Ai đã đồng ý tăng kịch trần thuế môi trường với xăng dầu?

(Dân trí) - Nếu đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường với xăng dầu được mang hỏi các bác tài xế taxi hay một chị gái văn phòng ngày 2 buổi đưa con đến lớp và đi làm cách nhà 5 km thì rất có thể họ sẽ phản đối. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính nhận được 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn.

Ai đã đồng ý tăng kịch trần thuế môi trường với xăng dầu? - 1

Cuối giờ chiều ngày 17/5, một nhóm tài xế taxi nhân lúc rảnh rỗi ngồi nói chuyện với nhau. Một bác tài nói to: “Giá xăng thực tế vẫn đang tăng hàng ngày, giờ thuế mà tăng nữa thì giá còn tăng mạnh nữa. Mà giá tăng thì làm sao? Thì cước buộc phải tăng nhưng khổ nỗi nếu đám Grab, taxi công nghệ mà không tăng giá thì mình cũng không thể tăng. Chỉ còn nước bán xe về quê”.

Mọi người sau đó đều im lặng, chìm vào suy nghĩ cũng lo lắng riêng của mỗi người.

Nhiều cơ quan “đồng ý”, “nhất trí”

Trước đó vài ngày, Bộ Tài chính tiếp tục trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên mức kịch trần là 4.000 đồng mỗi lít đối với xăng, tăng 1.000 đồng so với hiện hành. Còn mặt hàng dầu là 2.000 đồng mỗi lít, tăng 1.100 - 1.700 đồng/lít so với mức hiện hành.

Một điều dễ nhận thấy, nếu đề xuất kia được mang hỏi các bác tài xế taxi hay một chị gái văn phòng ngày 2 buổi đưa con đến lớp và đi làm cách nhà 5 km thì rất có thể họ sẽ phản đối.

Tuy nhiên, để bảo lưu quan điểm đánh thuế cao của mình, tờ trình do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ký dẫn ra số liệu thống kê được Bộ lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông điện tử của ngành. Cụ thể, trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý thì có 19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác.

Về cơ bản, theo Bộ Tài chính, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về nội dung của dự thảo. Trong đó, 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Các ý kiến còn lại cũng được Bộ giải trình, tiếp thu…

Cụ thể hơn nữa, khi tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, một số cơ quan nhà nước như: Uỷ ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ… đều viết rất ngắn gọn nêu ý kiến "thống nhất" hoặc "nhất trí" hoặc “cơ bản nhất trí” với đề xuất này.

Không chỉ xăng, điện cũng "lãnh đủ"

Ở góc độ khác, một số bộ ngành cũng cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu ý khi tăng thuế.

Theo Bộ Tư pháp, về mặt pháp lý, việc điều chỉnh tăng mức thuế lên bằng mức trần của Biểu khung thuế là phù hợp quy định của Luật thuế Bảo vệ môi trường về thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hôi được giao tại Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc tăng thuế đối với nhóm hàng hoá xăng, dầu mỡ nhờn có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vận tải và một số ngành sản xuất.

Ví dụ được nhắc đến là đối với mặt hàng dầu mazut được cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất tăng từ 900 đồng/lít lên mức 2.000 đồng/lít. Hiện nay, ngành sản xuất điện sử dụng một lượng lớn dầu mazut nên việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hoá này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá bán điện.

“Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thuyết minh làm rõ việc tăng thuế này có tác động như thế nào đến từng ngành sản xuất cũng như hoạt động sản xuất điện và hoạt động kinh doanh vận tải để đảm bảo tính khả thi”, Bộ Tư pháp kiến nghị.

Không chỉ xăng dầu, than đá cũng được nằm trong đề xuất tăng thuế môi trường thêm từ 1.000 - 10.000 đồng, tùy loại.

Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam cho rằng doanh nghiệp ngành than sẽ khó khăn rất lớn trong đầu tư phát triển, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, than là nguồn nguyên liệu chính phục vụ sản xuất điện. Nên nếu tăng thuế than như đề xuất sẽ không chỉ làm tăng chi phí sản xuất than mà còn khiến tăng giá thành sản xuất điện, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế.

Cần có lộ trình phù hợp

Văn bản đóng góp ý kiến của Bộ Công An cũng đề cập, việc tăng thuế môi trường với những mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến giá bán của hàng hoá, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, xã hội và nền kinh tế của đất nước. Vì vậy, cần nghiên cứu trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp.

Đáng lưu ý, Bộ Công an cũng cho rằng, Bộ Tài chính cần xây dựng lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế theo từng giai đoạn thay vì tăng tất cả trong một lần để có sự đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng, tác động của chính sách đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội.

Bộ Giao thông Vận tải cũng bày tỏ lo ngại, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến chi phí vận tải. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hoạt động và đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logistics.

"Do đó, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đề nghị cũng cần có lộ trình điều chỉnh hợp lý đồng thời đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu kĩ đánh giá tác động về mặt kinh tế của chính sách này”, văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Về cơ quan chủ quan cùng với Bộ Tài chính điều hành mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, đề xuất tăng thuế với mặt hàng xăng dầu cần được xem xét, tính toán cẩn trọng do xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (E5, E10) thay thế các loại xăng không chì, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu trong nước không biến động lớn gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch thậm chí thẳng thắn chỉ ra rằng, báo cáo đánh giá tác động chưa thể hiện sự cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay. Các lý do đưa ra chưa thống nhất, thuyết phục, đặc biệt là so sánh giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam với một số nước trên thế giới.

Phương Dung

Ai đã đồng ý tăng kịch trần thuế môi trường với xăng dầu? - 2