An Giang khôi phục kinh tế, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất

Nguyễn Hành

(Dân trí) - An Giang nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo hàng hóa phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội

Theo UBND tỉnh An Giang, đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta đã tác động rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhiều tỉnh, thành phố cả nước, trong đó có An Giang.

Sau gần 6 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ khác nhau để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh, kinh tế tỉnh An Giang tăng trưởng rất chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm nay ước chỉ đạt 2,15% thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 là 2,46%).

An Giang khôi phục kinh tế, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất - 1

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trong một lần khảo sát mô hình trồng xoài của một HTX trên địa bàn huyện Chợ Mới (Ảnh: Minh Anh).

Trước tình hình đó, ngày 16/11, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang trong tình hình mới.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, việc mở cửa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết nhưng đảm bảo nguyên tắc "linh hoạt, an toàn, hiệu quả"; kiên trì với mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, An Giang cũng đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Lãnh đạo tỉnh An Giang cho rằng, các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hài hòa, hợp lý giữa phòng, chống dịch với các hoạt động kinh tế - xã hội. Tùy theo cấp độ dịch có kế hoạch mở cửa kinh tế phù hợp; an toàn đến đâu mở cửa đến đó.

Phấn đấu giải ngân vốn ngân sách đạt 70%

UBND tỉnh An Giang đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể 14 lĩnh vực trọng tâm, phân công các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện. Trong đó, tập trung và có giải pháp phục hồi phát triển từng nhóm ngành, nhất là ngành nông nghiệp, thương mại dịch vụ; công nghiệp, đầu tư công, du lịch…

Hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp để hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa phục vụ cho nhu cầu đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, triệt để các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất- kinh doanh; hạn chế tối đa số dự án, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản do tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn.

An Giang khôi phục kinh tế, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất - 2

UBND tỉnh An Giang đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể 14 lĩnh vực trọng tâm, phân công các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện (Ảnh: Minh Anh).

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao Sở y tế rà soát hồ sơ thủ tục, quy trình triển khai về việc cho phép doanh nghiệp chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine phòng Covid-19 để tiêm miễn phí cho người lao động của doanh nghiệp và hỗ trợ, hướng dẫn tiêm ngừa vaccine phòng bệnh Covid-19 cho người lao động của doanh nghiệp sau khi tiếp nhận vaccine từ đơn vị cung cấp.

Sở Công Thương hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, chợ đầu mối…) trên địa bàn tỉnh An Giang hoạt động theo nguyên tắc vừa phòng, dịch hiệu quả, vừa đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy.

Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh...

Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn phục hồi kinh tế; Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt trên 70% kế hoạch được giao.

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đã hoạt động trở lại, trừ các doanh nghiệp liên quan đến du lịch, văn hóa, thể thao.

Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế của mỗi doanh nghiệp, tỷ lệ công nhân tiêm vaccine, cấp độ dịch tại vùng, đơn hàng… các doanh nghiệp hoạt động từ 50 - 80% công suất.

Hiện lãnh đạo UBND tỉnh, chính quyền địa phương hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch để hoạt động bình thường trở lại.