiếm gần 1/4 thị trường, nên động thái này đã có tác dụng lớn góp phần cơ bản ngăn chặn đà sụt giảm giá cổ phiếu trên sàn và đang lấy lại đà tăng trưởng.

 

Sau khi đã chạm đáy ở mức giá 58.500 đồng/cổ phiếu (ngày 2/8) đến nay cổ phiếu STB đang tăng lên, hiện đạt mức giá 62.000 đồng/cổ phiếu.

 

Dùng quỹ để mua cổ phiếu

 

Cổ phiếu xuống giá thấp là cơ hội mua vào của các nhà đầu tư dài hạn. Nhận thấy cơ hội đang đến, một số DN trên sàn cũng đã quyết định dùng tiền quỹ mua vào cổ phiếu.

 

Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) đã ra thông báo dùng nguồn vốn tích lũy mua lại 2 triệu cổ phiếu VSH trong khoảng thời gian từ 7/8 đến 15/9/2006 nhằm mục đích đầu tư tài chính dài hạn và giúp ổn định thị trường. Công ty Chứng khoán Sài Gòn là đơn vị được ủy quyền thực hiện mua số cổ phiếu này.

 

Ngoài ra nhiều vị lãnh đạo của một số DN cũng bỏ tiền ra mua thêm cổ phiếu để tăng tỉ lệ nắm giữ trong công ty. Còn riêng Sacombank, trước đây khi chưa lên sàn ngân hàng này đã lập ra một quỹ 500 tỉ đồng để dự phòng khi giá cổ phiếu trên thị trường giảm mạnh thì sẽ tung tiền mua vào, vừa giúp phục hồi giá, vừa lập kho cổ phiếu quỹ .

 

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, cho biết đến thời điểm này Sacombank chưa phải áp dụng biện pháp mua cổ phiếu trên thị trường.

 

Không hạn chế đầu tư nước ngoài

 

So với giá cổ phiếu của nhiều nước trên thế giới thì cổ phiếu tại Việt Nam còn quá rẻ. Các tổ chức đầu tư nước ngoài (ĐTNN) biết rất rõ điều đó nên trong những ngày qua khi giá cổ phiếu chạm đáy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ bán tháo cổ phiếu thì các nhà ĐTNN lại im lặng tiếp tục mua vào càng nhiều càng tốt. Đến nay tại nhiều DN niêm yết các nhà ĐTNN đã nắm giữ cổ phần tới gần hạn mức (thường gọi là rooom) mà Nhà nước cho phép (hiện tại là 49%).

 

Theo Luật Đầu tư mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2006), các nhà ĐTNN được nắm giữ không hạn chế vốn cổ phần trong các DN của Việt Nam (trừ một số lĩnh vực có quy định riêng). Nhưng do thông tư và văn bản hướng dẫn luật chưa xong nên giới hạn đầu tư cổ phiếu của nhà ĐTNN chưa được dỡ bỏ.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAF1), cho biết nếu để Bộ Tài chính soạn thảo xong thông tư hướng dẫn thì có thể còn lâu room cho nhà ĐTNN mới được mở.

 

Vì vậy, trong đầu tuần này VAF1 đã gửi văn bản lên Chính phủ kiến nghị cho phép mở room 100% cho nhà ĐTNN càng sớm càng tốt. Và SSC cũng đã quyết định gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính yêu cầu bộ sớm trình Chính phủ để mở room không hạn chế cho nhà ĐTNN (trừ lĩnh vực có quy định riêng).

 

Theo Trần Phú Minh

Báo Người lao động