Ai thực sự là nạn nhân của tin đồn?

Tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt đã làm thị trường chứng khoán rung động trong ngày hôm qua (21/2). Đây không phải lần đầu tiên những tin đồn liên quan đến các "đại gia" làm thị trường chứng khoán chao đảo.

Ngày 21/9/2012, ngay sau tin đồn bị khởi tố, một cách ráo hoảnh, cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá - bấy giờ đương chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB - khẳng định hoàn toàn không có tin này.
 
Từ trái sang: Bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá, ông Lý Xuân Hải.

Từ trái sang: Bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá, ông Lý Xuân Hải.
Cựu bộ trưởng sau đó “tiết lộ” bảo bối với các nhà báo: Tôi là “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp nên tôi có thể nói đấy là quy định tiến bộ nhất, là “đứa con” sung sướng nhất cả cuộc đời làm việc. Trước năm 1989- khi Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, người dân làm bất kỳ việc gì miễn là Nhà nước cho phép; còn sau đó, thì được phép làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm".

Đúng 1 tuần sau đó, cựu bộ trưởng bị khởi tố với hành vi “ký nghị quyết HĐQT cho phép Tổng giám đốc Lý Xuân Hải ủy thác rút 718 tỉ đồng của ACB mang đi gửi để hưởng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất định hướng của Ngân hàng Nhà nước”.

Trước đó- sáng 23/8, sau tin đồn lãnh đạo ACB bị khởi tố, ngân hàng này lập tức bác bỏ, đồng thời tổ chức khuyến mãi rầm rộ. Nhưng ngay trong tối 23.8, TGĐ Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam.

Và nói về chuyện tin đồn, không thể không nhắc đến vụ bầu Kiên.

Và giờ đây, sau mỗi lần “nạn nhân” của tin đồn lên tiếng “bác bỏ”, dư luận lại một lần nín thở chờ đợi trong căng thẳng một “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán khi tin đồn được xác tín bằng một quyết định khởi tố, bắt tạm giam một đại gia nào đó.

Có điểm chung: Thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung “lãnh đủ” sau các tin đồn.

Sáng hôm qua (21/2), thị trường chứng khoán một lần nữa lại chấn động với tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt. Chỉ số HNX-Index giảm 5,3%- mức giảm kỷ lục trong 2 năm qua. Trong khi đó, chỉ số VN-Index cũng giảm mạnh nhất kể từ sau vụ bắt giữ bầu Kiên hôm 20/8.

Không khí trên sàn chứng khoán được mô tả là “ầm ỹ hết cả lên” với cảnh “tranh nhau bán”, “ồ ạt tháo chạy”. Chỉ có một điểm bất thường là một nhóm nhỏ các nhà đầu tư tranh thủ “mua vét” 250 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 2.600 tỉ đồng.

Nạn nhân của tin đồn, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà sau đó đã nhanh chóng xuất hiện bác tin bị bắt. “Nhiều khả năng là có người tung tin để trục lợi, những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỉ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính” - ông Hà cáo buộc.

Không ngẫu nhiên, tin đồn này được tung ra khi mà thị trường đang hoang mang trước… tin đồn phá giá VND.

Nhìn nhận các tin đồn xuất hiện trong 2 năm qua, cho thấy nó bao hàm cả 2 bộ mặt: Những tin bí mật được rỉ tai, sau đó thành sự thật. Và bộ mặt thứ hai là những tin vịt hoàn toàn, được tung ra nhằm trục lợi, hạ bệ, bôi nhọ. Nhưng bộ mặt nào thì tin đồn cũng là chỉ dấu cho thấy sự bất ổn của thị trường, hậu quả của sự bất minh và sự lung lay dữ dội của niềm tin.

Chìa khóa cho vấn đề tin đồn, vì thế, không phải là việc nạn nhân xuất hiện bác bỏ tin đồn, cũng không phải là việc “công an vào cuộc”, mà phải là sự công khai, minh bạch và nhất quán trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Bởi suy cho cùng, nạn nhân của tin đồn không phải là các “đại gia nạn nhân” mà chính là nhân dân, những người lúc nào cũng thấp tha thấp thỏm với mấy đồng tiền nhỏ nhoi vì mù tịt thông tin.
 
Theo Đào Tuấn